Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Vì sao quán sinh tố 'chửi' ở làng Đại học vẫn luôn hút khách Sài Gòn?

Chúng ta thường nghe nhiều đến bún mắng cháo chửi…. và nay xuất hiện thêm cả sinh tố chửi. Quán ở ngay làng Đại học ở Sài Gòn nhưng điều lạ là, quán sinh tố chửi này vẫn nườm nượp khách.

Được nghe chửi mới là điều… bình thường

Nhiều sinh viên ở Sài Gòn vẫn truyền tai nhau món sinh tố chửi. Họ cho rằng, nhắc đến làng Đại học là nhắc đến sinh tố chửi, chưa uống sinh tố chửi thì giống như sinh viên chưa từng ăn mì tôm vậy. Đó là quán sinh tố chửi của cô Nhung tại làng Đại học Thủ Đức, ĐHQG TP.HCM. Chủ quán là cô Nhung, 53 tuổi, người gốc Huế, quán sinh tố này của cô đã tồn tại gần 25 năm, gắn bó với biết bao thế hệ sinh viên.

Quán nước cô Nhung đã gắn bó với biết bao thế hệ sinh viên tại làng Đại học.

Tìm đến quán sinh tố chửi lúc trời bắt đầu tối, tôi bắt gặp hình ảnh cô Nhung đang tất bật với công việc của mình. Trái với hình dung ban đầu của tôi về một người chủ quán luôn miệng chửi bới khách hàng, cô Nhung lại vô cùng đon đả và cởi mở. So với cái tuổi 53 trông cô trẻ hơn rất nhiều.

Cô Nhung - Chủ quán “sinh tố chửi” trứ danh làng Đại học.

Trò chuyện bằng giọng Huế đặc trưng, cô Nhung chia sẻ: “Cô buôn bán ở đây từ năm 1994. Trước đó cô bán chè ở gần trường ĐH KHXH&NV, sau này cô mới chuyển sang bán sinh tố, tính đến nay cũng gần 25 năm. Tính cô rất nóng, nhiều bạn sinh viên đến mua hàng lại vô ý thức, chẳng hạn như thấy đông khách mà không xếp hàng hay trả lời cô trống không là cô la rày tụi nó liền. Dù gì các bạn cũng là người có ăn có học, cô không thể chấp nhận cách cư xử như vậy.

Nhiều người cũng khuyên cô nhắm mắt làm ngơ, không lại mất khách, khách hàng là thượng đế nên ai nói gì mặc ai, miễn mình buôn bán có tiền là được. Nhưng con người cô không chấp nhận như vậy, cô đâu có sợ mất khách, nếu sợ thì cô đã không duy trì nghề này gần 25 năm nay rồi. Cái gì sai thì mình “chỉnh” cho đúng thì thôi chứ, dù gì cô cũng đáng tuổi cha mẹ của các bạn sinh viên.

Cũng nhiều bạn sinh viên giận cô, có bạn tủi thân còn khóc lóc ngay tại quán khi bị cô la. Bạn nào mà dữ dằn hơn thì “nạt” lại cô rồi ấm ức bỏ ra về. Thế nhưng qua vài ngày lại lủi thủi đến gặp và xin lỗi vì lỡ nặng lời với cô. Chưa kể, nhiều bạn sinh viên càng lúc càng thân với cô, lâu lâu lại ghé ủng hộ, riết rồi trở thành những vị khách quen thuộc của quán”.

Cô Nhung luôn tất bật với công việc của mình.

Cô Nhung kể: “Có lần, 1 bạn sinh viên nữ đến mua ly sinh tố bơ, cô hỏi bạn là “con uống gì để cô làm?”. Bạn ấy chỉ đáp gọn lỏn: “Bơ”, khiến cô rất bực mình. Cô la bạn này liền: “cô hỏi đàng hoàng thì con cũng phải trả lời đàng hoàng chứ, con gái con lứa gì mà ăn nói trống không với người lớn vậy?”. Nhỏ sinh viên cũng đâu có vừa, xửng cồ với cô: “bà làm cái thái độ gì vậy?” và hậm hực bỏ đi. Cô cũng quên luôn câu chuyện. Vậy mà vài hôm sau, bạn nữ tìm đến quán và xin lỗi cô. Cô đâu có để bụng những chuyện này nên 2 cô cháu lại vui vẻ như chưa có chuyện gì, sau này thỉnh thoảng cô bé này vẫn ghé quán thăm cô”.

Quán “sinh tố chửi” này là nơi các bạn sinh viên gặp gỡ nhau thường xuyên.

Khi được hỏi về cảm nhận của bản thân khi nghe thấy biệt danh “sinh tố bà chửi” mà các bạn sinh viên, cô Nhung cười lớn: “Cô chỉ thấy mắc cười khi nghe biệt danh đó thôi chứ chẳng hề bực dọc hay tự ái gì cả. Vì đúng là cô la rày tụi nhỏ thiệt. Nhưng thực ra, bọn nhỏ không hiểu được ý nghĩa từ “la” của cô. Ở quê cô, từ “la” tức là la rày, ngang nghĩa với từ “dạy dỗ”, “chỉ bảo”, “nhắc nhở” chứ không có ý mắng nhiếc hay chửi rủa gì tụi nhỏ. Mà nhiều đứa đâu có hiểu, tụi nó thấy cô la rồi hậm hực, bực bội, cô cũng chịu chứ cô chẳng có ý gì xấu.

Cô la rày tụi nhỏ, cô cũng mệt chứ sung sướng gì đâu. Cô biết sẽ có đứa buồn, nhưng mà cô coi tụi nhỏ như con cháu nên mới nhắc nhở. Cô muốn tụi nó phải cư xử đàng hoàng, lễ phép ra dáng người có ăn có học. Tụi nhỏ xa cha mẹ, xa gia đình nên đứa nào cô cũng thương. Cô hay la rày là để tụi nó tự lập và lớn dần lên chứ chẳng có ý xấu gì cả. Cô muốn tụi nhỏ hiểu: đừng bao giờ nghĩ rằng có tiền là muốn cư xử thế nào cũng được, ở đâu thì cô không biết chứ đến quán cô thì không được có thái độ như vậy.”

Cô Nhung là người sống tình cảm và cư xử được lòng mọi người.

Bạn Võ Minh Toàn, sinh viên năm cuối Đại học Công nghệ thông tin TP. HCM là khách hàng thân thiết của quán chia sẻ: “Bao nhiêu năm ở làng đại học là bấy nhiêu năm mình uống sinh tố cô Nhung”.

Chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ khiến Toàn gắn bó với quán đến bây giờ, Toàn kể: “Hôm đó mình tới mua ly sinh tố rau má 5.000 đồng, đến khi trả tiền mình đưa cho cô 200.000 đồng. Lúc đó quán cũng khá đông khách, mình vội về để nghỉ trưa với lại đứng đợi cũng lâu nên mình có hối cô trả lại tiền thừa. Ai dè bị cô la cho một trận vì cái tội thấy quán đông mà còn hối. Mình còn nhớ như in lời cô Nhung nói với mình khi đó: “Không muốn đứng đợi mà còn đưa tiền to làm gì”. Vì trước đó, mình đã được nghe danh tiếng “lừng lẫy” của cô Nhung rồi, nên cũng không thấy giận hay bực mình với cô, lúc nhận tiền thừa, mình còn nhìn cô tủm tỉm cười rồi mới ra về.

Từ đó về sau, thỉnh thoảng mình lại ghé quán cô, có khi quán đông khách, mình còn xắn tay vào phụ giúp cô. Thực ra, cô Nhung là người cực kì dễ gần và tốt bụng, ai từng tiếp xúc với cô cũng nhận thấy điều này, nhưng có lẽ với tính cách thẳng thắn nên cô sẵn sàng la rày nếu không vừa lòng ai”, Toàn nói thêm.

Bán hàng bằng cái tâm

Quán sinh tố của cô Nhung mở cửa từ 8h đến 22h30 hằng ngày. Lượng khách ghé quán khi nào cũng đều đều, đặc biệt, vào thứ 7, chủ nhật, nếu vào trễ một chút là hết chỗ ngồi. Bên cạnh việc bán tại quán, cô Nhung còn bán cho khách mang đi, vì thế khi nào cũng tất bật, chẳng mấy khi được rảnh tay.

Rất nhiều xe đậu trước quán

Các bạn sinh viên đến mua đều phải xếp hàng đợi.

Chia sẻ về bí quyết để quán ngày càng đông khách, cô Nhung chẳng ngại ngần hay giấu giếm: “Cô tự tay làm hết mọi việc, tự đi lựa trái cây ở những đầu mối uy tín, vì làm ăn lâu dài nên cô không tham rẻ, quan trọng là trái cây phải tươi. Khi pha chế, cô cũng pha đủ liều lượng chứ không bớt xén đi để kiếm lời, nên sinh tố ở đây khi nào cũng đậm đà. Kể cả những loại cốc, ly đựng cô cũng luôn thau rửa, lau chùi cẩn thận, đảm bảo sạch sẽ nhất để phục vụ khách hàng. Quán xá ở đây cô cũng thường xuyên quét dọn, lau chùi, vì bán sinh tố nên nếu không sạch sẽ, ngăn nắp rất dễ có ruồi muỗi, như vậy thì có khách nào dám ghé quán nữa”.

Một ly sinh tố dâu chất lượng như thế này chỉ với giá 15.000 đồng.

Không gian thoáng mát, sạch sẽ tại quán.

Là khách hàng thường xuyên ghé quán, bạn Mỹ Quyên , sinh viên năm 2, Đại học khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Em may mắn chưa bị cô chửi lần nào nhưng em nghe các bạn đồn nhiều lắm. Còn về món sinh tố, em dám khẳng định món sinh tố của cô Nhung là ngon nhất làng Đại học, sinh tố đặc sánh, ly lớn, thơm và ngọt vừa phải, giá cả cực kỳ sinh viên luôn. Rảnh rỗi là em lại kéo bạn cùng phòng ra quán để ủng hộ cô”.

Giờ thì các bạn đã hiểu lí do “sinh tố chửi” cô Nhung vẫn nườm nượp khách ra vào mỗi ngày rồi chứ?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn

Bình Luận

BÌNH LUẬN

Tin mới nhất