Học đường

Trăn trở của giáo viên dạy năng khiếu trong mùa dịch: 'Không phải môn nào cũng hiệu quả khi học online'

Phương Linh
Chia sẻ

Đến hiện tại, dạy và học online đã quá quen thuộc với cả thầy và trò. Tuy nhiên, hình thức này vẫn tồn tại những bất cập nhất định khiến các giáo viên không khỏi băn khoăn, trăn trở. Nhất là với những môn học thiên về năng khiếu, đòi hỏi phải sử dụng nhiều giác quan, thể lực và thẩm mỹ.

Gần 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành giáo dục Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn và thay đổi. Để ứng phó với dịch bệnh kéo dài, học sinh - sinh viên trên cả nước nghỉ học tập trung, thay vào đó là hình thức học tập trực tuyến. Đây được xem là phương pháp hiệu quả nhất nhằm giúp học sinh ôn tập và học bài mới đảm bảo đúng tiến độ của khung chương trình năm học không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, sau một thời gian vừa làm quen vừa trải nghiệm dạy và học online, hình thức này vẫn tồn tại những bất cập nhất định khiến các giáo viên không khỏi băn khoăn, trăn trở. Nhất là với những môn học thiên về năng khiếu, đòi hỏi phải sử dụng nhiều giác quan, thể lực và thẩm mỹ.

Là một giáo viên đang phụ trách giảng dạy môn Mỹ thuật tại Trường THCS Suối Kiết (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), thầy Nguyễn Dương Phúc cũng không khỏi trăn trở khi thời gian qua việc dạy học phần nào bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. 

Trăn trở của giáo viên dạy năng khiếu trong mùa dịch: 'Không phải môn nào cũng hiệu quả khi học online' Ảnh 1
Nam giáo viên Nguyễn Dương Phúc hiện đang giảng dạy môn Mỹ thuật tại Trường THCS Suối Kiết 

Theo thầy Phúc, dạy và học online quả thực là hình thức phù hợp và tiện lợi nhất trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Tuy nhiên, nam giáo viên này cũng cho rằng, học online đối với học sinh là một sự thiệt thòi lớn mà đối với thầy cô giáo cũng có nhiều áp lực, thử thách. 

"Tôi thèm được đứng lớp cầm tay chỉ dạy cho từng học sinh. Mỗi lần phải dạy online không chỉ tôi mà hầu hết các giáo viên khác cũng điều cảm thấy vất vả và áp lực hơn. Thực sự, không phải môn học nào cũng hiệu quả khi dạy online, đặc biệt đối với những môn thiên về năng khiếu, đòi hỏi phải sử dụng nhiều giác quan, thể lực và thẩm mỹ như Mỹ thuật, Âm nhạc hay Thể dục Thể thao... 

Chẳng hạn, với môn Mỹ thuật của tôi, thông thường khi dạy trực tiếp, tôi là người "cầm tay chỉ việc" cho học trò, chủ động dạy học trò lực tác động của bút/cọ vẽ lên giấy hay chất liệu nào đó. Đôi khi, "cầm tay chỉ việc" trực tiếp ở bên ngoài, học trò còn chưa thể tiếp thu hay cảm nhận được ngay huống chi là dạy qua màn hình máy tính", nam giáo viên chia sẻ. 

Trăn trở của giáo viên dạy năng khiếu trong mùa dịch: 'Không phải môn nào cũng hiệu quả khi học online' Ảnh 2
Theo thầy Phúc, không phải môn học nào dạy online cũng hiệu quả, nhất là những môn thiên về năng khiếu

Cũng theo thầy Phúc, khi đã nhìn thấy được những khó khăn và bất cập vì dạy online, bản thân nam giáo viên này cũng luôn cố gắng sáng tạo ra các phương pháp học mới để học sinh hứng thú hơn. 

Được biết, không chỉ phụ trách bộ môn Mỹ thuật, thầy Phúc hiện tại còn là giáo viên chủ nhiệm nên áp lực công việc cũng phần nào lớn hơn. Chia sẻ về điều này, thầy Phúc cho biết: "Làm giáo viên bộ môn áp lực bình thường là 1 thì làm thầy giáo chủ nhiệm lớp áp lực lên tới 10, hàng ngày ngoài giờ dạy môn Mỹ thuật của mình ra, tôi còn phải trực tiếp theo dõi học sinh lớp mình học hành thế nào ở các môn học khác, xem học sinh lên học có đầy đủ hay không? các em có hiểu bài hết không…Chưa kể phải tiếp nhận các công việc khác như làm Học bạ, hồ sơ học sinh…Nói chung cũng có lúc khá bận rộn nhưng bù lại, thấy học sinh mình học tốt thì tất cả mệt mỏi điều tan biến".  

Trăn trở của giáo viên dạy năng khiếu trong mùa dịch: 'Không phải môn nào cũng hiệu quả khi học online' Ảnh 3
Ngoài phụ trách bộ môn Mỹ Thuật, thầy Phúc còn đảm nhận vai trò là một giáo viên chủ nhiệm 

Nam giáo viên trẻ cũng luôn tâm niệm, thầy cô không chỉ là dạy cho học trò kiến thức mà còn là người truyền lửa, đánh thức và giúp các em nhận ra khả năng để bồi dưỡng, khai thác những tố chất đặc biệt. Cũng chính vì lý do này mà thầy Phúc càng thêm trân trọng nghề giáo cao quý, ngày càng yêu công việc mà mình đang làm. "Đối với tôi, sự thành công và tình yêu của học trò là động lực lớn nhất để tôi lên lớp mỗi ngày", nam giáo viên bày tỏ. 

Chia sẻ

Bài viết

Phương Linh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất