Sao & Đời Sống

Lynk Lee bị miệt thị, Huỳnh Anh unfollow Quang Hải vì áp lực anti-fan: Chuyện gì đang xảy ra với văn hóa mạng của giới trẻ?

Khải Anh
Chia sẻ

Từ câu chuyện của ca sĩ Lynk Lee phải nhận nhiều lời miệt thị về ngoại hình khi quyết định sống thật với bản thân, những hashtag #bodyshaming #antifan đang phủ sóng khắp mạng xã hội. Chuyện gì đang xảy ra với văn hóa mạng của giới trẻ?

Khi giới trẻ kém văn minh trên mạng và những lời nói nhói lòng

Vài năm về trước, Lynk Lee được người ta biết đến là chàng ca sĩ cá tính với những ca khúc đầy cảm xúc về tuổi học trò: Tạm biệt nhé, Ngày ấy bạn và tôi… Khán giả nhớ đến anh bởi giọng hát đầy nội lực, phong cách biểu diễn rất có chất riêng. Vào đầu năm nay, cộng đồng mạng vô cùng bất ngờ trước thông tin Lynk Lee công khai giới tính, và thay đổi hoàn toàn diện mạo.

Hình ảnh Lynk Lee trước khi phẫu thuật chuyển giới

Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, Lynk Lee giờ đây là một cô gái xinh đẹp đã tìm thấy chính mình. Tô Ngọc Bảo Linh là cái tên mới mẻ đánh dấu bước chuyển mình của giọng ca Tạm biệt nhé. Và cũng từ lúc đó, nhiều bình luận khiếm nhã của antifan cũng đã trút xuống trang cá nhân của Lynk Lee. Họ dùng những từ ngữ nặng nề, xấu xa nhất để nói về cô ca sĩ mới vừa chuyển giới: “quái đực”, “trông chẳng giống ai”, “tởm lợm”, “quái thai”… 

Lynk Lee rạng rỡ khi được sống thật với chính mình

Trong đa phần bài đăng, chủ đề hay hình ảnh, những lời xúc phạm, miệt thị giới tính của Lynk Lee vẫn cứ xuất hiện nhan nhản. Nhiều người xem cô là thú vui để bình phẩm, nhận xét để thoả cảm xúc và sự tò mò.

Mới đây, Huỳnh Anh, bạn gái của nam cầu thủ Quang hải đã đăng tải tấm ảnh chụp lại những dòng bình luận xúc phạm mà cộng đồng mạng đã để lại dưới bức ảnh của cô. Huỳnh Anh chọn cách bỏ theo dõi bạn trai để giảm bớt áp lực mà mình phải chịu đựng.

Huỳnh Anh chịu nhiều áp lực dư luận khi yêu Quang Hải

Từ khi công khai tình cảm với Quang Hải, Huỳnh Anh đã nhận không ít sự so sánh với Nhật Lê, cô bị miệt thị ngoại hình chỉ vì vài góc chụp không “hợp nhãn”. Thậm chí, trên Facebook còn có hẳn một group anti-fan Huỳnh Anh, “nhất cử nhất động” của nàng WAGs đều được chụp lại và bình phẩm. Ban đầu, Huỳnh Anh chọn im lặng nhưng gần đây cô nàng buộc phải lên tiếng, phải “xù lông” để tự hảo vệ mình.

Hay câu chuyện xảy ra vào năm 2015, cậu bé Đức Phúc lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình The Voice với ca khúc I’m not the only one. Sở hữu chất giọng lạ, Đức Phúc nhanh chóng thu hút được nhiều sự chú ý của dàn huấn luyện viên. Tuy nhiên, Đức Phúc lúc ấy là cậu bé có ngoại hình tròn trĩnh, và ngay trong đêm đăng quang của mình, cậu đã nhận không ít lời miệt thị. Thậm chí, nhiều người còn mang tấm ảnh Phúc khóc khi lên ngôi quán quân làm trò đùa giễu cợt.

Không chỉ có Lynk Lee, Đức Phúc, Huỳnh Anh… nhiều sao Việt vẫn đang phải chịu đựng hành vi bắt nạt mạng xã hội hằng ngày. Có người mạnh mẽ phản phảo, có người im lặng, có người âm thầm chịu đựng, nhưng sự tổn thương bao giờ cũng là điều còn lại sau cùng.

Xây dựng văn hóa mạng: Hãy là một người trẻ văn minh!

Lynk Lee đã từng chia sẻ với báo giới: “30 năm qua tôi đã gồng mình sống cuộc đời của 1 người khác, vậy nên hiện tại sau khi được là chính mình thì cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều vô cùng ý nghĩa. Tôi cũng thấy hạnh phúc như đang trong một giấc mơ mà không bao giờ muốn tỉnh lại nữa”.

Có thể thấy được trở thành con gái là ước mơ trong cô, là khát vọng mà cô đã mất 30 năm cuộc đời cùng nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ mới đạt đến được. Trước những lời miệt thị, Lynk Lee bình thản, cô xem đó là động lực để hoàn thiện mình, để nối dài thêm những ngày ý nghĩa trong cuộc đời của cô.

Body shaming, bullying… là những thuật ngữ quen thuộc trên mạng xã hội gần đây. Văn hoá mạng, văn hoá thần tượng không nghiễm nhiên trở thành được nhiều người quan tâm. Nhiều người nghĩ rằng mạng xã hội là không gian an toàn để gửi lại những bình luận, dù nó có mang tính xúc phạm. Và khi rời đi, bạn chẳng phải băn khoăn điều gì xảy ra sau đó nữa.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ tâm lí Đặng Hòang An (giảng viên khoa Tâm lí trường Đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Tâm lí chung của người trẻ thường nhìn sự việc mang tính chủ quan, phiến diện và hay có xu hướng đi theo “dòng chảy” của số đông. Không ít người dùng mạng xã hội mang trong mình tư duy lối mòn, nghĩa là đại đa số sẽ tập trung nhìn vào vết mực nhỏ mà quên đi khoảng trắng rất lớn còn lại trên tờ giấy. Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu được sống hạnh phúc với chính mình thì người của công chúng cũng không ngoại lệ. Lời bình phẩm trên cộng đồng mạng có thể ảo nhưng hậu quả gây ra cho nạn nhân là thật khiến cuộc sống và tâm lý bị xáo trộn.”.

Việc bắt nạt mạng xã hội cũng xuất phát từ tâm lí đám đông. Việc bạn like, share những bình luận giễu cợt cũng là một sự thỏa hiệp. Mỗi con người là một cá thể, hãy chấp nhận những điều khác biệt về cuộc đời, hình ảnh của ai đó.

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại điều 34, Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, cụ thể là xử phạt hành chính theo điều 5 Nghị định 163/2013/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Ngoài ra người bị xâm hại còn có quyền yêu cầu bác bỏ, hủy bỏ, cải chính các thông tin sai, đồng thời buộc người vi phạm xin lỗi và bồi thường các thiệt hại (nếu có).

Đặc biệt kể từ ngày 15/04/2020, khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP, “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực. Hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội đã được quy định cụ thể tại điều 101. Trong đó các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm tùy theo tính chất, mức độ (nếu như chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự).

Luật sư Đào Kim Lân (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin mới nhất