Thể thao

Bài toán hóc búa cho bóng đá Việt Nam: Đổ tiền chơi V.League rồi về đâu?

Văn Nhân
Chia sẻ

V.League 2022 sẽ tiếp tục lăn bóng vào chiều nay (15/7). Dù chỉ bước sang vòng 7 nhưng các nhà tổ chức cần phải tính xem kịch bản gì chờ đợi vào tháng 11 - thời điểm hạ màn.

Hà Nội FC là đội được nghỉ ở vòng 7. V.League 2022 có 13 đội nên luôn có 1 đội bóng phải nghỉ ở mỗi vòng đấu. Câu chuyện này sẽ được giải quyết trong năm tới, bởi giải hạng Nhất 2022 có 2 đội lên hạng và một đội V.League rớt hạng. Tức V.League 2023 dự kiến có 14 đội khi mất 1 đội (xuống hạng), tăng 2 đội (lên hạng).

Ở một diễn biến khác, hạng Nhất 2022 có 1 đội rớt hạng và 2 đội hạng Nhì lên hạng. Câu chuyện này tương tự so với giải V.League nên hạng Nhất 2022 sẽ tăng từ 12 lên 13 đội.

Nhìn vào con số dự kiến, V.League 2023 vẫn có số đội nhiều hơn giải hạng Nhất, tức phần đáy (giải hạng nhất - 13 đội) vẫn nhỏ hơn đỉnh (V.League - 14 đội). Đây cũng là mô hình lạ lùng nhưng quen thuộc của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua.

Bài toán hóc búa cho bóng đá Việt Nam: Đổ tiền chơi V.League rồi về đâu? Ảnh 1
V.League 2022 có 1 đội rớt hạng nhưng 2 đội hạng Nhất sẽ lên hạng. Ảnh: VPF

Nhưng một bài toán vô cùng hóc búa đặt ra cho bóng đá Việt Nam ngay từ bây giờ: Ai muốn lên V.League 2023 và chơi như thế nào?

Kinh phí của một đội V.League gấp 5 - 10 lần so với đội hạng Nhất. Tiền ở đâu để chơi V.League là bài toán nan giải đầu tiên cho các đội hạng Nhất. Điều kiện sân bãi, các tiêu chí chuyên nghiệp... là những nỗi lo kế tiếp.

Quy chế cấp phép CLB của Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) được Ban Chấp hành AFC phê duyệt vào tháng 1/2021 đã có nhiều điểm mới và chặt chẽ. Ví dụ CLB phải có ít nhất 01 đội bóng đá nữ tham gia giải ở cấp độ quốc gia. Đây là tiêu chí bắt buộc trong những năm tới. Ngoài ra, các CLB phải có ít nhất hai đội trẻ từ U15 đến U21. Một đội trẻ từ U10 đến U14...

Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam thường xảy ra chuyện lên hạng rồi bỏ giải, hoặc vừa lên hạng đã xin xuống hạng. CLB Gia Định là ví dụ. Họ lên hạng Nhất năm 2021 nhưng sau đó xin xuống đá hạng Nhì. Lý do sân thi đấu chưa đạt yêu cầu và chưa có các tuyến đào tạo trẻ dự các giải vô địch quốc gia.

Năm ngoái, SLNA được đặc cách tham dự V.League 2022 dù không đáp ứng đủ tiêu chí chuyên nghiệp (cơ sở vật chất). Nghịch lý là SLNA đã được đặc cách 2 năm liên tiếp, năm nay là lần thứ 3. Một đội bóng được cấp phép chơi chuyên nghiệp trong 3 năm liền, điều đó quá vô lý!

Bình Định FC - đội bóng được ví như "PSG Việt Nam" khi bỏ ra nhiều tiền mua cầu thủ cho tham vọng vô địch V.League 2022. Nhưng Bình Định FC được VFF đặc cách cho đá V.League 2022 dù chưa tiêu chí chuyên nghiệp.

Bài toán hóc búa cho bóng đá Việt Nam: Đổ tiền chơi V.League rồi về đâu? Ảnh 2
Bình Định FC mua rất nhiều nhưng trong nhóm được đặc cách chơi V.League 2022. Ảnh: VPF

Số phận của một đội bóng không làm bài bản (không đáp ứng các tiêu chí chuyên nghiệp) thì đến nhanh rồi dễ rút mau. Ví dụ các đội bóng làm đào tạo trẻ sẽ tốn ngân sách lớn và hướng đến sự lâu dài. Nhưng các đội bỏ qua khâu đào tạo trẻ thì dồn tiền mua cầu thủ giỏi để đua danh hiệu. Họ cũng có thể rút bất kỳ lúc nào vì không có gì vướng bận nhiều ngoài việc nuôi đội một. Họ tài trợ xong thì có quyền nghỉ vì hết thời hạn, hoặc lý do khác.

Chúng ta có thể thấy lỗ hổng về hai chữ "đặc cách" chơi nghiệp góp phần cho bóng đá Việt Nam lẩn quẩn với chuyện doanh nghiệp vào chơi bóng đá rồi bỏ, hay "đang vui bỗng... hết tiền" và bỏ ngang.

Vậy nên, bài toán về số đội dự V.League 2023, hay hạng Nhất 2023 cần được nhìn một cách sòng phẳng về tiêu chí chuyên nghiệp, thay vì lên hạng thì tìm cách gom đủ tiền (kinh phí) để chơi. Làm như thế không thể bền vững!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất