Thể thao

Công Phượng - Cô đơn ở Incheon, hãy nhớ triệu người mong anh về

Văn Nhân
Chia sẻ

Mỗi ngày cuối tuần qua đi, những người yêu mến Công Phượng lại thêm một lần thấu chịu nỗi buồn khi sự chờ đợi anh ra sân chơi bóng biến thành thất vọng...

1. Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX của Italia. Cả cuộc đời của Italo Calvino sáng tác với phần lớn là những kiệt tác để đời. Những người yêu tác phẩm của Calvino đều biết đến bộ ba tiểu thuyết có thể gọi là kỳ ảo với tên gọi chung là Tổ tiên của chúng ta gồm: Tử tước bị chẻ đôi người (1952), Nam tước trên cây (1957), và Hiệp sĩ không hiện hữu(1959).

Trong số này, Nam tước trên cây là tác phẩm được rất nhiều người yêu mến với nhân vật chính là vị Nam tước Cosimo quyết định chỉ sống trên cây, không đặt chân xuống mặt đất. Cả một đời sống trên cây nhưng không hề đơn điệu, ẩn dật, ngược lại sôi nổi như một cuộc phiêu lưu.

Những người đọc Nam tước trên cây còn nhận ra được sự hoài niệm về quá khứ của tuổi thơ. Đó là niềm vui, sự trong trẻo trong Nam tước trên cây của Italo Calvino, dù Nam tước Cosimo quyết định sống mãi trên cây.

2. Mùa hè năm 2013, CLB Arsenal đã được mời sang Việt Nam du đấu. Tại một khách sạn ở Hà Nội vào buổi trưa, nhiều người đã có dịp được chiêm ngưỡng một số chàng trai trẻ chơi bóng với các danh thủ của Arsenal. Những cậu bé hồn nhiên, trong trẻo, vui vẻ và kỹ thuật với trái bóng rất điêu luyện. Chỉ vài phút ngắn ngủi thôi nhưng đó là sự khởi đầu cho một câu chuyện dài về sau của bóng đá Việt Nam, trong đó có chàng trai Nguyễn Công Phượng.

Rất nhanh, Công Phượng và lứa cầu thủ U19 HAGL của bầu Đức sớm trình làng vào cuối năm 2013. Công Phượng trở thành trung tâm của sự chú ý từ hàng triệu người hâm mộ. Công Phượng từ một cậu bé thơ ngây bỗng vụt sáng theo đúng nghĩa “cầu thủ quốc dân”.

Công Phượng là cầu thủ được hàng triệu người yêu mến.

Công Phượng mang đến một thứ bóng đá cảm xúc đặc biệt cho người xem. Phượng chỉ cần xuất hiện trên sân, đi qua vài cầu thủ là khán giả đứng bật dậy vỗ tay trong hạnh phúc. Đó là thứ bóng đá cảm xúc đúng nghĩa chạm đến trái tim người xem, vì bóng đá Việt Nam đang thiếu thốn quá nhiều tính nghệ sỹ, tính giải trí như mọi người vẫn hay xem qua ti vi từ các ngôi sao nước ngoài chơi bóng như Messi, Ronaldo, Robben…

Thế nhưng, tình yêu có hai mặt. Yêu thật nhiều thì kỳ vọng rất lớn. Kỳ vọng lớn sẽ dẫn tới sự tâng bốc quá lời. Phượng bắt đầu sống đúng nghĩa với một chàng trai chơi bóng không thể giữ đôi chân ở mặt đất. Ở đó, Phượng không có lỗi. Phần lớn nằm ở chính số đông đang vẽ thay cuộc đời cho Phượng, biến Phượng trở thành biểu tượng của tình yêu nhưng không quên đặt lên vô vàn áp lực vô hình.

Một hình ảnh có thể khiến nhiều người rớt nước mắt về Công Phượng, khi ngày trở về từ Nhật Bản thì Phượng nói trong nỗi buồn về nỗi nhớ bóng đá, khao khát được ra sân chơi bóng. Vì tuổi 20 thì Phượng phải gặm nhấm nỗi buồn trên ghế dự bị, với số trận ra sân ở J.League chỉ đếm trên đầu ngón tay trong cả mùa bóng dài đằng đẵng.

Rất may, trong nỗi buồn cùng cực ấy thì Phượng còn có bầu Đức, gia đình và hàng triệu người yêu mến. Tất cả đứng về phía Phượng để ủng hộ, thắp lại niềm cảm hứng chơi bóng cho Phượng sau một thời gian dài tuyệt vọng, chán chê với chuyện bị vùi vập tả tơi trên mặt báo, dù phần lớn quên mất Phượng còn quá trẻ để đón nhận sự chê trách, lẽ ra là sự động viên.

3. Ba năm sau tấn bi kịch ở J.League, Công Phượng đang trở lại kiếp sống giống như Nam tước trên cây trên đất Hàn Quốc. Công Phượng xa lạ về ngôn ngữ, thức ăn, môi trường bóng đá và đồng đội. Phượng không còn là chàng trai tuổi 20 nhưng nỗi cô đơn đang “giết” đi cảm xúc chơi bóng của Phượng.

Một cầu thủ ra sân chơi thứ bóng đá cảm xúc, thích trình diễn, lừa qua đối thủ, thích tạo siêu phẩm. Cầu thủ đó được xem là nghệ sỹ bóng đá. Phượng có thể chưa đạt đến tầm của nghệ sỹ bóng đá nhưng phần lớn năng lượng đều nằm ở cảm xúc. Đó là điều mà nhiều người yêu mến Phượng có thể cảm nhận được.

Bây giờ, một cầu thủ như Công Phượng chỉ được cho ra sân ở nửa cuối hiệp 2, hoặc dự bị cả trận đấu. Hơn hết, Phượng có đến mấy tháng liền chưa thể ghi bàn cho Incheon United ở K.League, còn đội nhà có mạch 12 trận chỉ biết hòa và thua. Lẽ đó, Phượng sẽ thấu chịu những áp lực rất lớn nơi xứ người. Đúng hơn, Công Phượng đang rất nhớ chính mình của những ngày còn chơi bóng cho HAGL, nơi là mái nhà luôn tạo cho Phượng cảm giác bình yên nhất, nơi có những CĐV tuyệt vời nhất V.League.

Công Phượng đang cô đơn nơi xứ người.

Đâu đó về hình ảnh Phượng tại Hàn Quốc, có lẽ nhiều người đọc Nam tước trên cây có lẽ cảm nhận được hình bóng của Công Phượng. Chàng tiền đạo chơi bóng ở Incheon United như thể xa lạ với mọi thứ, dù sôi nổi và thích phiêu lưu nhưng có một khoảng cách nhất định với đồng loại (đồng đội). Có thể là Phượng chưa thể hòa nhập, hoặc Phượng bị cô lập như chính các CĐV Việt Nam cảm nhận khi dõi theo Incheon United thi đấu.

Công Phượng, Nam tước Cosimo - hai con người, hai số phận nhưng cùng sống trên cây theo cách hiểu riêng. Chỉ hy vọng rằng, Phượng đừng giống Nam tước Cosimo là quyết định sống mãi trên cây. Nếu cảm thấy cô đơn nơi xứ người thì hãy chọn cách quay trở lại Việt Nam, nơi có hàng triệu người hâm mộ chờ đón Phượng trở về để chơi thứ bóng đá có thể khiến họ vỗ tay trong hạnh phúc.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất