Thể thao

Tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao

Văn Nhân
Chia sẻ

VTV Award 2021 đã vinh danh Thiếu Niên Nói 2021 ở giải thưởng Chương trình dành cho trẻ em ấn tượng của năm.

Thiếu niên nói là một chương trình giáo dục rất ý nghĩa cho giới trẻ khi các em học sinh được đứng trên bục dũng khí để trải lòng. Rất nhiều phụ huynh nhờ chương trình để hiểu hơn về các con và định hướng tốt hơn trong hành trình nuôi dạy nên người.

Hai năm trước, Quang Hải - tiền vệ tài hoa của bóng đá Việt Nam cũng trải lòng ở Thiếu niên nói. Cầu thủ mang áo số 19 đứng trên bục dũng khí để nói về hành trình theo đuổi đam mê, qua đó muốn truyền lửa cho các cậu bé, các em học sinh yêu bóng đá.

Tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao Ảnh 1
Quang Hải từng đến với Thiếu niên nói để trải lòng về quá trình theo đuổi môn bóng đá.

Đó là tinh thần thể thao của Quang Hải thông qua Thiếu niên nói, đúng hơn là sự kết hợp tuyệt vời của bóng đá và giáo dục. Vì cầu thủ không chỉ có những khoảnh khắc ghi bàn, hay đeo huy chương trên cổ thì mới nói có sự nghiệp thể thao. Cầu thủ có sứ mệnh quan trọng là truyền cảm hứng thông qua bóng đá, là người phát huy tinh thần thể thao đến mọi người.

Và nói về tinh thần thể thao, có một chương trình ý nghĩa đang bắt đầu gây sự chú ý cho người hâm mộ là The Champion - Nhà vô địch 2021. Chương trình ra đời để truyền cảm hứng về tình yêu thể thao đến mọi người, xa hơn là tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao.

Đội ngũ sản xuất và các thành viên tham gia chương trình xứng đáng được ngợi khen cho tinh thần thể thao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến cho nhiều lĩnh vực phải “đứng yên”, trong đó có thể thao bị ảnh hưởng với nhiều giải đấu phải huỷ. Ngay đến chuyện tập thể thao mỗi ngày cũng khó khăn và nhiều VĐV phải “ngồi chơi xơi nước”. Nhưng họ đã vượt khó trong mùa dịch để The Champion - Nhà vô địch 2021 lên sóng nhằm phục vụ cho hàng triệu người hâm mộ yêu thích môn boxing nói riêng và thể thao nói chung.

Tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao Ảnh 2
Trần Văn Thảo (người bên trái), HLV The Champion - Nhà vô địch 2021 thắng knock-out trước võ sĩ Thái Lan vào tối 2/1. Ảnh: Duy Anh

Dấu ấn đầu tiên của The Champion - Nhà vô địch 2021 là Trần Văn Thảo thắng knock-out võ sĩ Thái Lan vào tối 2/1. Thể thao bị “đóng băng” khiến cho Thảo bị stress, nhưng quá trình làm HLV The Champion giúp cho Thảo tìm lại cảm hứng trên sàn đấu thông qua các buổi tập miệt mài cùng các VĐV của chương trình.

Tinh thần thể thao, hay xa hơn là vì sự nghiệp thể thao rõ ràng luôn có ở mỗi VĐV. Ai cũng khao khát thành công trong thể thao nhưng muốn có kết quả thì rất cần những bệ phóng, sự chung tay để tạo ra nền móng vững chắc, gieo những hạt mầm về tình yêu thể thao lan rộng khắp nơi.

Hãy đặt trong một trường hợp cụ thể mà nhiều người hâm mộ cả nước đều biết, đó là ông Đoàn Nguyên Đức của CLB HAGL. Phần lớn hay nói về sự đóng góp của ông cho bóng đá nước nhà nhưng ít ai nói về tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao của bầu Đức.

Bầu Đức có công lớn nhất không phải bỏ nhiều tiền cho bóng đá mà chính là tinh thần thể thao. Hình ảnh bầu Đức ngồi đội nắng cùng các em nhỏ (lứa Công Phượng) là ví dụ. Ông ấy phải rất yêu bóng đá, rất tử tế trong quá trình “trồng người” thì mới tốn nhiều tâm huyết cho ra đời những cầu thủ giỏi về đá bóng và chuẩn mực về đạo đức.

Tôi nhớ có lần bầu Đức như đứng trên “bục dũng khí” răn dạy các cầu thủ HAGL ở Hàm Rồng. Những cậu bé đi học về buổi trưa và gặp bầu Đức. Tất cả khoanh tay chào. Ông chủ CLB HAGL gọi các em đến và dạy dỗ: “Các cháu phải nhớ đá bóng là phải đẹp, không được đá xấu làm chấn thương đồng nghiệp, không được cãi trọng tài. Chú cấm các cháu đá xấu, đá láo. Đứa nào sai thì chú đuổi luôn”. Đây là minh chứng rất rõ ràng cho câu chuyện giáo dục và bóng đá.

Tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao Ảnh 3
Bầu Đức dạy các cầu thủ trẻ HAGL về đạo đức sân cỏ.

Tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao của bầu Đức thực sự đáng để ngưỡng mộ. Ông sẵn sàng từ bỏ công thức thành công là mua cầu thủ. Ông dành tiền để mở Học viện đào tạo nhân tài cho bóng đá nước nhà. Và chúng ta thấy quá trình “trồng người” là rất gian nan, khó hơn gấp nhiều lần việc bỏ tiền mua một cầu thủ đã thành danh.

Gần nhất, CLB HAGL đang dẫn đầu V.League 2021 nhưng dịch Covid-19 khiến giải đấu đứng trước hai phương án: Huỷ hoặc chờ qua năm 2022 đá tiếp. Bầu Đức chọn huỷ, vì đó là phương án tốt nhất cho bóng đá nước nhà. Ông nói ngắn gọn với Saostar là “mọi thứ đều vì cái chung của xã hội”.

Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, phần lớn thường nói về thành tích mà quên mất phần gốc, giống như HLV Park Hang Seo nói thì “người hâm mộ Việt Nam yêu bóng đá nhưng chỉ yêu bóng đá chiến thắng”. Nhưng để có thành tích thì cần hành trình, cần xây dựng một nền thể thao hùng mạnh thông qua sự chung tay của cả xã hội. 

Hy vọng rằng thể thao Việt Nam sẽ có những bước đột phá ấn tượng trong năm 2022, khi đang có nhiều năng lượng tích cực về tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao. 

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất