Sao & Đời Sống

Hoàng Xuân Vinh: Niềm cảm hứng từ một người đàn ông bình thường làm nên điều phi thường

Theo Trí Thức Trẻ
Chia sẻ

“Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, nếu chúng ta đã đam mê điều gì đó thì hãy kiên trì, phải học hỏi nhiều hơn, rèn luyện nhiều hơn nữa. Một ngày nào đó, các bạn sẽ thành công”.

img-2641-1481314659967

Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia nằm ở Hoài Đức, khá xa trung tâm thành phố. Sẽ mất khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng 15’ đi đường nếu không tắc. Tách khỏi con đường bụi bặm của một khu ngoại thành đang phát triển, với lối rẽ vào vẫn còn nguyên những bụi cỏ cao ngang ngực - bám đầy màu vàng của đường đất, khói xe - Trung tâm có không khí trong lành và khá thoáng đãng. Sân bóng lớn, nhiều cây xanh và những khu nhà lớn nhưng đã ngả màu thời gian. Rất nhiều thế hệ tài năng của thể thao Việt Nam đã bước những bước đầu tiên trong sự nghiệp của mình ở nơi này, và trưởng thành cũng ở nơi này.

Trong khu nhà dành riêng cho môn bắn súng, một bức ảnh Hoàng Xuân Vinh và chiếc Huy chương vàng Olympic được treo choán cả một mặt bức tường. Sau chiến thắng tại Rio tháng 8 vừa rồi, Hoàng Xuân Vinh trở thành một biểu tượng của thể thao Việt Nam. Tấm huy chương vàng Olympic không chỉ thay đổi cuộc đời anh, mà còn thay đổi hoàn toàn bộ mặt nền thể thao nước nhà - vốn chỉ là một chấm nhỏ gần như vô hình trong mỗi thế vận hội mang tính chất quốc tế.

Nhưng tấm huy chương vàng của anh Vinh không chỉ mang lại những danh từ như “sự tự hào”, “tiếng tăm”, “bước tiến khổng lồ”. Tấm huy chương vàng của anh Vinh, và bản thân anh - mang đến một thứ vượt xa hơn thế - đó là niềm cảm hứng cho cả một thế hệ vận động viên trẻ nói riêng, và người trẻ Việt nói chung. Câu chuyện của anh Vinh, chúng ta hãy tạm bỏ qua những miêu tả quá to lớn này, và lắng nghe lại từ đầu. Câu chuyện của một người vận động viên, đơn giản là đã luôn cố gắng hết sức mình và không bao giờ từ bỏ.

I. Một người bình thường, làm nên điều phi thường

Anh Vinh ở ngoài đời có chút khác xa với tưởng tượng của chúng tôi.

20160808010837-anh-hoang-xuan-vinh-hcv

Anh gầy hơn trên ảnh, dáng người cũng chắc chắn hơn và… đẹp trai hơn. Có một phong thái rất khác toát ra từ anh, khác đến mức… chúng tôi đã không nhận ra. Phải đến khi chị Nhung gật đầu: “Anh Vinh đấy”. Tất cả mới ớ ra rằng, hoá ra người đàn ông nhìn rất bình thường, lặng lẽ vừa đẩy cửa bước vào ấy chính là anh Hoàng Xuân Vinh.

Ở ngoài đời, anh Vinh toát ra cách nói chuyện của nhà binh. Đĩnh đạc, nói rất ít, rất ngắn gọn và rất đúng giờ. Lịch tập và họp khá dày, anh chỉ có thể dành cho chúng tôi nửa tiếng. Và khi nhận ra chúng tôi đang… hỏi cố 1 câu, anh nhẹ nhàng gõ lên chiếc đồng hồ của mình ra hiệu, nhưng vẫn hiền lành trả lời chúng tôi một cách nhiệt tình.

“Trước đây tôi từng bán hàng trong trường Báo chí đấy”. Anh Vinh thoải mái chia sẻ trước sự bất ngờ của chúng tôi. “Thật ra, bắn súng với tôi là một cái duyên. Đó là nghề chọn tôi thì đúng hơn. Ngày đó, tôi chỉ tham gia các giải đấu phong trào, rồi được tuyển chọn vào đội bắn súng quân đội.” Anh chân thành chia sẻ.

Thật khó để tưởng tượng người đàn ông rất đơn giản và trầm tính đang ngồi trước mặt chúng tôi chưa đầy nửa mét - lại là một nhà vô địch môn bắn súng, là người đầu tiên mang về cho Việt Nam tấm huy chương vàng Olympic. Anh từ chối nhận mình là một “người hùng” trong mắt người hâm mộ. “Tôi thấy bản thân mình là một người rất giản dị. Tôi thích những cái điều gì đấy nó đơn giản, không quá màu mè và cũng không vì những cái danh từ mà người khác đặt cho mình để đưa mình lên quá cao. Sự yêu mến của mọi người - tôi rất trân trọng”. Anh Vinh mỉm cười hiền lành.

Trở về từ Rio, sau những ngày sống trong những lời thán tụng của truyền thông, anh Vinh quay lại với nhịp sống của mình một cách thoải mái. Hàng ngày đi tập, đi họp, trưa ăn ở Trung tâm và tối có thể về nhà ăn cơm với vợ con, cuộc sống vô cùng bình yên và dễ chịu. Cái ngày tháng 8 huy hoàng ấy như đã lùi xa lắm, và nếu không phải một fan hâm mộ anh Vinh đến cuồng nhiệt, bạn rất có thể (sẽ giống như chúng tôi) lướt qua anh Vinh một cách vô tình trên phố mà không hề hay biết - đây chính là người hùng đã mang về chiếc HCV Olympic đầu tiên cho thể thao Việt Nam.

Để nói điều gì đưa Hoàng Xuân Vinh đến với chiếc huy chương vàng, sẽ rất khó để tóm gọn trong 1-2 từ. Chiến thắng của anh Vinh đến sau cả một quá trình dài mà người đàn ông ấy đã tự mình tìm đủ mọi cách để vượt qua. Những câu chuyện bạn đã từng nghe rất nhiều, như tập bắn mà thiếu đạn, hay anh Vinh bị cận, hay anh phải đối mặt với những giây phút bồn chồn và đôi khi là sự thiếu quyết đoán - tất cả đều là thật, tất cả đều nói lên những khía cạnh rất… bình thường, rất “con người” của anh Vinh. Cũng đầy ắp những điểm yếu, những giây phút lung lay với lựa chọn của mình - cả trong cuộc sống lẫn khi giương súng ngắm. Thế nhưng, từng chút một, bằng một sự bền bỉ vững chãi, anh Vinh học cách sống chung với những điểm yếu của mình, tìm cách vượt qua chúng, và đã thành công.

Mãi đến thời điểm nhìn thấy anh Vinh ngồi trầm ngâm trước máy quay, hay đi rất lặng lẽ trong những dãy hành lang ở Trung tâm thể thao Quốc gia, tôi mới hiểu ra điều này. Anh Vinh là một người đàn ông bình thường, đã tự trui rèn chính mình - để làm nên những điều phi thường.

RIO DE JANEIRO - AUGUST 6: Gold medalist HOANG Xuan Vinh of Vietnam competes in the 10m Air Pistol Men Finals at the Olympic Shooting Center during Day 1 of the XXXI Olympic Games on August 6, 2016 in Rio de Janeiro, Brazil. (Photo by Nicolo Zangirolami)

II. Vượt qua bản thân mình

Thỉnh thoảng, khi nhắc lại về chiến thắng vinh quang ấy, anh Vinh vẫn khiêm nhường mà nói rằng “Tôi tập bình thường thôi”, “Tôi may mắn ấy mà”… Nhưng chỉ những người đã cùng đi qua hành trình ấy với Hoàng Xuân Vinh, mới có thể nói cho các bạn biết rằng, sự “bình thường” và “may mắn” ấy - nó là tổng hoà của những thử thách choáng váng đến thế nào.

“Tôi thật sự muốn viết thành một cuốn sách về sự nỗ lực và vất vả của Hoàng Xuân Vinh trong quá trình tập luyện.” Chị Nhung, HLV đã theo sát chặng đường của anh Vinh chân thành chia sẻ với chúng tôi. “Hàng ngày, anh Vinh phải tập giữ súng 5’ liền không được run tay. Không phải giữ 1 lần, mà là cả nghìn lần. Rồi có những ngày, anh Vinh phải đứng nguyên 1 chỗ trong vòng 2 tiếng, chỉ để tập một động tác đưa súng lên hạ súng xuống liên tục.”

“Những đợt tập huấn cũng là khoảng thời gian vô cùng khắc nghiệt. Có thời điểm, anh Vinh phải dậy từ sáng sớm và tập đến tối mịt, từ 12-14 tiếng với đủ môn tập thể lực lẫn chuyên môn. Có lúc tập huấn ở Hàn Quốc, thời tiết rất lạnh, âm 6 - 7 độ, tay cò của Hoàng Xuân Vinh tê cứng, nhưng Vinh vẫn cố gắng tập cho đến lúc bắn được số điểm mà tôi đưa ra. Và thậm chí, trong lúc ngủ, Hoàng Xuân Vinh cũng phải tư duy, nằm mơ cũng phải nghĩ là tôi đang bắn.”

Những bài tập thật sự là thử thách với những giới hạn của người bình thường, thế nhưng anh Vinh - một cách từ tốn và nhẫn nại - đã âm thầm vượt qua như thể mỗi bài tập là một cuộc chiến của chính bản thân mình. “Nếu không vượt qua những giai đoạn ấy thì khi vào thi đâu, bạn sẽ khó khăn hơn rất nhiều”. Anh Vinh nhún vai chia sẻ. “Cũng có nhiều lần tôi bị sốt trước khi thi đấu, thật sự việc đó rất mệt mỏi và làm tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng vì sao HLV vẫn muốn chúng ta phải đứng dậy? Bởi vì việc bỏ cuộc vì sốt, vì mệt cũng có nghĩa là chúng ta đầu hàng trước khi ra trận”.

Chạm đến những ngưỡng khắc nghiệt nhất trong tập luyện thể chất và cả tinh thần, thế nhưng với Hoàng Xuân Vinh - mọi việc vô cùng đơn giản và… hiển nhiên. Những bài tập chính là những thử thách mà anh rất vui lòng tìm cách vượt qua, tận hưởng việc khám phá những cách chinh phục mới. “Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải vượt qua lý trí của chính mình. Có thể ta không đạt được hiệu quả 100%, nhưng có thể đạt được cái hiệu suất do chính năng lượng tiềm ẩn của chúng ta. Từ đó, ta có thể tìm được trong cơ thể chúng ta, có những điều rất kỳ diệu, và ta có thể chiến thắng được điều đó.”

h-52930220-priime-bounty-1481314659959

Điểm yếu lớn nhất của Hoàng Xuân Vinh có phần hơi mâu thuẫn với môn thể thao mà anh theo đuổi. “Vinh có đôi lúc rất yếu mềm, anh ta có quá nhiều cảm xúc”. Chị Nhung chia sẻ. “Chúng tôi từng nói chuyện, tôi nói rằng: Khi em vào thi đấu, em chỉ có 15 giây để băn 1 viên thôi, và nếu em có những quyết định mà em cứ chần chừ, em không quyết đoán được. Qua 15 giây đấy là em hết cơ hội rồi”.

Đừng vội ngạc nhiên khi biết về những dao động này của anh Vinh khi đứng trước bia đạn. Trước khi bạn biết đến một Hoàng Xuân Vinh với tấm huy chương vàng Olympic, bạn chưa hề biết đến một Hoàng Xuân Vinh với những biến cố rất lớn của cuộc đời. Anh Vinh đã trải qua rất nhiều khó khăn - cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ những nỗi đau trong gia đình với hai lần mất mát người thân yêu nhất, cho đến cả những lần vuột mất vinh quang ngay trong phút cuối. Tất cả những trải nghiệm dữ dội ấy vừa tạo nên một Hoàng Xuân Vinh rất nhiều cảm xúc, rất con người - nhưng cũng trui rèn nên sự cứng rắn, vững vàng và tinh thần thép của người đàn ông này.

“Tôi tin vào giây phút khi Vinh bắn viên cuối cùng. Khi bắn, Vinh quyết định rằng viên ấy anh sẽ bắn rất chậm, thế nên Vinh ngắm rất kỹ và rất lâu. Vinh hiểu rằng viên đạn ấy sẽ quyết định cả cuộc đời mình và đã dồn hết những kỹ năng, tinh tuý của mình vào đấy. Lúc ấy, tôi tin rằng Vinh sẽ chiến thắng”. Chị Nhung nhớ lại khoảnh khắc “cân não” ấy tại Rio 2016.

Giây phút ấy, Hoàng Xuân Vinh không chỉ giành được chiếc Huy chương vàng mà còn giành được trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Anh không chỉ vượt qua Felippe Almeida mà còn vượt qua cái bóng của chính bản thân mình, của những nỗi đau và cả thất bại cay đắng trong quá khứ.

III. Niềm cảm hứng của cả một thế hệ

Có một sức hút đặc biệt khi Hoàng Xuân Vinh đi giữa những hàng người trong khu tập bắn của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia. Có rất nhiều vận động viên trẻ đến từ khắp nơi có mặt ở đây để tham gia một giải đấu bắn súng. Và bằng một sự ngưỡng mộ pha lẫn tò mò khó giấu diếm, họ vẫn nhìn theo anh Vinh bước qua như một phản xạ tự nhiên. Tấm HCV của anh Vinh là cái đỉnh cao nhất mà mỗi vận động viên đều hướng đến trong sự nghiệp của mình. Và người đàn ông “số 1 thế giới” đó đang lướt qua họ - ở đây - trong một góc nhỏ ngoại ô Hà Nội, xung quanh là mùi ẩm ướt của lớp tường sơn đã cũ, chứ không phải ở một trung tâm hoành tráng nào với những lớp kính sáng rực rỡ và vẻ bóng bẩy từ những trang thiết bị hiện đại.

capture-2212

Nếu ngày hôm đấy, Hoàng Xuân Vinh không giành được chiếc Huy chương vàng thì sao? Nếu hành trình theo đuổi đỉnh cao của anh mãi mãi là một cuộc rượt bắt vô định thì sẽ thế nào? Liệu có bao giờ trong những cuộc chinh chiến miết mải, và những giờ tập kéo dài với chỉ một vài động tác lặp đi lặp lại - người đàn ông ấy nuôi ý định bỏ cuộc? “Tất nhiên là có chứ”. Chị Nhung thẳng thắn giải đáp thắc mắc của tôi.

Thực ra, một vận động viên trải qua quá trình dài tập luyện cả mười mấy năm trời, điều khiến họ muốn từ bỏ nhất chính là sự nhàm chán, rồi sau những nỗ lực cố gắng, lại thu về thành tích không tốt. “Nhiều lần lắm, không chỉ một - hai lần. Những lần anh ta bắn thất bại, những lần tưởng tấm huy chương đã liền kề với mình rồi lại vuột mất. Thậm chí, trước thềm Olympic, Vinh cũng muốn từ bỏ. Bởi Vinh cảm thấy mình đã mất nhiều thời gian rồi, cảm thấy nỗ lực của anh ta rất nhiều mà không biết có thành công hay không, và cả tuổi tác nữa. Những lúc Vinh cảm thấy anh ta không vượt qua nổi chính mình, đó là lúc anh ta muốn từ bỏ nhất”.

Và điều tuyệt vời nhất của anh Vinh, chính là ở đây - vào những giờ phút yếu mềm nhất - anh đã không bỏ cuộc. Niềm tin vào bản thân, khát khao vượt qua cái bóng của sự thất bại và tình yêu dành cho môn thể thao mình theo đuổi đã ngăn không cho anh hạ súng xuống. “Theo tôi thì chúng ta hiểu một cách rõ ràng về thể thao, phải có thất bại và chiến thắng”. Anh Vinh cười rất hiền khi chúng tôi hỏi về những lần anh muốn bỏ cuộc. “Với vận động viên cũng vậy thôi, khi mình chiến thắng và khi thất bại thì đó là hai mặt cảm xúc khác nhau, và người vận động viên phải đối mặt với việc đó, coi nó là một tai nạn nghề nghiệp rất nhỏ thôi thì mình mới có thể lấy đó làm động lực để vượt qua được”.

“Khi thất bại ư? Tôi không cho đó là thất bại. Mỗi vận động viên đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, bản thân mình cũng vậy. Quá trình chúng ta tập luyện và thi đấu cũng là quá trình ta hoàn thiện, đương nhiên cũng sẽ có sai sót, không thể lúc nào cũng hoàn hảo. Và điều quan trọng là ta luôn phải vượt lên, phải cố gắng hơn nữa trong quá trình hoàn thiện đấy.”

Sự khiêm nhường này và tinh thần bền bỉ nhất quyết không bỏ cuộc của anh Vinh chính là lý giải cho những thành công tột đỉnh ở thời điểm hiện tại. Cả một cuộc hành trình dài dằng dặc mà anh Vinh đã trải qua, những năm tháng dài lao động vất vả, hy sinh cả đời sống cá nhân để dành trọn cho cuộc chinh phục vĩ đại. Tôi không thể nghĩ ra điều gì đúng đắn và trọn vẹn hơn để miêu tả về hành trình miết mải ấy. Không có một sự ồn ào, không có những điều to tát, chỉ đơn giản là tiến về phía trước, vấp ngã và đứng lên, để rồi không đầu hàng mà tiếp tục đi tiếp.

IV. Kết

Nửa tiếng của chúng tôi đã hết và dù không muốn một chút nào, chúng tôi vẫn phải nói lời tạm biệt với anh Hoàng Xuân Vinh. Một cách nhã nhặn và mạnh mẽ, anh đứng lên bắt tay từng người.

Tôi không còn nghĩ nhiều đến chiếc HCV sau khi nói chuyện với anh Vinh, bởi niềm cảm hứng anh mang đến đã không chỉ là cái thành công choáng ngợp ấy nữa. Nó là một cái gì đấy to lớn hơn, một lý tưởng mạnh mẽ về việc chúng ta theo đuổi ước mơ của mình như thế nào, đấu tranh vì nó ra sao và sẵn sàng trải qua những gì - kể cả trăm nghìn lần thất bại - để chạm được cái đích cuối cùng mình ao ước.

“Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, nếu chúng ta đã đam mê điều gì đó thì hãy kiên trì, phải học hỏi nhiều hơn, rèn luyện nhiều hơn nữa. Một ngày nào đó, các bạn sẽ thành công”.

Anh Vinh đã nói như thế khi chúng tôi tạm biệt. Khi đó, tôi hiểu rằng, thật ra chẳng có phép màu nào là thật trên đời. Phép màu duy nhất mà chúng ta có, chỉ đơn giản là sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân mà thôi.

Và nếu ai đó nói rằng họ không tin vào phép màu của sự bền bỉ ấy, tôi sẽ kể lại cho họ nghe câu chuyện về Hoàng Xuân Vinh…

Chia sẻ

Bài viết

Theo Trí Thức Trẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất