Thể thao

Bóng đá trở thành 'nghề nguy hiểm' ở Việt Nam

Văn Nhân
Chia sẻ

Bóng đá Việt Nam bây giờ thực sự trở thành chủ đề vô cùng nan giải cho người hâm mộ. Tất cả đều ngao ngán khi chứng kiến những cuộc lùm xùm hay cách hành xử từ chính những người có trách nhiệm, với những quyết định có thể gọi là "tùy tiện" đến mức khó tin nhất.

Đá bóng sao bắt đền tiền?

Nhiều người hâm mộ lẫn cầu thủ, trọng tài đến các ông chủ CLB hay quan chức bóng đá Việt Nam đều lắc đầu sau khi đọc được kết luận từ án phạt dành cho tiền vệ Huỳnh Tấn Tài (CLB Long An) vào tối 7/5.

Cụ thể, VFF thống báo án phạt như sau:  “Căn cứ công văn số 203/VPF-TCTĐ của Ban điều hành Giải hạng Nhất Quốc gia- An Cường 2018 cùng các tài liệu và đoạn trích băng hình có liên quan đề nghị Ban kỷ luật xem xét, xử lý kỷ luật đối với cầu thủ Huỳnh Tấn Tài (số 11) của CLB bóng đá Long An do có hành vi xoạc bóng nguy hiểm, gây chấn thương cho cầu thủ Dương Văn Hào (số 23) của CLB bóng đá Viettel ở phút 39 của trận đấu giữa hai CLB Viettel và Long An ngày 4/5/2018; Căn cứ ý kiến tham vấn của các nhà chuyên môn, chuyên gia của LĐBĐVN, Ban kỷ luật đã xem xét và thống nhất: Cầu thủ Huỳnh Tấn Tài (số 11) của CLB Long An đã có hành vi phạm lỗi nguy hiểm và gây chấn thương nặng cho cầu thủ Dương Văn Hào (số 23) của CLB Viettel.

Vì vậy, căn cứ điểm c khoản 2 Điều 39 Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN, Ban kỷ luật quyết định: Phạt 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng) và đình chỉ thi đấu 05 trận tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2018 đối với cầu thủ Huỳnh Tấn Tài (số 11) của CLB bóng đá Long An.

Cầu thủ Huỳnh Tấn Tài phải chịu các chi phí hợp lý cho viêc chữa trị chấn thương cho cầu thủ Dương Văn Hào theo đúng Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN.

Cầu thủ Huỳnh Tấn Tài có quyền khiếu nại lên Ban Giải quyết khiếu nại LĐBĐVN theo quy định tại Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN”.

Ngay sau khi có án phạt từ Ban kỷ luật VFF, một quan chức bóng đá Việt Nam đã hỏi người viết có đọc được bản án kỳ lạ này chưa. Khúc mắc nằm ở đoạn: “Cầu thủ Huỳnh Tấn Tài phải chịu các chi phí hợp lý cho viêc chữa trị chấn thương cho cầu thủ Dương Văn Hào theo đúng Quy định về kỷ luật của LĐBĐVN”.

Tấn Tài phải đền tiền viện phí cho Văn Hào, dù lẽ ra trách nhiệm thuộc về công ty bảo hiểm.

Vị này hỏi rằng: Tại sao VPF có bảo hiểm cho cầu thủ nhưng bây giờ không dùng trong trường hợp cầu thủ Văn Hào bị chấn thương, án phạt lại bắt Tấn Tài chi trả viện phí? Nếu bắt đền như thế thì nên dẹp chuyện công ty bảo hiểm cho xong!

Quả thật, điều này hết sức vô lý khi cầu thủ đá bóng phải đền tiền, bị xem như thủ phạm. Cần nhắc, trường hợp của Tấn Tài khác với Quế Ngọc Hải phải đền viện phí cho Anh Khoa, đó là thời điểm VPF chưa tìm được công ty bảo hiểm. Chính án phạt bắt đền tiền của Ngọc Hải khiến cho những người lãnh đạo VPF lúc đó thấy bất cập và phải tìm công ty bảo hiểm cho giải đấu.

Bây giờ, mùa bóng 2018 chỉ lăn bóng được mấy vòng đấu thì Ban kỷ luật đã bắt hai cầu thủ là Tấn Tài và Hải Huy (Quảng Ninh) phải đền viện phí. Vậy công ty bảo hiểm để làm gì?

Cầu thủ sai có thể ra án phạt tiền, phạt cấm thi đấu để răn đe, còn đền tiền chỉ có ở bóng đá Việt Nam. Không có điều luật nào trong bóng đá cho phép Ban kỷ luật ra án phạt kể trên, nhưng bóng đá Việt Nam lại thi hành điều ấy với cầu thủ một cách thể nói là tùy tiện và vô lý.

Bóng đá đang trở thành nghề nguy hiểm với cầu thủ.

Nhiều người bảo vui thì án phạt kiểu Ban kỷ luật VFF biến bóng đá trở thành “nghề nguy hiểm” ở Việt Nam. Bởi bóng đá khó tránh được va chạm, chấn thương các kiểu. Bây giờ, mỗi trận đấu diễn ra thì cầu thủ đều đứng trước nguy cơ tán gia bại sản, bởi họ sẽ đền tiền cho đối phương nếu xảy ra chấn thương. Ngoài ra, cầu thủ bị gắn mác đá xấu, bị dư luận “chửi rủa” các kiểu trên mạng xã hội, đến mức họ phải khóa facebook…

Đến nỗi đau cho cầu thủ

Tôi còn nhớ như in đêm xảy ra pha va chạm với Văn Hào, Tấn Tài có trò chuyện trong nước mắt là không cố tình chơi xấu, chỉ là một pha tranh chấp ở cự ly gần, không hề có kiểu vào bóng ác ý như phi hai chân đạp, cố tình triệt hạ đối thủ.

Sau trận đấu, ban huấn luyện CLB Viettel cũng nhìn nhận theo hướng tích cực là Tấn Tài không cố tình đá xấu, chấn thương của Văn Hào xảy ra là một điều đáng tiếc. Tấn Tài xứng đáng bị thẻ đỏ và nhận án nguội nhưng gắn mắc triệt hạ, đá xấu là không đúng.

Từ góc nhìn của người trong cuộc lẫn những người có chuyên môn, Tấn Tài không có tình chơi xấu, sự cố xảy ra ngoài ý muốn thì một án phạt như cấm thi đấu 5 trận có thể nói là đủ sức nặng. Nhưng bắt Tài đền tiền viện phí cho Hào là một quyết định hết sức nghiệt ngã mà chỉ có ở bóng đá Việt Nam.

Lãnh đạo CLB Long An cho biết, Tấn Tài chưa hết hợp đồng đào tạo trẻ, tức chưa có lót tay, lương không cao và bây giờ nhận án nguội thì khoảng thời gian ngồi ngoài phải cắt hết chế độ tiền thưởng, tiền lương đến lúc trở lại thi đấu. Đó là quy định bắt buộc của CLB nên không thể làm khác.

Huỳnh Tấn Tài có gia cảnh khó khăn, giờ phải đền viện phí cho Văn Hào.

Ngoài ra, Tấn Tài sinh ra ở một vùng quê nghèo, từng bị chấn thương nặng ở SEA Games 2015. Tài có một gia đình nhỏ và vừa có con nên gia cảnh có thể nói là chẳng giàu có, thậm chí tiền lương chỉ đủ lo cho bố mẹ và vợ con.

Thế nên, chuyện phạt Tấn Tài 25 triệu đồng còn gắn thêm khoản đền viện phí chẳng khác nào dồn cầu thủ này đến cảnh khó khăn, túng thiếu trong thời gian tới. Dù lẽ ra mọi thứ có thể nhẹ nhàng hơn là một án phạt răn đe và công ty bảo hiểm lo viện phí cho Văn Hào, điều ấy tốt đẹp cho cả hai bên, đúng với bóng đá chuyên nghiệp.

Thử hỏi trách nhiệm của những người lãnh đạo bóng đá Việt Nam đang ở đâu với cầu thủ? Tại sao lại có một điều luật đền tiền như kiểu bắt đền các cầu thủ ở sân chơi bóng đá chuyên nghiệp?

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất