Sao & Đời Sống

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết

Quang Hùng
Chia sẻ

Đạo diễn Lê Thanh Sơn đã nhìn lại điện ảnh 2021 cùng các khách mời nổi tiếng trong làng điện ảnh và tâm sự chuyện làm nghề thời gian dài bị đình trệ vì dịch bệnh.

Trong không khí đón chào năm mới – Xuân Nhâm Dần 2022, các diễn viên có tiếng trong giới điện ảnh Việt cùng những vị đạo diễn thâm niên đã cùng ngồi với nhau và chia sẻ về những trải nghiệm khó khăn vất vả, cũng như những bài học mới sau thời gian làng phim bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết Ảnh 1
Đạo diễn Lê Thanh Sơn tọa đàm cùng diễn viên Hứa Vĩ Văn, Liên Bỉnh Phát

Với chủ đề Nhìn lại điện ảnh 2021 do nam diễn viên Liên Bỉnh Phát dẫn dắt cùng sự tham gia của 6 khách mời thân quen như: đạo diễn Lê Thanh Sơn, đạo diễn Luk Vân, diễn viên Hứa Vĩ Văn, Jun Vũ, Phan Ngân, Quang Tuấn đã giúp khán giả có cái nhìn toàn diện hơn về bối cảnh điện ảnh Việt Nam những năm qua và sự lên ngôi của nền tảng phim trực tuyến tác động đến thói quen giải trí của nhiều người.

Chắc hẳn một điều, sau khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, thói quen sinh hoạt của hầu hết mọi người đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ thời gian biểu bị đảo lộn mà sở thích giải trí cá nhân như nấu ăn, phim ảnh, âm nhạc... cũng có nhiều đổi khác. 

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết Ảnh 2
Diễn viên Hứa Vĩ Văn

Mặc dù là người trong nghề, thường xuyên thức khuya dậy sớm để hoàn thành một bộ phim nhưng khi thời gian ở nhà quá lâu, nữ đạo diễn trẻ Luk Vân đã cầu mong: “Ước gì được quay phim thâu đêm, tôi sẽ không than vãn nữa đâu. Tình hình lúc đó khiến mọi người rất buồn, cũng may hiện giờ đã đỡ hơn, ai cũng dần quay lại với guồng công việc”.

Những gương mặt trẻ của làng điện ảnh cũng bắt đầu tập thói quen thích nghi với sự thay đổi do dịch bệnh. Như diễn viên Phan Ngân có cảm giác “người trẻ về hưu”, mỗi ngày phải tự nấu ăn, pha cà phê vì không thể ra ngoài, đến tập boxing cũng ở nhà. Nhưng bù lại, Phan Ngân có thời gian đọc hết những quyển sách mình tâm đắc rất nhiều năm nhưng chưa có thời gian hoàn thành.

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết Ảnh 3
Đạo diễn Lê Thanh Sơn

Bản thân đạo diễn Lê Thanh Sơn lại phải qua rất lâu mới dần quen với “cuộc sống rãnh rỗi”: “Mình tưởng mình có thời gian làm nhiều thứ hơn nhưng tất cả mọi thứ đều mờ mịt vì không biết tương lai thế nào. Mất vài tuần mình nằm bẹp, xem phim giải trí, đến khi cảm thấy không ổn thì mới tập thể thao, chuẩn bị cho ngày sau quay trở lại. Mình nghĩ thời điểm đó là lúc thử thách bản lĩnh của mỗi người”.

Riêng nam diễn viên có hơn chục năm trong nghề - Hứa Vĩ Văn lại chọn quay về với sở thích trong quá khứ. Chàng trai của Giao lộ định mệnh chia sẻ, bên cạnh những hoạt động giúp đỡ anh em trong đoàn phim vượt qua đại dịch, bản thân anh còn vẽ tranh để giải trí và cảm nhận cuộc sống xung quanh. Sau khi vẽ xong, Hứa Vĩ Văn sẽ post lên Facebook hỏi ai muốn mua thì gửi tiền vào Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rồi đưa hóa đơn cho mình. 

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết Ảnh 4

“Lần đầu mình gom được hơn 50 triệu, lần thứ hai thì tổ chức triển lãm, được khoảng 160 triệu, mình mang toàn bộ đi quyên góp từ thiện. Thời điểm đó các anh chiến sĩ ở biên giới đang làm nhiệm vụ rất vất vả, Văn đã mang tiền xuống An Giang trao tận tay các anh. Lần dịch này thì Văn quyên góp cho Bệnh viện Dã chiến số 6 để mua trang thiết bị. Văn cảm thấy mình là một nghệ sĩ, trong thời gian không làm công việc gì thì có thể giúp ích cho đời bằng cách này cũng rất tuyệt”, Hứa Vĩ Văn chia sẻ.

Nam diễn viên Liên Bỉnh Phát cũng quay lại chiếc ghế host dẫn chương trình sau nhiều năm say mê “nghiệp diễn”. Trong buổi trò chuyện, chàng trai Song Lang cho biết, năm 2021 khiến anh nhớ đến một câu, gọi là “cảm ơn nghịch cảnh” vì trong cảnh nguy khốn “chúng ta sống chậm lại, nhìn về quá khứ, thay đổi nhiều thói quen nhưng vẫn có thể thích nghi tốt mọi thứ, càng giúp ta có thêm kỹ năng mới”.

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết Ảnh 5
Diễn viên Liên Bỉnh Phát

Có thể nói, trong thời điểm toàn bộ nền phim ảnh đều bị đình trệ, những dự án mới không thể khởi quay, những dự án cũ không thể phát hành, diễn viên tạm thời thất nghiệp, đạo diễn ôm nỗi lo về tương lai, không ai không cảm thấy tương lai mờ mịt, khó khăn vây quanh. Lúc ấy làng phim Việt tuy “dừng lại” nhưng không hề “đứng yên”, một hình thức chuyển hoá giữa phim Việt và phim trực tuyến đã xuất hiện để tiếp tục tiến trình phát triển của điện ảnh.

Đạo diễn Lê Thanh Sơn nhận định: “Đón Tết năm ngoái trong nơm nớp lo sợ, tưởng mình đã qua nhưng rồi từ 30/4 trở đi, mọi thứ đổ vỡ hết, nó cuốn phăng nhịp điệu đang lên cao của nền điện ảnh, mọi thứ dần chậm lại, cho đến khi phục hồi thì vẫn không đạt được cao trào như trước, nhất thiết phải có nguồn lực thúc đẩy từ phía sau”. 

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết Ảnh 6

Những ứng dụng phim trực tuyến đã chiếm một vị thế quan trọng giữa thời điểm giãn cách. Đạo diễn Luk Vân cho biết: “Mình ‘down’ hết tất cả phần mềm về rồi cùng xem một lúc”. Diễn viên Phan Ngân thì nói: “Ngoài những bộ phim mới còn có những phim cũ rất trước đó. Em cũng có thể xem lại phim mình đóng, bao nhiêu lần đều được”. Diễn viên Quang Tuấn cũng cảm thấy phim trực tuyến không lệ thuộc vào thời gian nên những người bận rộn vẫn có thể theo dõi một tác phẩm vừa rẻ vừa phù hợp.

Ngày nay, nhiều nhà làm phim cũng như các diễn viên điện ảnh đều cảm thấy khoảng cách giữa phim trực tuyến và phim chiếu rạp đang dần được thu hẹp. 

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết Ảnh 7

“Khi đến rạp xem phim, người ta sẽ không bị mất tập trung, đặc biệt còn có sự cộng hưởng từ khán giả khác, như nước mắt hay tiếng cười. Tuy nhiên, những tác phẩm phim kỹ thuật số đã gần đuổi kịp chất lượng ở rạp. Đứng ở vị trí người làm nghề người kể lại, để ủng hộ sân chơi có khán giả thì mình phải mua chứ, mình mua hết nền tảng này đến nền tảng khác”, đạo diễn Lê Thanh Sơn nói.

Bản thân Hứa Vĩ Văn là một người hoài cổ, không chỉ thích xem lại những bộ phim cổ điển trên các nền tảng trực tuyến mà anh còn thường tìm đến bối cảnh phim ảnh nổi tiếng để trải nghiệm cảm giác của diễn viên. Anh từng đến San Francisco, New York, Paris... sau khi xem xong những tác phẩm như “Just Like Heaven”, “Midnight in Paris”... Nam diễn viên sinh năm 1979 đã chia sẻ câu chuyện thú vị về sở thích này:

“Vĩ Văn là ‘fan cứng’ của phim F.R.I.E.N.D.S nên Văn từng đến tận đó, ‘book’ một chuyến xe buýt tham quan bối cảnh trong phim, là quán cà phê Central Perk, nhưng lúc đến mới phát hiện đó chỉ là một... phim trường dựng lại. Thế là mình mắng vốn, mình hỏi, ủa tại sao không có cà phê Central Perk thật sự? Mình hụt hẫng lắm, đi đến công viên Central Perk tham quan mà đâu có gì liên quan đến phim F.R.I.E.N.D.S đâu nên mình bực quá, mình ngồi thẫn thờ một chỗ rồi mình lạc đoàn luôn. Thế là mình gọi điện ‘complain’, sau đó công ty du lịch trả tiền lại cho mình”.

Jun Vũ không ngần ngại tiết lộ bản thân là người rất mê “cày phim” trên mạng. Gần đây cô thích xem series phim Hàn – “Hospital Playlist” và cảm thấy nhờ phim giúp cô hiểu được nỗi vất vả của các y bác sĩ cũng như biết cảm thông cho mọi người hơn. Ngoài ra, trong những ngày này, nữ diễn viên trẻ cũng rất vui khi nhận nhiều tin nhắn của khán giả.

Cô nói: “Những bộ phim trước đây mình đóng khoảng năm 2015 cũng được chiếu lại trên phim trực tuyến, nhiều bạn xem xong đã nhắn tin cho mình nói, chị ơi em thấy chị trên phim này phim kia, điều đó an ủi mình rất nhiều”.

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, diễn viên Hứa Vĩ Văn và 'người trong nghề' kể chuyện làng phim mùa Tết Ảnh 8
Diễn viên Phan Ngân

Ngoài ra, sự lên ngôi của phim trực tuyến sau mùa dịch còn mang một ý nghĩa tích cực khác, nó tạo cho khán giả Việt Nam, đặc biệt là khán giả trẻ một “văn hoá” trả tiền khi xem phim. Chi phí sản xuất một tác phẩm rất nhiều nên nếu người xem có thể ủng hộ bằng việc ra rạp mua vé hoặc trả phí cho nền tảng phát sóng sẽ là động lực to lớn cho ê-kíp làm phim. Khi nhu cầu ngày càng tăng cao thì sự ý thức của khán giả cũng giúp các nhà làm phim nâng cao chất lượng của điện ảnh Việt Nam để phát triển mạnh mẽ như nền phim quốc tế.

Nhìn lại một năm 2021 làng phim nước nhà bị đình trệ, hơn ai hết, những vị đạo diễn, diễn viên, những “người lành nghề” đều hy vọng năm 2022 sắp tới sẽ thật bùng nổ với các tác phẩm được ấp ủ suốt một năm qua, đưa khán giả đến những trải nghiệm giải trí tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Chia sẻ

Bài viết

Quang Hùng

Tin mới nhất