Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Tuyển sinh đại học năm 2023: Sẽ không chỉ bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Công An Nhân Dân Theo dõi Saostar trên google news

Tính đến thời điểm này, mới chỉ có một số trường đại học (ĐH) công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2023. Nhìn chung, phương thức tuyển sinh của các trường đều giữ ổn định như năm 2022 để không gây xáo trộn cho thí sinh.

Việc điều chỉnh chủ yếu theo hướng giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và loại bỏ bớt các phương thức tuyển sinh phức tạp, gây “nhiễu” hệ thống. Cùng với đó, cách tính điểm ưu tiên vào đại học của các trường cũng sẽ thay đổi theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) được áp dụng từ năm 2023.

Tuyển sinh đại học năm 2023: Sẽ không chỉ bằng điểm thi tốt nghiệp THPT Ảnh 1
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường Đại học xây dựng phương án tuyển sinh năm 2023 theo hướng tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Giảm dần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo đề án tuyển sinh mà Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố, từ năm 2023, trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến không xét tuyển "thuần" theo điểm thi tốt nghiệp THPT mà xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với các tiêu chí khác. Thông tin thêm về sự điều chỉnh này, GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường dành khoảng 40% chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng không sử dụng như một phương thức xét tuyển độc lập. Thay vào đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được nhà trường sử dụng trong phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm. Ví dụ, trường xét điểm IELTS kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp xét tuyển kết hợp với điểm tổng kết cho đối tượng học sinh giỏi của trường chuyên.

Theo đại diện của ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2023, trường tiếp tục giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với một số ngành. Trong đó, kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách Khoa tổ chức sẽ tổ chức 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7/2023, tăng 2 đợt so với năm 2022. Trước đó, trong năm 2022, ĐH Bách Khoa Hà Nội dành 10-20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, một số ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội đã không xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển dựa trên kết quả của hai phương thức còn lại.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết, năm 2023 Trung tâm Khảo thí ĐHQG HN tiếp tục triển khai các đợt thi đánh giá năng lực trong tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100 nghìn lượt thi tại 8 tỉnh, thành trong cả nước như năm 2022. Mục tiêu là đảm bảo an toàn, chất lượng thí sinh để đáp ứng đúng nhu cầu của các trường đại học trong và ngoài ĐHQGHN sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh. Năm 2023, Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND để các học viện, trường CAND sử dụng kết quả vào công tác tuyển sinh. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức kỳ đánh giá năng lực để tuyển sinh bên cạnh các phương thức xét tuyển truyền thống là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét học bạ.

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc các trường ĐH lớn giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng đến việc tổ chức các kỳ thi riêng để có “đầu vào” phù hợp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không phải tất cả các thí sinh đều có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng nên để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, các trường vẫn cần đa dạng phương thức xét tuyển. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2022 - 2023 là hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023, đồng thời, xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây nhiễu hệ thống và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Thay đổi cách tính điểm ưu tiên vào đại học

Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2023 cơ quan này không ban hành Quy chế tuyển sinh mới. Công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ thực hiện theo quy chế ban hành năm 2022. Trong đó, một số quy định mới đã nêu trong quy chế tuyển sinh 2022 sẽ được thực hiện từ năm 2023 như chính sách cộng điểm ưu tiên.

Theo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022, việc cộng điểm ưu tiên được quy định theo khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên. Trong đó, về ưu tiên theo khu vực, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp. Bên cạnh đó, cách tính điểm ưu tiên sẽ thay đổi theo hướng mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Lý giải về những điều chỉnh trong quy định cộng điểm ưu tiên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên; điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỉ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao, thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác bị bất lợi và yếu thế.

Nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu. Thống kê cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỉ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Công An Nhân Dân

Nguồn bài viết
Tin mới nhất