Thể thao

Liên tục chỉ trích VPF, bầu Đức có đau?

Văn Nhân
Chia sẻ

Sau 8 năm ra đời, VPF đang bị chính một trong những người đứng ra sáng lập là bầu Đức chỉ trích. Đó thực sự là nỗi buồn lớn cho bóng đá Việt Nam.

Năm 2012, ông Nguyễn Đức Kiên, bầu Đức và các ông bầu của bóng đá Việt Nam cùng nhau đứng ra thành lập VPF - Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trong đó VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) đóng góp 35,4% cổ phần. Mục đích là VPF tách bạch với VFF.

Đúng hơn, VPF ra đời như một đơn vị độc lập để nhằm mục đích tổ chức và quản lý các giải đấu chuyên nghiệp dưới quy định chung của VFF, nhưng không bị VFF tác động tới sự khách quan của giải đấu.

Thời còn làm Chủ tịch VFF - ông Nguyễn Trọng Hỷ cũng nói rõ về lý do VPF ra đời: “Luật Thể thao do Quốc hội thông qua quy định rất rõ, giải chuyên nghiệp phải do các CLB chuyên nghiệp sở hữu. Vì vậy việc thành lập VPF hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam…”.

Đó cũng là lý do khi ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPF thì ông Võ Quốc Thắng quyết định không tham gia VFF, kể cả vị trí ủy viên Ban chấp hành VFF. Bầu Thắng xác định tuân thủ luật chơi: VFF và PPF cần tách bạch, không được lấn cấn với nhau.

Bầu Thắng là Chủ tịch VPF thì từ chối tham gia VFF và chỉ ngồi 1 ghế. Nhưng bầu Tú ban đầu ngồi đến 3 ghế, bây giờ tiếp tục giữ 2 ghế to nhất, còn đang là ủy viên Thường trực VFF và trưởng ban môn Futsal.

Bây giờ, VPF dưới thời bầu Tú là một câu chuyện hoàn toàn khác. Hầu hết thành viên Hội đồng quản trị là người của VFF, trong đó có ông Trần Anh Tú (ủy viên Thường trực VFF, Trưởng ban Futsal), ông Lê Hoài Anh (Tổng thư ký VFF) và bà Đinh Thị Thu Trang (phó Tổng thư ký VFF) - đây là bộ ba thuộc đại diện vốn cho VFF ở VPF. Đáng nói, nhân sự của VFF trở thành “sếp” VPF như ông Trần Anh Tú kiêm nhiệm 3 chức Chủ tịch - Tổng giám đốc và Trưởng ban điều hành giải, sau đó bớt đi ghế Trưởng ban điều hành giải nhưng vẫn ngồi 2 ghế còn lại đến bây giờ.

Nếu nhìn lại sự ra đời của VPF từ nỗ lực của các ông bầu để mong muốn các giải đấu đi theo con đường chuyên nghiệp thì thời điểm này có thể nói VPF nhìn vào chẳng khác gì “đứa con” của VFF. Ví dụ Chủ tịch và Tổng giám đốc VPF do người của VFF nắm giữ, đó là bầu Tú.

Đáng nói, một trong những người từng đứng ra thành lập VPF là bầu Đức bây giờ cũng phải ngao ngán với chính VPF. Bầu Đức “bật” VPF vì sự tồn tại bất cập một người ngồi nhiều ghế, cũng như thiếu sự phản biện. Bầu Đức cho rằng VPF cần có một Tổng giám đốc mới để phản biện, đưa ra những giải pháp đúng chứ không thể để bầu Tú ngồi kiêm nhiệm 2 ghế với lý do chưa tìm được người thay, vì câu chuyện này đã kéo dài trong 2 năm qua.

Bầu Đức mong muốn VPF thay đổi để tốt hơn.

Mới nhất, HLV Park Hang Seo nói V.League là nền tảng của các ĐTQG. Nhưng VPF lúc này bị chính người trong cuộc phản ứng thì sân chơi V.League liệu có tốt? Ví dụ bầu Đức từng nói thẳng CLB HAGL bỏ V.League nếu bầu Tú tham ghế, tham quyền.

Đừng để cho VPF phải liên tục gồng mình chịu những chỉ trích từ chính thành viên tham gia giải đấu, cụ thể là bầu Đức. Nên nhớ, ông chủ CLB HAGL là một trong những người chung tay cho ra đời VPF nên hiểu rất rõ vai trò và trách nhiệm của VPF quan trọng như thế nào với bóng đá Việt Nam, cũng như nhìn được sự bất cập cần phải thay đổi để đúng mục đích ra đời của VPF.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất