Sao & Đời Sống

Cúng Rằm tháng Giêng có ý nghĩa như thế nào? Vì sao lại nói 'Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng'?

Dung Nguyễn
Chia sẻ

Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt Nam. Vì thế, người xưa đã có câu: 'Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng' nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của ngày này. 

Ý nghĩa ngày Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên tiêu đã trở thành một ngày lễ quan trọng, mang bản sắc riêng của người dân Việt Nam. Người xưa có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày này.

Ý nghĩa của ngày Rằm tháng Giêng.

Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười). Ba ngày Tết này mang các ý nghĩa khác nhau: Tết Thượng Nguyên là Tết hướng thiên cầu phúc an lành, Tết Trung Nguyên là địa quan xá tội, Tết Hạ Nguyên là thủy quan giải ách.

Năm Canh Tý 2020, Rằm tháng Giêng rơi vào Thứ Bảy, ngày 8 tháng 2 Dương lịch (tức 15/1 Âm lịch). Theo GS Lương Ngọc Huỳnh, ngày Rằm tháng Giêng có ba ý nghĩa: ngày Vía Phật, ngày Tết Nguyên tiêu và ngày rằm đầu tiên của tổ tiên, dòng họ trong năm mới.

Thứ nhất, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Vía Phật. Người ta cho rằng tất cả những may mắn nhất của năm mới đều ở ngày này. Vì thế, đối với người theo đạo Phật, trừ ngày mùng 1 Tết thì đây là ngày lễ đầu tiên trong năm. Họ thường lên chùa thắp hương cầu mong may mắn, an lành cho bản thân, gia đình.

Thứ hai, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên tiêu. Người xưa kể lại rằng, trong ngày này, có một vị vua luôn cho mời các trạng nguyên vào hầu triều, nói chuyện và thiết đãi yến tiệc nhân dịp đầu năm. Vào buổi tối, vua và các trạng sẽ vào vườn Thượng Uyển để ngắm trăng và vịnh thơ. Từ đó, người ta coi ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên tiêu, là ngày Tết của các vị vua và trạng.

Thứ 3, Rằm tháng Giêng chính là ngày rằm đầu tiên của tổ tiên, dòng họ trong năm mới. Vào ngày này, người Việt thường đi lễ chùa và làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng với người đã khuất và mong một năm mới an lành, may mắn.

Bên cạnh đó, ít ai biết rằng Rằm tháng Giêng còn mang ý nghĩa về sự đoàn tụ, đoàn viên. Đây là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nấu ăn, trò chuyện và ngắm trăng. Ngày nay, ở nhiều vùng, địa phương vẫn lưu giữ tập tục ăn Tết, gói bánh chưng, chơi mai, đào nở muộn. Thậm chí có nơi còn ăn Rằm to hơn cả những ngày Tết.

Ở một số nước châu Á, Rằm tháng Giêng được xem là ngày Đức Phật giáng lâm tại các chùa. Với một số nhà tâm linh, ngày này còn là ngày vía thiên quan nên các đền chùa làm lễ cầu an, dâng sao giải trừ tai ách cho năm mới. Do đó, từ sau Tết Nguyên đán, ngày 14, hoặc chính Rằm người dân đã tấp nập đến chùa lễ Phật, cầu bình an, khoẻ mạnh, hạnh phúc… cho cả năm.

Xem thêm: Những điều cần lưu ý khi cúng Rằm tháng Giêng

Chia sẻ

Bài viết

Dung Nguyễn

Tin mới nhất