Thể thao

Tình yêu của người hâm mộ dành cho bầu Đức: Không chỉ là tiếng vỗ tay

Văn Nhân
Chia sẻ

Một đội bóng không thể hoạt động bền vững và thành công nhờ có hàng triệu tiếng vỗ tay...

Khi Học viện bóng đá HAGL ra đời ở Việt Nam thì CLB Bruriam còn chưa xuất hiện. Tỉnh Buriram cách thủ đô Bangkok hơn 400 km. Đông Bắc là vùng nghèo nhất Thái Lan. Kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, trong đó khí hậu khắc nghiệt. Nhưng Buriram đang trở thành CLB thành công nhất Đông Nam Á với doanh thu gần nghìn tỷ/năm. Buriram xây sân Thunder Castle với 33.000 chỗ ngồi. Phía bên ngoài sân Thunder Castle có tổ hợp khách sạn, khu vui chơi, nhà hàng để phục vụ cho các gia đình. Người hâm mộ đến xem bóng đá, vui chơi, ăn uống và giao lưu, chụp ảnh với cầu thủ. Đó là công thức làm bóng đá khép kín với mục tiêu đưa người hâm mộ đến gần đội bóng.

CĐV Buriram chọn dùng đồ của nhà tài trợ và mua các mặt hàng của CLB. Họ không chỉ mua áo đấu, mà có tư tưởng mua mọi thứ của đội bóng để góp phần giúp Buriram vững mạnh hơn các đội khác ở Thai League. Nhờ đó, từ con số 0 thì Buriram trở thành hình mẫu cho các CLB ở Đông Nam Á. Họ tạo ra văn hóa bóng đá khác biệt, nhờ biết kết nối người hâm mộ với đội bóng. 

Chung tay và có ý thức dùng sản phẩm của CLB, doanh nghiệp để đội bóng phát triển. Một câu chuyện tưởng đơn giản nhưng để nhiều CLB ở V.League làm được thì vô cùng khó. Không làm được thì đồng nghĩa phần lớn CLB Việt Nam phụ thuộc vào túi tiền của các ông bầu. Nếu họ làm ăn phát triển thì đội bóng sống tốt, còn ngược lại bị "khai tử".

Tình yêu của người hâm mộ dành cho bầu Đức: Không chỉ là tiếng vỗ tay Ảnh 1
Yêu một đội bóng và đòi hỏi CLB có thành tích thì người hâm mộ phải biết chung tay bằng các hành động thiết thực, không phải chỉ vỗ tay. Ảnh: Anh Hữu

Ở Việt Nam, người hâm mộ có thói quen chỉ trích đội bóng, chê bai cầu thủ rất nhiều khi thành tích không tốt. Nhưng phần lớn không mua vé đến sân, không mua đồ của CLB, không ủng hộ bằng cách mua các sản phẩm kinh doanh của ông chủ CLB. Đó là nghịch lý rất lớn. 

Đội bóng thi đấu đẹp, có thành tích thì mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho khán giả. Ngược lại, người hâm mộ được vỗ tay ăn mừng, thưởng thức bóng đá đẹp thì phải ủng hộ đội bóng bằng cách đến sân mua vé, mua áo đấu, mua đồ lưu niệm, mua các sản phẩm kinh doanh của ông chủ CLB. Chỉ có như thế thì một đội bóng mới phát triển, có doanh thu và CLB có trách nhiệm phát triển, có thành tích để phục vụ tốt cho khán giả. Đó là các vấn đề cơ bản, chưa bàn đến lòng trung thành và niềm tự hào của CĐV với CLB.

Làm một phép tính đơn giản về bài toán thu - chi của HAGL - đội bóng được yêu mến nhất ở Việt Nam. Nếu chỉ có bán vé thì HAGL chỉ thu về 3-4 tỷ/mùa bóng. Con số này chỉ đủ trả tiền lót tay 1 năm cho một ngoại binh. Nhưng bầu Đức đâu chỉ nuôi mấy chục con người ở đội 1, mà ông còn nuôi mấy trăm con người ở Học viện bóng đá HAGL.

Câu hỏi đặt ra: Không có kiếm tiền được từ bóng đá, hay không có sự ủng hộ của người hâm mộ trong kinh doanh thì làm sao bầu Đức có tiền để tái đầu tư và phát triển đội bóng?

Tình yêu của người hâm mộ dành cho bầu Đức: Không chỉ là tiếng vỗ tay Ảnh 2
Bầu Đức luôn hết mình vì người hâm mộ thì ông cũng xứng đáng nhận được sự ủng hộ trong kinh doanh. 

Người hâm mộ không thể đòi hỏi ông bầu, hay doanh nghiệp phải móc tiền túi vào làm bóng đá và phục vụ theo kiểu vì đam mê, cống hiến cho bóng đá nước nhà theo cách vô điều kiện.

Một nhãn hàng đến với bóng đá cũng có tâm thế kể trên. Không thể đòi hỏi họ bỏ tiền để lấy danh tiếng, còn kinh doanh không tiến triển. Không bán được hàng thì doanh nghiệp phải nhanh chóng "ném" các hợp đồng tài trợ vào sọt rác. 

Cách đây 17 năm, tập đoàn Pepsi đã ký hợp đồng với VFF với gói 1 tỷ đồng để hỗ trợ đội tuyển bóng đá nam tham dự SEA Games. Pepsi đưa ra câu khẩu hiệu: Bạn là người yêu bóng đá Việt Nam? Hãy làm một điều gì đó và cách đóng góp nhỏ nhất là uống một sản phẩm Pepsi, bạn đã ủng hộ bóng đá Việt Nam 50 đồng.

Khẩu hiệu của Pepsi chính là thông điệp vẫn còn nguyên giá trị của tất cả CLB sau hơn 20 năm V.League lên chuyên nghiệp.

Do đó, tình yêu dành cho đội bóng và ông bầu chỉ bằng các tiếng vỗ tay, hay "múa phím trên mạng xã hội" thì không có giá trị. Điều đó chỉ có ý nghĩa về tinh thần, còn hoàn toàn chẳng giúp gì để đội bóng phát triển. Nên nhớ, không có CLB nào tồn tại mãi mãi nếu không kinh doanh tốt bao gồm kiếm tiền từ bóng đá và chuyện làm ăn của doanh nghiệp phát triển.

Cuối tuần qua, HAGL ra mắt thương hiệu Bapi HAGL ở Đà Nẵng là một minh chứng. Hàng nghìn người người hâm mộ đã tham dự cùng thầy trò HLV Kiatisuk. Có nhiều người cách hàng trăm km vẫn kéo về để mong muốn được gặp "Zico Thái", Văn Toàn, Văn Thanh... Lý do là vì yêu mà đến với bầu Đức. Người hâm mộ tin tưởng bầu Đức làm bóng đá với chữ tâm và tử tế thì chuyện kinh doanh cũng thế. Họ muốn được góp phần giúp cho công việc kinh doanh của bầu Đức phát triển. Bởi bầu Đức kiếm được tiền thì CLB HAGL sống khỏe và hùng mạnh.

Câu chuyện của bầu Đức và HAGL là bức tranh chung cho bóng đá. Năm ngoái, HAGL lần đầu kinh doanh có lãi sau mấy năm bị nợ thì đội HAGL "thay da đổi thịt". Đội bóng phố núi không còn đá vui, mục tiêu chuyển đổi thành khát vọng vô địch.

Tiếng vỗ tay, lời ngợi khen của hàng triệu người hâm mộ chắc chắn không thể giúp đội HAGL tiến bộ, hay "lột xác". Chỉ có một cách duy nhất là chung tay cùng bầu Đức để đội bóng phát triển. HAGL phải làm được điều đó và làm tốt thì mới đúng nghĩa "người hâm mộ là tài sản của CLB". Và trách nhiệm của người hâm mộ là có ý thức dùng sản phẩm của HAGL để đội bóng phố núi vững mạnh, giống như Buriram của Thái Lan thành công vì có người hâm mộ đồng hành.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất