Học đường

Trò chuyện với nữ giáo sư Việt ở đại học xứ Hàn

Theo Dân Trí
Chia sẻ

Lê Nguyễn Minh Phương (SN 1987, hiện là nghiên cứu sinh ĐH Yonsei) vừa được tuyển làm giáo sư của ĐH Namseoul - Hàn Quốc). Phương là người dẫn chương trình chuyên mục "Chuyện từ Seoul" của Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc với nhiều câu chuyên hay về cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Minh Phương đã dành cho Dân trí một cuộc trò chuyện qua điện thoại từ Hàn Quốc.

ê Nguyễn Minh Phương hiện là nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật ngôn ngữ tại Hàn Quốc; đồng thời là giáo sư khoa tiếng Hàn của ĐH Namseoul.

* PV: Chào Minh Phương, bạn có thể chia sẻ hiện bạn đang làm gì ở Hàn Quốc?

Lê Nguyễn Minh Phương: Tôi hiện là hiện cứu sinh ngành Kỹ thuật ngôn ngữ của ĐH Yonsei - Hàn Quốc; đồng thời là giáo sư giảng dạy tiếng Hàn cho sinh viên quốc tế ở bậc cao học và đại học tại ĐH Namseoul - Hàn Quốc.

Tôi sang Hàn Quốc học thạc sĩ từ năm 2013 và được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Yonsei cùng năm. Đến 2014, tôi bắt đầu cộng tác với Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc - KBS World Radio. Từ năm 2015 - 2017, tôi là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc - nơi có 15.000 du học sinh Việt Nam. Từ năm 2016, tôi bắt đầu học tiến sĩ ngành Kỹ thuật ngôn ngữ của ĐH Yonsei - Hàn Quốc. Từ tháng 8//2017, tôi được giới thiệu và được tuyển làm giáo sư khoa tiếng Hàn, giảng dạy tiếng Hàn cho sinh viên quốc tế tại ĐH Namseoul - Hàn Quốc.

Minh Phương là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc từ 2015 - 2017.

* Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, bạn đã có những hoạt động gì hỗ trợ cho du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc?

Cùng với vai trò Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, tôi được tuyển chọn làm giáo sư giảng dạy tiếng Hàn ở bậc cao học và đại học của ĐH Namseoul cho sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam. Nhà trường có mục tiêu toàn cầu hoá, mở rộng quan hệ đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam. Làm việc ở trường tôi có cơ hội được kết nối các bạn trẻ Việt Nam sang Hàn Quốc du học, cũng như tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, hoặc đào tạo kết hợp vừa ở Hàn Quốc vừa ở Việt Nam.

Phương mong muốn được kết nối để nhiều bạn trẻ Việt Nam có cơ hội du học ở Hàn Quốc và chuyển tiếp đến các nước khác để lĩnh hội các nền giáo dục tiên tiến.

*Bạn vẫn đang làm cộng tác cho Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc - KBS World Radio? Bạn có thể kể về công việc của bạn ở đây?

Từ năm 2014, khi đang học thạc sĩ ở ĐH Yonsei, tôi đã dự phỏng vấn và được tuyển chọn làm cộng tác viên cho Đài KBS. Tôi dẫn chương trình cho chuyên mục “Chuyện từ Seoul” bằng tiếng Việt. Chương trình giới thiệu những nhân vật, gương mặt có đóng góp cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, cũng như đóng góp cho việc giao lưu văn hóa - kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Chuyên mục cũng giới thiệu đến khán thính giả những sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Chuyên mục “Chuyện từ Seoul” do Phương dẫn chương trình ở Đài Phát thanh quốc tế Hàn Quốc kể về những nhân vật có nhiều đóng góp cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc.

*Có những kỷ niệm hay nhân vật nào đáng kể khi bạn làm chương trình “Chuyện từ Seoul” hay tham gia các hoạt động cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc?

Tôi ấn tượng với những nhân vật là phụ nữ Việt Nam thành công và có những đóng góp cho cộng đồng ở Hàn Quốc, nhất là những chị em sang Hàn Quốc theo diện kết hôn. Có những người phải nỗ lực không ngừng 10 năm, thậm chí 20 năm để có được một vị trí đáng công nhận trong xã hội Hàn Quốc.

Tôi kể một câu chuyện thế này, một lần, tôi cùng mẹ và con gái đi taxi ở Hàn Quốc, lái xe nghĩ rằng tôi là một cô dâu Hàn Quốc nên có thái độ thiếu tôn trọng. Đến khi tôi nói rằng tôi là một du học sinh, tôi cũng không phải con nhà giàu, mà tự xin được học bổng và đang học ở một trường danh tiếng tại Hàn Quốc như thế, người lái xe thay đổi thái độ ngay.

Minh Phương cùng mẹ và con gái ở quê hương Đà Nẵng (ảnh chụp dịp Tết Mậu Tuất 2018).

Tôi kể câu chuyện để thấy ở Hàn Quốc, có một điều đáng buồn là người ta có định kiến không tốt với những cô dâu người Việt như thế. Nên để hoà nhập và thành công, các chị em sang Hàn Quốc theo diện kết hôn phải nỗ lực rất nhiều lần, rất đáng nể từ chỗ học tiếng đến kiếm một công ăn việc làm ổn định.

Tôi vẫn trao đổi với các chị em khi dạy tiếng Hàn cho người Việt là mình học tiếng Hàn không chỉ để giao tiếp với người Hàn; mà còn để phấn đấu có việc làm, khẳng định mình trong xã hội; thay đổi cái nhìn của người bản xứ với những cô dâu Việt. Tôi tin rằng nếu chị em nỗ lực hết mình thì sẽ có quả ngọt. Và tôi vui khi biết nhiều chị em sang đây học tiếng xong lại bắt đầu học đại học, tìm được việc làm, và có một vị trí đáng kể.

Phương mong muốn những chị em người Việt theo chồng sang Hàn Quốc nổ lực phấn đấu để có được công việc ổn định, có vị trí trong xã hội.

*Bạn có mong muốn gì cho nữ giới trong ngày 8/3?

Tôi thấy lâu nay mọi người vẫn nhắc đến những kỳ vọng về bình đẳng giới, đấu tranh vì bình đẳng giới cho phụ nữ. Nhưng mới nhắc đến khía cạnh tạo điều kiện để phụ nữ vừa đảm việc nhà, vừa có cơ hội tham gia và khẳng định vị trí của mình trong xã hội như nam giới.

Tôi mong muốn có một sự bình đẳng giới ngay trong từng gia đình. Nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn mặc định người phụ nữ trong gia đình là phải chu toàn việc nội trợ, chăm lo cho con cái. Tôi muốn các ông chồng cũng xắn tay lên làm việc nhà cùng vợ. Bởi nói cho cùng, cả hai đều có công việc ngoài xã hội, mà đàn ông lại mạnh khoẻ hơn, không lý gì chỉ có phụ nữ phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Ảnh: NVCC

Chia sẻ

Bài viết

Theo Dân Trí

Tin mới nhất