Thể thao

Nỗi buồn bóng đá Việt Nam: 'Gãy xương sống' V.League, bao giờ mới theo kịp Thái Lan?

Văn Nhân
Chia sẻ

Hơn 5 năm qua, các đội trẻ Việt Nam chưa biết thua Thái Lan nhưng ĐTQG có 15 năm chịu cảnh ngược lại trước "voi chiến". Một nỗi buồn phản ánh sự thiếu hợp lý của bóng đá Việt Nam.

Thai League khác V.League như thế nào?

Ở mọi nền bóng đá, sân chơi chuyên nghiệp là xương sống để các ĐTQG sở hữu những cầu thủ tốt nhất. V.League và Thai League cũng sắm vai trò quan trọng như thế với tuyển Việt Nam và Thái Lan. Nhưng sự phát triển của hai giải đấu có độ vênh rất lớn về cách điều hành giải và xu thế chuyên nghiệp.

Vào tháng 5 tới, SEA Games 32 được tổ chức ở Campuchia. V.League có hai quãng nghỉ dài hơn 80 ngày để phục vụ cho U20 và U22. Tuyển Việt Nam hội quân trong 5 ngày nhưng không thuộc FIFA Days và không thi đấu giao hữu.

Ngược lại, Thai League được yêu cầu đẩy lịch thi đấu lên để giải kết thúc sớm so với quãng thời gian diễn ra SEA Games 32. Mục đích để U22 Thái Lan có thêm thời gian chuẩn bị cho SEA Games 32. Nhưng các CLB phản đối và Thai League vẫn thi đấu bình thường. Đây là khác biệt rất lớn khi nhiều CLB Việt Nam vẫn chấp nhận chơi theo kiểu bị VPF, VFF cầm trịch và không phản ứng dù giải đấu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Không quan tâm đến FIFA Days, phá hủy hệ thống giải đấu chuyên nghiệp để trở thành nhà vô địch SEA Games. Đó là tầm nhìn của người nghiệp dư, là ý tưởng của kẻ không biết gì về bóng đá chuyên nghiệp", Chủ tịch CLB Buriram United - Newin Chidchob phản bác Liên đoàn bóng đá Thái Lan.

(Kỳ 2) Nỗi buồn bóng đá Việt Nam: 'Gãy xương sống' V.League, bao giờ mới theo kịp Thái Lan? Ảnh 1
Thai League không dừng hay đứt đoạn vì SEA Games 32.

HLV Bozidar Bandovic (CLB Hà Nội) nói: "V.League chuẩn bị bước vào quãng nghỉ dài 1 tháng rưỡi, sau đó thêm khoảng 1 tháng nữa, tôi chưa từng gặp giải đấu nào có 2 quãng nghỉ dài như thế này. Ngay cả ở Thái Lan, tôi từng làm việc cũng chỉ có một quãng nghỉ nhưng không dài như thế này".

Từ những phát biểu kể trên có thể thấy Thai League không đánh đổi sân chơi chuyên nghiệp để phục vụ cho các đội tuyển cấp trẻ. Chưa bàn đến nhiều hệ lụy khác thì sự tương phản về việc dừng giải vô địch quốc gia để phục vụ vài chục cầu thủ trẻ thi đấu và hàng trăm cầu thủ chuyên nghiệp "tập chay" dài hạn, đó là sự bất hợp lý rất lớn. 

Khác biệt về thành tích đội tuyển

Theo con số thống kê của Saostar, bóng đá Việt Nam chưa thua Thái Lan trong hơn 5 năm qua nếu xét cấp độ trẻ, tính từ U15 đến U23. Tổng cộng có 17 lần gặp nhau và Việt Nam thắng Thái Lan 12 trận và hoà 5.

Nghịch lý là tuyển Việt Nam chưa biết thắng Thái Lan trong 15 năm qua khi tính ở sân chơi chính thức. Việt Nam chỉ thắng Thái Lan đúng 1 lần ở giải giao hữu vào năm 2019. Trong hai kỳ AFF Cup gần nhất, tuyển Việt Nam thua Thái Lan 2 trận và hòa 2. 

Trong bóng đá, sự thành công của các đội trẻ có ý nghĩa cho tương lai của ĐTQG. Câu hỏi đặt ra: Tại sao đội tuyển Việt Nam luôn thua Thái Lan dù cấp độ trẻ thắng đối thủ liên tục trong 5 năm qua?

Đáp án nằm ở phần đầu về câu chuyện khác biệt giữa Thai League và V.League. Hãy lấy ví dụ thực tế là SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam. U23 Việt Nam đánh bại Thái Lan 1-0 để giành HCV. Có hai vấn đề đáng nói về câu chuyện thành tích của thầy trò HLV Park Hang Seo như sau:

Thứ nhất, HLV Park Hang Seo có tận 1 năm gọi các cầu thủ trẻ lên tập song song cùng ĐTQG. V.League 2022 đá 4 vòng rồi nghỉ tận 4 tháng để phục vụ các đội tuyển quốc gia, trong đó có quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31. 

(Kỳ 2) Nỗi buồn bóng đá Việt Nam: 'Gãy xương sống' V.League, bao giờ mới theo kịp Thái Lan? Ảnh 2
Đội tuyển Việt Nam có 15 năm chưa thắng Thái Lan ở các sân chơi chính thức.

Thứ hai, HLV Park Hang Seo gọi toàn bộ cầu thủ giỏi nhất ở cấp độ U23 và 3 cầu thủ trên 23 tuổi gồm Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh. Trong một quãng thời gian dài ăn tập cùng nhau, U23 Việt Nam thực tế chẳng khác gì một CLB chuyên nghiệp. 

Những điều kiện kể trên không xuất hiện ở U23 Thái Lan của HLV Polking. Thái Lan phải vừa đá vừa ráp đội hình, bởi thời gian chuẩn bị rất ngắn và HLV Polking không có được những cầu thủ giỏi. Do đó, U23 Việt Nam thắng Thái Lan là chuyện đương nhiên, trường hợp thua mới đáng thất vọng!

Câu chuyện vô địch SEA Games 30 cũng tương tự. U22 Thái Lan không dùng cầu thủ trên 22 tuổi. Nhưng HLV Park Hang Seo gọi Hùng Dũng và Trọng Hoàng. Đoàn Văn Hậu thi đấu ở Hà Lan về phục vụ cho U22 Việt Nam. Ông Park có dàn tuyển thủ là Quang Hải, Hùng Dũng, Tiến Linh, Đức Chinh, Trọng Hoàng, Hoàng Đức, Việt Anh, Hồ Tấn Tài, Bùi Tiến Dũng... Gọi là U22 nhưng HLV Park Hang Seo mang cả đội tuyển quốc gia đi đá SEA Games năm 2019.

Từ tư duy"phá hủy hệ thống giải đấu chuyên nghiệp để trở thành nhà vô địch SEA Games" khiến cho tuyển Việt Nam luôn thất bại trước Thái Lan. Bằng chứng là Thái Lan mất 10 trụ cột vẫn thắng tuyển Việt Nam để vô địch AFF Cup 2022 và bộ khung gần như thay đổi toàn diện so với năm 2021. Đúng hơn, chúng ta chỉ thắng đối thủ ở cấp độ trẻ do làm theo kiểu lấy V.League và ĐTQG phục vụ, còn trình độ ĐTQG không bằng. Bởi chất lượng cầu thủ chuyên nghiệp của V.League thua xa Thai League về nhiều mặt, trong đó có lý do là một giải đấu thường xuyên bị "băm nát" với các quãng nghỉ vô lý và một giải đấu được điều hành chuyên nghiệp.  

Kỳ tới: Làm bóng đá chuyên nghiệp phải phản ứng việc chưa hợp lý, đừng chơi sao cũng được!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất