Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

TP.HCM: Thực hư giáo viên nước ngoài bị cho nghỉ việc vì bảo vệ học sinh

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM lý giải thầy giáo tiếng Anh người nước ngoài bị sa thải vì cách cư xử và giao tiếp không phù hợp với môi trường học đường vào thời điểm sau đó.

Hai ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao thông tin một giáo viên nước ngoài xô xát với bảo vệ Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM ngay tại cổng trường vì bênh học sinh. Sau đó, giáo viên này bị nhà trường cho nghỉ dạy.

Trước thông tin này, ông Dương Văn Thư, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu khẳng định những thông tin trên mạng chưa rõ ràng, chưa đầy đủ và thiếu chính xác so với diễn biến thực tế xảy ra.

TP.HCM: Thực hư giáo viên nước ngoài bị cho nghỉ việc vì bảo vệ học sinh Ảnh 1
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu nơi xảy ra sự việc. Ảnh: TT

Theo báo cáo về sự việc trên của trường, ngày 9-12, bảo vệ nhà trường và giáo viên tiếng Anh xô xát với nhau trước cổng, có sự chứng kiến của phụ huynh, học sinh, giáo viên và nhân viên trường.

Nguyên nhân, giáo viên nước ngoài không đồng tình khi bảo vệ kiểm tra phù hiệu học sinh nữ dẫn đến bất đồng và xô xát. Trước đó, giữa hai người này cũng có những bất đồng trong giao tiếp và cư xử.

Khi sự việc xảy ra, ngay trong chiều 9/12, trường đã làm việc với toàn bộ các bên liên quan gồm bảo vệ, thầy giáo tiếng Anh và đại diện công ty cung cấp – quản lý giáo viên người nước ngoài, để tìm hiểu nguyên nhân, xử lý các bước tiếp theo đúng quy định.

Sự việc xuất phát từ việc bảo vệ vì muốn chắc chắn học sinh ra về sau tiết 4 là khối 11 (khối 10 và khối 12 ra về sau tiết 5 buổi sáng) nên đã thực hiện kiểm tra phù hiệu một học sinh nữ. Tuy nhiên, học sinh nữ này lại đang mặc áo khoác, bảo vệ yêu cầu em phải cởi áo khoác ra để xem phù hiệu. Bảo vệ đứng rất gần, lớn tiếng gắt gỏng khi học sinh chưa hợp tác. Đây là hành động chưa chuẩn mực, chưa phù hợp. Hiệu trưởng khi làm việc với bảo vệ đã khẳng định rằng, nhà trường hoàn toàn không phân công bảo vệ làm nhiệm vụ xử lý học sinh.

Việc bảo vệ có những hành động không chuẩn mực, không phù hợp với học sinh đã khiến giáo viên tiếng Anh không đồng tình, can thiệp bằng bạo lực, xô người bảo vệ (gần 65 tuổi) té ngã, có camera an ninh trước cổng trường ghi lại.

Nhà trường xem đây là hành động bạo lực học đường. Hành động của cả hai người không phù hợp.

Sau khi làm việc, 2 bên đã nhận ra lỗi sai của mình. Nhà trường yêu cầu bảo vệ cần thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, không tái phạm với các lỗi đã xảy ra, chấm dứt việc kiểm tra phù hiệu và xử lý học sinh.

Còn đối với giáo viên người nước ngoài, nhà trường đề nghị nếu có vấn đề cần phản ánh thì liên hệ trực tiếp với nhà trường, thông qua tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh, tuyệt đối không được dùng bạo lực để can thiệp.

Thế nhưng đến ngày 13/12, khi tổ trường chuyên môn tiếng Anh đang trao đổi với thầy giáo tiếng Anh về các nội dung tin nhắn, bình luận về sự việc ngày 9/12 trên mạng xã hội thì thầy giáo lớn tiếng và quát lên. Thậm chí người này còn văng tục, có hành động đạp cửa ở phòng giáo viên, gây hoảng sợ cho các giáo viên có mặt trong phòng. Giáo viên trường rất bất bình, hoàn toàn không đồng ý với hành động này.

Do đó vào 18 giờ ngày 13/12, trường đã làm việc với đơn vị cung cấp, quản lý giáo viên nước ngoài và yêu cầu có phương án thay giáo viên vì không thể chấp nhận những hành động của người này.

Đối với bảo vệ nhà trường, sau khi làm việc, trường sẽ chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 31/12 và không tái ký sau khi hợp đồng này hết hạn.

Theo hiệu trưởng nhà trường, vào thứ hai 19/12, nhà trường sẽ tổ chức cuộc họp Hội đồng sư phạm, thông tin quán triệt trong đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ và học sinh qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần của lớp 10,11 và 12. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phối hợp giảng dạy của giáo viên tiếng Anh nước ngoài.

Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức quán triệt lại đội ngũ bảo vệ, giám thị để có phương án giáo dục, quản lý và xử lý học sinh, trên nguyên tắc ứng xử đúng theo quy định, không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, ứng xử không chuẩn mực gây tác động không tốt đến hoạt động giáo dục của trường.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết PLO

Nguồn bài viết
Tin mới nhất