Sao & Đời Sống

Nam Cương đâu chỉ mênh mang đồi cát

T.H
Chia sẻ

Nép mình bên dãy núi Chà Bang huyền thoại, trong không gian thân cận của xóm làng người Chăm, đến thăm đồi Cát Nam Cương, du khách sẽ cảm nhận rõ nét vẻ đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên và con người Ninh Thuận.

Vũ điệu của cát

Trên dải đất nhiệt đới hình chữ S, Ninh Thuận là vùng đất có nhiệt độ trung bình cao nhất nước, tỉ lệ nghịch với lượng mưa rất ít. Thêm vào đó, địa hình sông ngòi thưa thớt càng khiến cho du lịch Ninh Thuận phát triển có phần muộn hơn so với các tỉnh bạn vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Bù lại, đây lại là điểm đến hấp dẫn cho những du khách ưa khám phá cảnh sắc hoang sơ, tính cách hiền hòa của cư dân nơi này.

Ngược trung tâm Phan Rang 8km về hướng đông nam, đồi cát Nam Cương thuộc làng Tuấn Tú của đồng bào Chăm, xã An Hải, huyện Ninh Phước, hiện ra như một giấc mơ phiêu lưu ôm ấp bấy lâu, nay đã thành hiện thực.

Trước đây đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước làm nghề biển dã, ngày qua ngày họ cùng nhau băng qua đồi cát để đi về phía biển. Ngày nay, dễ bắt gặp hơn cả là hình ảnh trẻ mục đồng thơ thẩn lùa từng đàn gia súc sau một ngày kiếm ăn, in dấu chân thành hàng trên cát. Nhưng say đắm hơn cả chắc hẳn là hình ảnh phụ nữ Chăm nhịp nhàng những bước đi trên cát.

Trong nước da nâu khỏe khoắn và bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu - váy dài chấm gót, khăn vấn choàng đầu nhưng không che mạng - họ bước đi thành thục, nhanh chân. Những khi gần đến ngày lễ trọng, người Chăm thường hè nhau lên đồi cát múa hát, tập dượt, chuẩn bị cho tiết mục của làng mình sao cho đều, đẹp nhất - đổ lại nền cát những dáng hình mềm mại, làm xuyến xao trái tim người lữ khách.

Trên diện tích khoảng 700ha, đồi cát càng thêm mênh mông rộng lớn khi được trấn giữ bởi dãy núi Chà Bang hùng vĩ về phía tây nam, đối mặt ra Đông nhấp nhô sóng bạc. Thi thoảng là những cây bụi thân thảo và vài bóng phi lao tài tình vươn mình dưới tiết trời khắc nghiệt.

Leo lên những đồi cao, bạn sẽ sở hữu góc nhìn toàn cảnh xuống bốn bề cát trắng. Mỗi khi vạt nắng hay cơn gió lướt qua làm triền cát cựa mình duyên dáng. Những hôm gió lộng, diện mạo đồi cát càng thay đổi với nhịp điệu gấp rút, khiến người lữ khách càng thêm trân quý vẻ đẹp chóng vánh do muôn vàn hạt cát mỏng manh kết thành. Ai nấy mở toang mọi giác quan để có thể cảm nhận vẻ đẹp hữu hạn mà thiên nhiên ban tặng, để rồi thích thú theo chân người dân địa phương săn tìm món sản vật quý hóa đang giấu mình dưới cát: con dông.

Rủ nhau lên đồi săn “dông”

Sở thích của thanh niên địa phương là lên đồi cát săn dông. Loài bò sát này có hình dạng giống tắc kè bông, tuy nhiên da không sần sùi mà trơn láng hơn. Chúng chạy rất nhanh và chuyên chui rúc trong hang hốc. Đến đây, bạn có thể đi theo các bạn trẻ địa phương để “tận mục sở thị” thú vui này.

Người săn dông chuyên nghiệp có thể nhìn dấu chân của nó mà tìm tới, chờ đến khi dông di chuyển từ bụi này sang bụi khác sẽ dùng ná bắn thạt nhanh để hạ chúng. Với những con chui rúc trong hang sâu, họ sẽ dùng thuổng đào hang rồi chận bắt, đem về chế thành nhiều món.

Nổi bật nhất phải kể đến món gỏi dông với quy trình chế biến cầu kỳ. Dông để nguyên con, cho vào nước sôi vài phút rồi cạo nhẹ cho bong lớp da lẫn đất bên ngoài, làm sạch ruột. Sau đó khi để cho ráo nước rồi luộc chín, dông được loại bỏ phần xương và lấy thịt. Gỏi dông bằm nhỏ, trộn với rau sống, ăn kèm bánh tráng lai rai thì hết ý!

Nhiều người con Ninh Thuận xa quê mê nhất món dông nướng than. Để món nướng được ngon, dông phải được tẩm ướp cùng hành băm nhuyễn, hạt nêm, tiêu và nhất là loại nước mắm ngon quê nhà. Khi nướng, cần trở đều tay cho dông vàng hai mặt, bày ra ăn kèm bánh tráng nướng giòn rụm hoặc cuốn như cuốn bánh tráng với rau sống, bún và chấm nước mắm me. Chỉ nghe đến đây đã thấy thật bõ công đội nắng săn dông giữa đồi. Khách lạ đến chơi nhờ thế mà được mở mang tầm mắt, dặn lòng phải một lần nếm thử món “dông” mới về.

Trên con đường trở về từ đồi cát Nam Cương, bạn nhớ chạy xe thật chậm trên con đường quanh co, dọc ngang những ngôi làng yên ả. Chặng hành trình khi lên dốc, lúc xuống đồi sẽ đưa bạn đến với những khung cảnh mới lạ sau mỗi khúc quanh. Dọc hai bên đường là những vườn nho, giàn táo với gam màu chủ đạo xanh, tím, nhịp nhàng thay sắc mới theo mùa. Nối liền những cánh đồng đồng thẳng tắp cò bay và hàng hàng lớp lớp những ruộng muối trắng tinh là những trang trại nuôi cừu đã thành đặc sản xóm Chăm, như một dấu nối tượng trưng cho vẻ đẹp cộng cư hòa thuận giữa hai dân tộc anh em.

Thông tin thêm

Càng lại gần khu vực đồi cát Nam Cương, càng tập trung nhiều xóm làng người Chăm. Cứ vào tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, đây là nơi diễn ra lễ hội Po Nai tưởng nhớ một vị nữ tu được người Chăm thần hóa theo truyền thuyết. Lễ hội Po Nai gần với nghi lễ nông nghiệp, cầu mưa thuận gió hòa, sinh sôi nẩy nở cho người, vật nuôi lẫn cây trồng. Người già thường nhắc lớp trẻ khi đi cúng Bà không được bất kính, lỡ có bị té cũng không được than thở mà phải nói là “sướng”. Có lẽ vì vậy mà người Chăm có câu “Naw yauw athau pataw yaw atheh” (đi như chó, nhảy như ngựa) để tả cảnh đi lễ trên núi Chà Bang và câu “Naw tal chơk wơk tal sang” (đi đến nơi về đến chốn) ngụ ý cầu cho mọi sự hanh thông trên đường cúng Bà về.

Chia sẻ

Bài viết

T.H

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất