Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Khi các ông bầu làm thầy

Cho đến trước ngày bế mạc SV-League 2020, sân chơi này chưa xuất hiện thẻ đỏ nào dù mỗi trận đấu đều mang đến những cảm xúc lớn, thậm chí kịch tính đến nghẹt thở.

Bóng đá có ngôn ngữ riêng và sự tranh cãi, xấu xí là điều không thể tránh khỏi. Bởi nhân vô thập toàn, các cầu thủ chuyên nghiệp dù được chỉ dạy từ thuở nhỏ về tính fair-play, không đá xấu thì họ cũng khó kiểm soát bản thân trong 1 tình huống cay cú. 

Ở bóng đá Việt Nam, các sân chơi chưa có tính chuyên nghiệp cao thì sự xấu xí càng lớn. Gần nhất, bóng đá nữ xuất hiện chuyện đội Phong Phú Hà Nam với nhiều tuyển thủ đòi bỏ trận đấu, hay trận đấu ở giải hạng Nhất giữa Vũng Tàu và Phố Hiến xảy ra chuyện rượt đánh trọng tài như phim hành động. 

Đúng hơn, những sân chơi nhỏ so với giải đấu chuyên nghiệp số 1 Việt Nam thì càng xảy ra các vấn đề nan giải. Vì bóng đá thường có chuyện cay cú ăn thua, trả đũa, thậm chí là chuyện cầu thủ xác định phải "đá cho nó biết tao là ai"...

Thế nên, sân chơi SV-League 2020 là giải đấu sinh viên thì không hề dễ để tổ chức thành công. Và chuyện giải đấu này chưa xuất hiện thẻ đỏ, chưa xảy ra bất cứ sự cố nào là điều đáng ghi nhận cho các ông bầu trong việc tạo ra một sân chơi đẹp cho sinh viên.

Câu chuyện chuyên nghiệp của SV-League 2020 đến từ việc ban tổ chức đã đưa ra những điều lệ hợp lí, quán triệt về tư tưởng bóng đá đẹp - xanh - sạch cho chính các ngôi trường tham gia cuộc chơi.

Sự chuyên nghiệp của SV-League đến ngay từ việc đưa những cựu cầu thủ có chuyên môn giỏi, đạo đức tốt về huấn luyện cầu thủ cho các trường. Đội ngũ trọng tài có chuyên môn cao, các trận đấu quan trọng thì ban tổ chức còn mời cả "còi vàng" V.League làm nhiệm vụ...

Ngay từ lần đầu tiên tổ chức giải sinh viên thì các ông bầu đã tạo ra được một sân chơi đẹp, văn minh, xanh, sạch. Điều này thực sự rất ý nghĩa với bóng đá sinh viên, bởi sự giáo dục phải được đặt lên hàng đầu, trước khi nghĩ đến chuyện tìm ra những tài năng cho bóng đá đá Việt Nam từ sân chơi học đường.

Nói về giáo dục trong bóng đá thì cần phải tách bạch với thành tích. Bầu Đức từng nói với tôi về câu chuyện giáo dục qua lứa Công Phượng: "Ngày tôi đưa lứa Công Phượng lên V.League thì quyết định thay đổi mọi thứ hết. Tôi biết bóng đá cần có những cầu thủ kinh nghiệm truyền đạt cho đàn em. Nhưng tôi muốn thay đổi hoàn toàn tư tưởng cho tụi nhỏ, không đặt nặng về thành tích. Vì còn các đàn anh thì tụi nhỏ bị ảnh hưởng những thứ khác chứ không riêng chuyện đá bóng".

Khi các ông bầu làm thầy Ảnh 1
SV-League 2020 đang trở thành "món ăn tinh thần" cho sinh viên. Sự thành công đến từ việc có những ông bầu đặt sự giao dục lên hàng đầu.

Sự giáo dục của bầu Đức cho thấy được ý nghĩa lớn với chuyện Công Phượng đá phạt đền thay Hồ Tuấn Tài, vì muốn gánh trách nhiệm cho đồng đội. Hay Lương Xuân Trường cầm những chiếc áo ấm để chăm sóc cho các đồng đội ở U23 châu Á 2018...

Bầu Thắng nói về sự giáo dục trong bóng đá trong ngày gặp lãnh đạo tỉnh Long An: "Tôi dặn các cầu thủ rằng các em yếu kém thì tập luyện thêm, nhưng tiếng sạch của bóng đá Long An nhất định phải gìn giữ". 

Chính nhờ có một ông bầu không chỉ là ông chủ bóng đá, còn là một người thầy lớn trong cuộc sống thì Tài Em mới có đủ sự tỉnh táo, kiến thức từ chối tham gia cá độ ở SEA Games năm 2005. Tài Em đã ý thức được mức độ nghiêm trọng nên báo lại chuyện này với ban huấn luyện. Đến hôm nay, Tài Em vẫn ghi nhớ sự dạy dỗ của bầu Thắng. 

Bầu Hải là một người có tính cách đặc biệt, hài hòa. Dù kín tiếng, ít xuất hiện trên truyền thông nhưng Học viện NutiFood của bầu Hải đặt tiêu chí đạo đức và sự giáo dục lên hàng đầu. Hình ảnh U17 Học viện NutiFood chơi thứ bóng đá đẹp, cống hiến và luôn cúi đầu chào khán giả sau mỗi trận là ví dụ thiết thực.

Bóng đá cần có những nghệ sỹ trên sân cỏ để mang đến cảm xúc cho người xem. Nhưng nói đến khía cạnh quản lí thì cần lắm những ông bầu có tư tưởng như những người thầy lớn trong cuộc sống để dạy bảo các cầu thủ. Đó là sự khác biệt lớn ở SV-League 2020 khi có các ông bầu luôn đặt sự giáo dục lên hàng đầu, trước khi nói đến kết quả và thành tích.

Cũng cần nhắc, ngoài bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải thì 5 ông chủ khác (ông Đào Hồng Tuyển, ông Nguyễn Quốc Kỳ, ông Nguyễn Anh Khiêm, ông Nguyễn Hoàng Anh và ông Nguyễn Miên Tuấn) cũng có chung một tư tưởng về sự giáo dục. Điển hình là ngay trong ngày bốc thăm lịch thi đấu thì ông Đào Hồng Tuyển dành một quãng thời gian dài để trò chuyện với ban huấn luyện đội Đại học Văn Hiến. Ông Tuyển nhắc đi nhắc lại về bóng đá đẹp, không được chơi theo kiểu cay cú ăn thua...

Cũng thông qua quan điểm đồng nhất về sự giáo dục trong bóng đá của các ông bầu, các HLV ở SV-League hiểu được họ phải dạy dỗ các cầu thủ như thế nào khi tham dự sân chơi này. HLV Nguyễn Văn Tuấn (Đại học Nông Lâm) nói: "Ngay khi nhận công việc này, tôi biết được các ông bầu muốn tạo ra một sân chơi đẹp, tử tế và xanh - sạch. Tôi luôn dặn các em phải thi đấu thật fair-play, không được có hành động xấu xí nào trên sân, chơi có ý thức và chơi đúng tinh thần thể thao cao thượng".

HLV Cao Tùng A Vĩ (Đại học Khoa học Tự nhiên) làm gương cho các cầu thủ về cách chấp nhận thất bại. Ông Vĩ khiến nhiều người ngưỡng mộ với phát biểu sau trận bán kết: "Đội bạn chơi hay hơn nên xứng đáng thắng, còn chúng tôi thua là đúng".

Từ HLV Huỳnh Hồng Sơn đến HLV Châu Đức Thành và các HLV khác đều cùng chung tư tưởng là dạy dỗ các em chơi bóng đá cống hiến, đá đẹp và không được đá xấu xí.

Qua lăng kính các ông bầu làm thầy, người hâm mộ yêu bóng đá có thể tự đặt thêm những vấn đề về sự giáo dục có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong bóng đá. Vì không phải đứa trẻ nào theo nghiệp cầu thủ đều thành công, có thể vươn tầm ngôi sao để kiếm được rất nhiều tiền. Và không có được một sự nghiệp quần đùi áo số như mong muốn, cầu thủ đó nếu được giáo dục tốt, học hành tử tế thì có một điểm tựa lớn về nhân cách và tinh thần thể thao cao thương, qua đó có thể làm một công việc khác để có một cuộc sống ngoài trái bóng.

Đó cũng chính là giá trị lớn nhất trong sự nghiệp thể thao, giáo dục cho những đứa trẻ đến ngày trường thành là những người công dân tốt, trước khi nghĩ đến chuyện mang về thành tích cho ngành thể thao.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Tin mới nhất