Thể thao

Tuyển Anh - 'Sư tử giấy' ở World Cup

Văn Nhân
Chia sẻ

Trong lịch sử bóng đá, tuyển Anh luôn đến mọi giải đấu với tâm thế ứng viên vô địch nhưng họ chẳng khác gì… sư tử giấy.

Dù không ai có thể đưa ra đáp án chính xác nhưng tuyển Anh vẫn luôn tự hào là đội bóng của nơi sản sinh ra môn bóng đá, tức nước Anh là cái nôi của bóng đá. Nghịch lý là tuyển Anh chưa bao giờ cho thấy được tâm thế kẻ mạnh ở World Cup.

Chức vô địch World Cup của tuyển Anh cách đây đã hơn 1/2 thế kỷ. Đó cũng là lần duy nhất Anh vô địch thế giới, khi họ làm chủ nhà và đánh bại Đức ở chung kết World Cup 1966. Người Đức vẫn hay nói về danh hiệu này theo nghĩa bị “đánh cắp”.

Năm nay, tuyển Anh được đánh giá rất cao với tư thế ứng viên nặng ký cùng Brazil, Argentina, Pháp, Tây Ban Nha. Lý do tuyển Anh đã chơi tốt trong hai giải đấu lớn gần nhất gồm World Cup 2018 và Euro 2020, thành tích lần lượt là bán kết và chung kết. 

Tuyển Anh - 'Sư tử giấy' ở World Cup Ảnh 1
Trong lịch sử bóng đá, tuyển Anh luôn đến mọi giải đấu với tâm thế ứng viên vô địch nhưng họ chẳng khác gì… sư tử giấy.

Cần nhắc, ngôi Á quân Euro 2020 là thành tích tốt nhất của tuyển Anh sau chức vô địch World Cup 1966. Bởi tuyển Anh thường xuyên mang hình hài… sư tử giấy dù chưa bao giờ bị đánh giá thấp và luôn có nhiều cầu thủ giỏi.

Có một điều thú vị nói về tuyển Anh, đó là bản lĩnh đá phạt đền rất kém. Tính từ năm 1990, tuyển Anh đã có 7 thất bại trên chấm 11 m ở World Cup và Euro, trong đó có 3 lần thua ở World Cup. Tính xuyên suốt lịch sử World Cup, tuyển Anh chỉ có một lần thắng phạt đền khi đánh bại Colombia 3-4 ở World Cup 2018.

Cụ thể, tuyển Anh thua phạt đền ở bán kết World Cup 1990 (Đức), bán kết Euro 1996 (Đức), vòng 1/8 World Cup 1998 (Argentina), tứ kết Euro 2004 (Bồ Đào Nha), tứ kết World Cup 2006 (Bồ Đào Nha), tứ kết Euro 2012 (Ý) và chung kết Euro 2020 (Ý).

Con số thống kê kể trên đã phản ánh đầy đủ về lý do tuyển Anh không thể có thêm vinh quang sau World Cup 1966. Bởi một nhà vô địch không chỉ mạnh mà còn phải có bản lĩnh “thép”, biết vượt qua thời khắc sinh tử trong màn đấu súng cân não. Ví dụ sinh động nhất là tuyển Anh có thể đi đến bán kết World Cup 2018 là nhờ thắng Colombia 4-3 trong loạt sút luân lưu.

Ngược lại, tuyển Đức tạo ra sự khác biệt nhất trong lịch sử World Cup với tỷ lệ thắng 100% trong các loạt sút phạt đền. Chức vô địch World Cup 1990 của Đức có dấu ấn quan trọng là thắng Anh ở bán kết sau màn đá phạt đền.

Hai trận chung kết World Cup xác định nhà vô địch với màn đá phạt đền là năm 1994 và 2006. Brazil thắng Ý và Ý thắng Pháp. Câu chuyện này càng cho thấy bản lĩnh có ý nghĩa rất quan trọng với một đội bóng có tham vọng vô địch World Cup.

Sau 56 năm trắng tay, tuyển Anh được chờ đợi sẽ vô địch World Cup 2022. Vấn đề là HLV Gareth Southgate liệu có giúp được tuyển Anh vượt qua nghịch cảnh kể trên, chưa kể năng lực được thổi phồng quá mức có thể khiến cho tuyển Anh không thể đi xa.

Tuyển Anh - 'Sư tử giấy' ở World Cup Ảnh 2
Anh gặp Iran vào 20h hôm nay.

Vào 20h hôm nay, tuyển Anh sẽ có trận ra quân gặp Iran - một đối thủ bị đánh giá thấp rất nhiều so với đội bóng của HLV Gareth Southgate. Nếu không có gì bất ngờ thì Anh sẽ thắng dễ Iran.

Ở bảng đấu có Iran, Mỹ vs Xứ Wales, tuyển Anh có lẽ không khó để đi tiếp với ngôi đầu bảng B. Nhưng hình hài sư tử giấy luôn là rào cản lớn để tuyển Anh vô địch World Cup. 

Đừng bất ngờ nếu tuyển Anh tiếp tục trắng tay ở World Cup 2022!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất