Thể thao

Phóng viên bị đánh, tịch thu điện thoại: Khán giả còn dám đi xem V.League?

Văn Nhân
Chia sẻ

Phóng viên bị đấm vào mặt, người bị thu điện thoại, trọng tài bị rượt chạy, CĐV vây hãm gần cả tiếng đồng hồ, một tấn bi kịch ở sân Thiên Trường đầy xấu hổ, liệu VPF và VFF có làm thẳng tay?

Phóng viên bị đánh, người bị thu điện thoại, CĐV chạy vào sân rượt trọng tài, ban huấn luyện CLB Nam Định chạy vào sân phản ứng trọng tài…. Đó là tất cả sự xấu hổ diễn ra ở trận Nam Định - SLNA vào ngày 6/7/2018 nhưng mọi thứ bắt đầu đang được chống chế, muốn lái sự thật đi theo một hướng khác, thậm chí xuyên toạc sự thật với “bản báo cáo” trên fanpage của CLB Nam Định vào ngày 8/7.

Trao đổi với Saostar, phóng viên Trần Văn Trung đã giật mình khi thấy “bản báo cáo” đăng tải trên fanpage của CLB Nam Định viết về anh là sai sự thật, không rõ sao lại có những dòng chữ như thế khi anh bị thu điện thoại.

Cụ thể fanpage của CLB Nam Định có viết về phóng viên Trần Văn Trung: “Một khán giả khác mang máy ảnh chạy vào sân, (Người này sau đó được xác minh là phóng viên Trần Văn Trung của một tờ báo Nghệ An - bỏ qua các quy định về tác nghiệp tại Điều lệ Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Nuti Café Vleague1 2018, tự ý cởi bỏ áo bib, không đeo thẻ tác nghiệp và tiến vào khu vực sân cỏ) được lực lượng làm nhiệm vụ của Ban tổ chức yêu cầu ra khỏi sân song người này cương quyết không chấp hành và chạy về phía khu vực kĩ thuật của đội khách. Lo ngại hành vi của người này gây thêm kích động cho khán giả và ảnh hưởng tới đội khách, lực lượng chức năng đã đề xuất tạm giữ máy ảnh để tiếp tục yêu cầu người này ra khỏi khu vực sân thi đấu. Khán giả này cự cãi và tự xưng là phóng viên đang tác nghiệp. Sự việc ngay lập tức được báo cáo với giám sát trận đấu Cao Đình Khôi và chỉ được xác minh khi người này rút trong balo ra chiếc áo bib màu đỏ và xuất trình thẻ phóng viên - không phải thẻ tác nghiệp do Ban điều hành giải cấp phát.

Một CĐV vượt rào xuống sân rượt trọng tài. Ảnh: Trọng Tùng

Vậy người mặc áo đen này ngang nhiên đấm vào mặt phóng viên là ai? Ảnh: Trọng Tùng

Hành vi của phóng viên Trần Văn Trung là rất đáng phê phán bởi là phóng viên, hơn ai hết anh phải hiểu rõ các quy định để được tác nghiệp dưới đường pitch. Tại thời điểm đó có rất nhiều phóng viên cũng đang tác nghiệp và không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía các lực lượng làm nhiệm vụ”.

Phóng viên Trần Văn Trung cho biết: “Tôi có mang thẻ đầy đủ do BTC cấp. Lúc sân Thiên Trường xảy ra sự việc thì tôi đang tác nghiệp, ghi nhận hình ảnh. Điều phối viên của BTC sân Thiên Trường là ông Trần Khắc Xương vô cớ sao đến giật điện thoại của tôi. Đến tận lúc họp báo sau trận đấu, ông Xương mới chịu trả cho tôi. Theo tôi được biết, khi trận đấu kết thúc, chỉ có lực lượng an ninh mới có thể mời người không làm nhiệm vụ lên khán đài hoặc rời khỏi khu vực trong sân. Nhiệm vụ của điều phối viên là phụ trách chuyên môn về công tác tổ chức thi đấu.

Còn những gì báo cáo viết là sai hoàn toàn, nhân vật trong đó không phải tôi. Tôi đọc thấy vô cùng hoang mang. Họ đăng tải như thế ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của tôi. Tôi mong muốn VPF và VFF phải làm rõ sự việc này, trả lại danh dự cho tôi cũng như xử lý nghiêm khắc chuyện vì sao phóng viên đang tác nghiệp bị thu điện thoại, ngăn cản lúc đang tác nghiệp đúng quy trình”.

Trong clip được đồng nghiệp gửi cho Saostar có tiếng rất rõ ràng chuyện phóng viên Trần Văn Trung bị điều phối viên sân Thiên Trường ngang nhiên thu điện thoại và đáp chuyện với giọng rất gắt gao: “Em là ai, anh không cần biết, đi vào gặp anh lấy điện thoại”.

Clip điều phối viên sân Nam Định lớn tiếng thu điện thoại phóng viên.

Câu chuyện xấu hổ xảy ra ở sân Thiên Trường bắt nguồn từ chuyện ban huấn luyện CLB Nam Định nhảy vào sân phản ứng trọng tài ngay sau khi trận đấu kết thúc. Các cầu thủ Nam Định cũng phản ứng gay gắt với các trọng tài.

Đó là nguồn cơn dẫn đến những bi kịch tiếp theo ở sân Thiên Trường. Một CĐV nhảy xuống sân rượt trọng tài Trần Đình Thịnh, rất may các thành viên khác của tổ trọng tài đã kịp ngăn cản để ông Thịnh không bị ăn đòn. Tuy nhiên, một diễn biến khác thì phóng viên tác nghiệp tại sân bị ăn đòn, bị thu điện thoại.

Sân Thiên Trường “loạn như cái chợ” thế này, nếu VFF và VPF không xử lý thì liệu khán giả có còn dám đi xem V.League? Lý lẽ đơn giản là ngay cả phóng viên cũng bị ăn đòn, bị thu điện thoại thì người hâm mộ rơi vào hoàn cảnh trên sẽ ra sao?

Kể thêm một câu chuyện vui là sau 1 ngày diễn ra tấn bi kịch này thì một vài phóng viên hài hước đội mũ bảo hiểm ở sân để chụp hình đăng lên mạng xã hội. Họ trêu đùa là lúc này đi tác nghiệp V.League phải cần có nón bảo hộ để phòng ngừa bị hành hung.

Đúng là tấn bi kịch cho V.League. VPF và VFF không xử lý nghiêm khó thuyết phục dư luận!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất