Thể thao

Trách nhiệm của VFF khóa 9: Đừng để cầu thủ bị nợ tiền và khán giả cạn niềm tin vào trọng tài

Văn Nhân
Chia sẻ

Đội ngũ lãnh đạo và Ban chấp hành VFF khóa 9 cần có phương án về chuyện các đội nợ lương, "quỵt tiền" cầu thủ và khán giả mất niềm tin vào trọng tài.

Chiến thắng của doanh nhân, chiến thắng của VFF

Theo ghi nhận của Saostar tại hôm 6/11, cuộc bầu chọn Uỷ viên Ban chấp hành khóa 9 đã phản ánh đúng tâm thế nói trên. Có 12 người đã trúng cử ngay vòng đầu tiên. Đại hội bầu lần 2 để chọn 1 người trong 13 ứng viên còn lại vào Ban chấp hành VFF khóa 9. Người chiến thắng với ưu thế tuyệt đối là ông Võ Văn Thư (Hưng Thịnh, Phó chủ tịch CLB Bình Định), dù có những đối thủ đáng gờm như ông Bùi Xuân Hòa (CLB Đà Nẵng), ông Nguyễn Húp...

9/13 Uỷ viên Ban chấp hành VFF khoá 9 là nhân tố mới. Đây là kỳ Đại hội đặt dấu ấn lịch sử về sự thay đổi của bóng đá Việt Nam. 4 người cũ là ông Nguyễn Tấn Anh (HAGL), Lê Văn Thành (Động Lực), Nguyễn Quốc Hội (Hà Nội FC), Đỗ Mạnh Dũng (Viettel). Chín người mới gồm ông Trần Văn Quỳnh (Chủ tịch tập đoàn Vị Trí Vàng), Võ Văn Thư (phó chủ tịch CLB Bình Định), Văn Trần Hoàn (chủ tịch CLB Hải Phòng), Cao Tiến Đoan (Thanh Hoá), Trần Anh Minh (Thái Sơn Bắc), Trần Huy Đức (VFF), Trương Sỹ Bá (SLNA), Đỗ Văn Nhật (Hà Nội), Hồ Hồng Thạch (Bình Dương).

Trách nhiệm của VFF khóa 9: Đừng để cầu thủ bị nợ tiền và khán giả cạn niềm tin vào trọng tài Ảnh 1
Đội ngũ lãnh đạo và Ban chấp hành VFF khóa 9. Ảnh: VFF

VFF khoá 9 có nhiều doanh nhân như ông Trần Văn Quỳnh (Chủ tịch tập đoàn Vị Trí Vàng), Võ Văn Thư (Hưng Thịnh), Văn Trần Hoàn (Hải Phòng), Cao Tiến Đoan (Thanh Hoá), Trương Sỹ Bá (SLNA), Hồ Hồng Thạch (Bình Dương), Lê Văn Thành (Động Lực), Nguyễn Trung Kiên (Next Media), Trần Anh Tú (Thái Sơn Nam). So với khoá 8, VFF khoá 9 tăng thêm 7 doanh nhân. Đây là con số kỷ lục hứa hẹn nâng tầm cho VFF, cũng như chung tay đưa bóng đá Việt Nam tiến lên những thành công mới.

"Các doanh nhân vào VFF sẽ cống hiến trí tuệ, sức lực và cần thiết thì hỗ trợ kinh phí giúp cho VFF. Có thể nói là chỉ cho thêm, không phải nhận gì từ VFF", bầu Thắng nhận xét về tầm quan trọng của các doanh nhân ở VFF.

Tâm thế lớn, trách nhiệm lớn

Chiến thắng với nhiều doanh nhân vào Ban chấp hành VFF khóa 9 sẽ giảm đi ý nghĩa nếu không sớm bắt tay đóng góp và cống hiến cho VFF. Có nhiều chuyện quan trọng phải thay đổi chứ không phải nhìn vào sự thành công của các đội tuyển quốc gia, hay con số tài chính, rồi nói tất cả đang tốt đẹp!

VFF khóa 9 chưa cần phải bàn đến chuyện to lớn như World Cup, mà phải nhìn vào những vấn đề thiết thực nhất. Đó là trách nhiệm với cầu thủ, HLV, những người làm bóng đá và khán giả. Tại sao?

Trong 5 năm qua, bóng đá nước nhà thành công ở cấp đội tuyển quốc gia nhưng đời sống cầu thủ Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những tiếng kêu cứu trên mạng xã hội xuất hiện dày đặc. CLB Quảng Ninh giải tán. Nhiều đội V.League và hạng Nhất nợ lương, nợ thưởng, nợ lót tay. Ngay đến đội Phù Đổng của tân phó chủ tịch VFF - Nguyễn Xuân Vũ từng rơi vào cảnh này.

Đời sống cầu thủ Việt Nam không được cải thiện, bị nợ tiền bạc, có đội giải tán coi như "quỵt tiền"... Bóng đá Việt Nam đã có hàng trăm cầu thủ, người làm bóng đá lâm vào cảnh nói trên trong hai năm qua. Đây là nỗi buồn, là hồi chuông báo động cho bóng đá nước nhà. VFF khóa 9 phải hành động sau khi V.League và Cúp Quốc gia kết thúc. Bài toán về tài chính của các đội bóng chuyên nghiệp cần phải được đảm bảo và có luật chơi hợp lý. Cầu thủ Việt Nam cần được bảo vệ về quyền lợi chính đáng. 

Trách nhiệm của VFF khóa 9: Đừng để cầu thủ bị nợ tiền và khán giả cạn niềm tin vào trọng tài Ảnh 2
Trình độ trọng tài cần được nâng cao để lấy lại niềm tin từ người hâm mộ. Ảnh: VFF

Một vấn đề khác hết sức quan trọng, đó là trách nhiệm với khán giả. Một nền bóng đá có nhiều sự phản ứng của người hâm mộ thì không thể nói tốt. Điển hình là công tác trọng tài bị chê trong nhiều năm qua. Từ trọng tài FIFA đến Trưởng ban trọng tài đều mất niềm tin từ khán giả. Nên nhớ, việc mất niềm tin là mất tất cả, cái sai nhỏ cũng bị hiểu nhầm thành... tiêu cực.

Bóng đá Việt Nam đã khẳng định vị thế ở khu vực, có những bước tiến tốt ở châu lục. Nhưng trình độ trọng tài Việt Nam đang sa sút nghiêm trọng so với khu vực. Hiếm thấy các trọng tài nam điều hành ở giải quốc tế, càng buồn khi số lượng trọng tài Việt Nam cấp FIFA (3 trọng tài nam) chỉ bằng Lào, Campuchia, thua xa Indonesia (5 trọng tài FIFA), Thái Lan (6 trọng tài FIFA). 

VFF khóa 9 cần phải hành động ngay sau khi kết thúc mùa bóng 2022. Công tác trọng tài phải được đánh giá nghiêm túc nhất về chuyên môn lẫn sai sót gây ảnh hưởng đến các giải đấu trong năm nay, sau đó mạnh tay chấn chỉnh.

Nếu không có trách nhiệm với cầu thủ và khán giả thì bóng đá Việt Nam chỉ có lùi mà không thể tiến. Hy vọng trong tâm thế mới với nhiều nhân tố mới thì VFF khóa 9 cho thấy được năng lực để giải quyết hai chữ TRÁCH NHIỆM với cầu thủ và khán giả.

Danh sách 17 Uỷ viên Ban chấp hành VFF khoá 9

Chủ tịch: Trần Quốc Tuấn

Phó chủ tịch chuyên môn: Trần Anh Tú

Phó chủ tịch tài chính: Nguyễn Trung Kiên

Phó chủ tịch truyền thông: Nguyễn Xuân Vũ

13 Uỷ viên: Trần Văn Quỳnh (Chủ tịch tập đoàn Vị Trí Vàng), Võ Văn Thư (CLB Bình Định), Văn Trần Hoàn (CLB Hải Phòng), Nguyễn Tấn Anh (HAGL), Cao Tiến Đoan (Thanh Hoá), Nguyễn Quốc Hội (Hà Nội), Trần Anh Minh (Thái Sơn Bắc), Trần Huy Đức (VFF), Đỗ Mạnh Dũng (Viettel), Trương Sỹ Bá (SLNA), Đỗ Văn Nhật (Hà Nội), Hồ Hồng Thạch (Bình Dương).

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất