Thể thao

Quy trình biến 'vàng thành sắt' của bóng đá Việt Nam

Văn Nhân
Chia sẻ

Hãy nhìn từ lứa U20 Việt Nam để thấy bóng đá Việt Nam đang có một quy trình làm bóng đá ngược, gây ảnh hưởng rất lớn đến các ĐTQG.

 Từ tiềm năng của U20 Việt Nam

87 phút là tổng thời gian của Bùi Vĩ Hào (CLB Bình Dương) thi đấu cho U20 Việt Nam ở U20 châu Á 2022. Ngược lại, Bùi Vĩ Hào có 228 phút thi đấu ở V.League 2023 trong 4 trận đấu cho CLB Bình Dương. Đây là con số cực kỳ ấn tượng để thấy Vĩ Hào đang phát triển lý tưởng. 

Đinh Xuân Tiến có 3 trận đấu ở V.League 2023 với thời gian 90 phút. Nhưng cầu thủ này không đá 1 phút cùng U20 Việt Nam. Hồ Văn Cường có 145 phút cho U20 Việt Nam nhưng có đến 228 phút tại V.League 2023. 

Ngoài ra, U20 Việt Nam sẽ hữu những cầu thủ đã thi đấu cho U23 Việt Nam vào năm ngoái như Khuất Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt... Riêng Khuất Văn Khang được gọi lên tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang Seo và ghi 1 bàn thắng. Quốc Việt từng vô địch U23 Đông Nam Á thời HLV Đinh Thế Nam. 

Quy trình biến 'vàng thành sắt' của bóng đá Việt Nam Ảnh 1
U20 Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn.

Đặc biệt, U20 Việt Nam là lứa cầu thủ có nhiều nhân tố được làm việc với các HLV ngoại gồm HLV Troussier, HLV Park Hang Seo, HLV Gong. “Trong danh sách U20 Việt Nam hiện tại, có 80% số cầu thủ từng làm việc cùng tôi. Bản danh sách sơ bộ 50 cầu thủ đăng ký cho SEA Games 32, tôi cũng đã điền tên 14-15 người. 

Tuy nhiên, việc có gọi họ lên ĐTQG hay không thì tôi cho rằng còn rất sớm để nói về chuyện này. Tư bây giờ đến vòng loại World Cup 2026 và Asian Cup 2023, tôi nghĩ có ít nhất 6-7 cầu thủ U20 Việt Nam đủ sức cạnh tranh vị trí ở tuyển Việt Nam”, HLV Troussier nói về các cầu thủ U20 Việt Nam.

Có thể thấy U20 Việt Nam đang sở hữu nhiều cầu thủ giỏi, thậm chí có xuất phát điểm tốt hơn so với các lứa đàn anh trong quá khứ. Bởi HLV Troussier đã làm việc từ U19 và nhận ra được tiềm năng rất lớn. Chuyện không giành vé vào tứ kết có thể nói là thất bại của U20 Việt Nam, khi những người quản lý đá Việt Nam (VFF) sớm quy hoạch tập dài hạn nhưng kết quả không tốt.

Đến quy trình biến “vàng thành sắt”

Vấn đề đầu tiên phải nói cách làm bóng đá “gặt” thành tích, kể cả “gặt” quả non của VFF và VPF. Bóng đá Việt Nam chấp nhận dừng sân chơi chuyên nghiệp để phục đội trẻ, từ U20 đá U20 châu Á 2023 đến U23 Việt Nam tập dài hạn để đá giải giao hữu, kế đến hoãn tiếp cho U22 dự SEA Games 32. 

Những cầu thủ trẻ sớm bộc lộ tài năng để được thi đấu chuyên nghiệp phải đi phục vụ cấp U. Như trường hợp của Vĩ Hào kể trên, cầu thủ này được đá cả 4 trận liên tục ở V.League 2023 thì đi phục vụ cho U20. Khuất Văn Khang sẽ tăng thêm có hội ra sân ở V.League nếu có thêm thời gian tập luyện. Nên nhớ, Văn Khang đã chơi cực hay ở U23 châu Á 2022 và từng được gọi lên đội tuyển Việt Nam. Một tài năng chờ cất cánh ở giải chuyên nghiệp phải đi đá U20. Liệu có làm ngược so với thế giới?

Nhìn về quá khứ, bóng đá Việt Nam tạo ra rào cản lớn cho các tài năng trẻ phát triển bằng quy trình “biến vàng thành sắt”, tức dồn lực lượng đội tuyển đi đá cấp U. Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh, Đức Chinh, Hoàng Đức, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Hồ Tấn Tài… đi đá SEA Games, dù phần lớn đã vô địch AFF Cup và tham dự vòng loại World Cup 2022. Dùng nòng cốt ĐTQG đá U22 cũng đồng nghĩa những cầu thủ trẻ khác bị mất cơ hội phát triển. Trên thế giới, không thể có việc Mbappe tạm chia tay PSG để đi đá U20, U21 của Pháp, Jamal Musiala (20 tuổi) của Bayern Munich không đi phục vụ U20 Đức… Những cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp và lên đội tuyển luôn được ưu tiên chơi ở cấp độ cao nhất.

Quy trình biến 'vàng thành sắt' của bóng đá Việt Nam Ảnh 2
Quang Hải từng là Cầu thủ hay nhất Đông Nam Á năm 2018 nhưng về đá U22 tại SEA Games 2019.

Năm ngoái, HLV Gong trình làng một loạt cầu thủ mới ở U23 châu Á 2022, trong đó có trận hoà ấn tượng trước U23 Hàn Quốc. Nếu HLV Gong chỉ tập trung vào những gương mặt như Hai Long, Hoàng Anh… thì không thể phát hiện ra Văn Khang, Văn Trường. Văn Toản chấn thương thì cơ hội đến với Văn Chuẩn, và tất cả nhận ra Văn Chuẩn còn chơi tốt hơn đàn anh có thương hiệu thủ môn ĐTQG. 

Nhìn rộng hơn, bóng đá Việt Nam đã có lứa cầu thủ tuổi trẻ tài cao, sớm thành danh từ U23 đến ĐTQG với độ tuổi từ U23 trở lại, gồm lứa Công Phượng và Quang Hải. Nếu phát triển đúng thì sau AFF Cup 2018 phải nâng tầm để vươn ra châu lục. Nhưng phần lớn cố “gặt” thành tích trong mọi cấp độ nên trong suốt 5 năm qua thành rào cản cho các cầu thủ trẻ tiến bộ, tức cứ đưa về phục vụ cho U22 và U23.

Hơn hết, sân chơi chuyên nghiệp cũng hoãn liên tục để phục vụ các ĐTQG lấy thành tích. Có thời điểm V.League đá 4 trận nghỉ tận 4 tháng, một quãng nghỉ khiến cho hàng trăm cầu thủ chuyên nghiệp phải rơi vào cảnh “ngồi chơi xơi nước”.

“Không quan tâm đến FIFA Days, phá hủy hệ thống giải đấu chuyên nghiệp để trở thành nhà vô địch SEA Games. Đó là tầm nhìn của người nghiệp dư, là ý tưởng của kẻ không biết gì về bóng đá chuyên nghiệp. Họ không có phương án để phát triển bóng đá Thái Lan và tiến gần đến World Cup. Đừng lừa cổ động viên Thái Lan về giấc mơ World Cup. World Cup là giải đấu chuyên nghiệp còn SEA Games dành cho kẻ nghiệp dư như FAT”, Chủ tịch CLB Buriram United - ông Newin Chidchob từng phản ứng kế hoạch của FAT khi muốn Thai League kết thúc sớm để U22 Thái Lan tranh HCV SEA Games 32.

Sân chơi chuyên nghiệp nhường chỗ cho đội U. Các tuyển thủ về phục vụ cấp độ U. Cộng cả hai vấn đề này lại sẽ thấy các cầu thủ chuyên nghiệp bị hạn chế cơ hội tiến bộ, và các tài năng trẻ mất cơ hội trưởng thành.

Đã đến lúc những người quản lý bóng đá Việt Nam thay đổi tư duy “gặt” thành tích, và hoãn giải chuyên nghiệp. Nếu còn duy trì tư duy lấy thành tích trẻ thì khó đi World Cup 2026. Đơn giản là chúng ta thắng các đội trẻ Thái Lan trong 6 năm qua, còn ĐTQG vẫn chưa thắng trong 15 năm.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất