Thể thao

Triết lý 'Anatoli Polosin' và giấc mộng vàng sau 28 năm của Indonesia

Thái Việt
Chia sẻ

Sau tấm HCV SEA Games năm 1991 dưới thời Anatoli Polosin, bóng đá Indonesia chưa từng thêm 1 lần bước lên ngôi vị cao nhất giải đấu này. Và 19h00 hôm nay sẽ là cơ hội để họ giải toả cơn khát mang đã tồn tại suốt 28 năm.

Kỳ đại hội năm 1991 là lần cuối cùng bóng đá Indonesia mang về huy chương vàng. Năm đó, dưới sự dẫn dắt của vị HLV quá cố Anatoli Polosin, ĐTQG Indonesia đã đánh bại Thái Lan 4-3 trên chấm phạt đền sau khi 2 đội cầm chân nhau 0-0 trong suốt 120 phút.

SVĐ Rizal Memorial là nơi đã chứng kiến sức mạnh của ĐT Indonesia tại SEA Games năm 1991. Theo báo giới Indonesia, HLV Polosin chính là người đã tạo nên một cuộc cách mạng về lối chơi, qua đó mở ra thành công cho ĐT xứ Vạn đảo tại kỳ SEA Games năm đó.

Cụ thể, vị chiến lược gia người Nga đã thay đổi hoàn toàn lối đá của ĐT Indonesia sau khi lên nắm quyền vào đầu năm 1991. Không còn là thứ bóng đá hoa mỹ, đẹp mắt nhưng không mang lại hiệu quả của người tiền nhiệm Wiel Coerver, Polosin tạo ra một ĐT Indonesia với sự kỷ luật, đề cao tinh thần chiến đấu với lối đá giàu sức mạnh.

Anatoli Polosin là người gần nhất mang đến thành công tại một kỳ SEA Games cho bóng đá Indonesia.

Trong quá trình chuẩn bị cho kỳ đại hội năm 1991, Polosin bỏ ra tới tận 3 tháng để truyền tải triết lý của mình tới các học trò. 90 ngày tập huấn cũng là 90 ngày được các cầu thủ Indonesia gọi là … “địa ngục”.

Giáo án mà HLV Anatoli Polosin đưa đến cho chúng tôi trong 3 tháng tập huấn đó thực sự rất kinh khủng. Nó thực sự rất nặng, có lẽ hơn tới 200%, hay thậm chí là 300% so với những gì chúng tôi được tập luyện trước đó dưới thời HLV cũ. Những người trụ lại được sau đợt tập huấn đó thực sự đã thay đổi rất nhiều, về cả thể chất lẫn tinh thần chiến đấu”, Aji Santoso - hậu vệ đội trưởng ĐT Indonesia dự SEA Games năm 1991 chia sẻ.

Đúng theo lời Santoso nói, những hình ảnh ghi lại về cảnh các cầu thủ nôn mửa, chấn thương trong suốt 3 tháng huấn luyện đã trở thành một đề tài được NHM Indonesia bàn tán sôi nổi khi ấy. Thậm chí, có người còn gọi HLV Anatoli Polosin là “kẻ giết người” với triết lý mà ông mang lại.

Aji Santoso gọi 90 ngày tập luyện trước thềm SEA Games năm 1991 là “kinh khủng”.

Theo lời HLV Anatoli Polosin chia sẻ sau này, ông cho rằng ĐT Indonesia khi ấy không đủ kỹ thuật hay thể trạng để cạnh tranh với bất cứ đội bóng nào trong khu vực. Chính vì vậy, ông chọn cho mình cách tận dụng sức mạnh và sự nhiệt huyết trong lối chơi của từng cầu thủ để tạo ra bản sắc cho ĐT Indonesia sau này.

Tập luyện khắc khổ với những giáo án có thể coi là vượt quá sức chịu đựng của các cầu thủ. Nhưng giá trị mà Anatoli Polosin mang lại sau 3 tháng tập luyện đó là không thể bàn cãi.

Vào thời điểm đó, chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt trước thềm SEA Games. Trong 3 tháng huấn luyện, chúng tôi mỗi ngày phải tập thể lực 2 lần, tập kỹ thuật 1 lần, thực sự nhớ lại thời khắc đó, tôi thấy rùng mình.

Tập luyện khắc khổ, nhưng những thành quả mà nó mang lại sau này là rất lớn. Các cầu thủ phát triển cơ bắp một cách đáng kể. Có thể nói, đội bóng Indonesia dự SEA Games năm đó là một 'đội quân' thực sự“, cựu tiền đạo ĐT Indonesia - Widodo C. Putro nhớ lại.

Lúc đó, chúng tôi đá bóng thực sự chỉ dựa vào sức mạnh. Nó khác với các đội bóng Indonesia bây giờ, bên cạnh sức mạnh, còn có sự kết hợp với chiến thuật. Thời điểm đó, điều quan trọng là chạy thật nhanh, càn lượt thật tốt để phá bóng ra hay đưa khung thành đối thủ một cách dễ dàng nhất.

Theo tôi, ở thời điểm đó, việc lựa chọn lối chơi như vậy là quá hợp lý”, Widodo C. Putro nói thêm.

Widodo C. Putro là đầu tàu trong chiến tích giành HCV SEA Games năm 1991 của ĐT Indonesia.

Theo lời của một nhân chứng khác, hậu vệ trái ĐT Indonesia năm đó là Kas Hartadi thậm chí còn cho rằng, nhờ có triết lý huấn luyện của HLV Anatoli Polosin mà ông và đồng đội chưa bao giờ biết mệt mỏi, dù phải thi đấu với tần suất 1 trận/2 ngày.

“Nếu thể lực không tốt, Thái Lan với kỹ thuật tốt hơn đã có thể đánh bại chúng tôi ở chung kết chỉ sau 90 phút. Nhưng vì có thể lực tốt, chúng tôi chơi phòng thủ khu vực và đứng vững trước Thái Lan sau cả 2 hiệp phụ và may mắn đánh bại họ ở loạt penalty“, Kas Hartadi chia sẻ.

28 năm sau lần giành HCV SEA Games cuối cùng ấy, bóng đá Indonesia lại tiếp tục đứng trước một cơ hội lịch sử ở SEA Games 30 khi chỉ còn cách tấm HCV 1 trận thắng.

Có một điều đặc biệt là ở kỳ SEA Games năm nay, theo các chuyên gia xứ vạn đảo thì phong cách huấn luyện năm nào của vị chiến lược gia huyền thoại Polosin cũng được ông Sjafri áp dụng đôi phần.

Cụ thể, trước thềm SEA Games 30, HLV Indra Sjafri cũng yêu cầu các học trò phải chú trọng vào thể lực. Ông cho các cầu thủ được phát triển thể chất khi tập luyện liên tục 2 tháng tại khu phức hợp Bukit Senayan và khu phức hợp Gelora Bung Karno, Jakarta.

Các cầu thủ trẻ sẽ tham dự một giải đấu mà có tới tận 5 trận đấu trong vòng 9 ngày. Quá kinh khủng. Chính vì vậy, chúng tôi cần phải cải thiện thể lực một cách tối đa nếu muốn giành một vị trí cao ở kỳ đại hội năm nay. Với tôi, ở một giải đấu ngắn ngày như SEA Games, thể lực là yếu tốt tiên quyết“, Indra Sjafri nói.

U22 Indonesia của Indra Sjafri sẽ tái hiện kỳ tích mà Anatoli Polosin từng mang lại?

Tuy vậy, không giống như ĐT Indonesia của cách đây 28 năm, đoàn quân của HLV Indra Sjafri giờ đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự kỷ luật trong lối chơi và lối đá phòng thủ phản công sắc sảo. Bằng chứng là các “Garuda” đã ghi tới tận 19 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 4 bàn trong 6 trận đã đấu.

Người Indonesia đang đón chờ trận chung kết SEA Games còn hơn cả ngày tết truyền thống Tahun Baru Saka. Với màn trình diễn thuyết phục từ đầu giải của thầy trò HLV Indra Sjafri, các CĐV xứ Vạn đảo đang kỳ vọng về một ký ực đẹp ở Rizal Memorial mà Anatoli Polosin từng mang lại.

HLV Anatoli Polosin : Sinh: 30 tháng 8, 1935, Ta-sơ-ken, U-dơ-bê-ki-xtan
Mất: 11 tháng 9, 1997, Mát-xcơ-va, Nga

Chia sẻ

Bài viết

Thái Việt

Tin mới nhất