Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Bỏ thi ngoại ngữ có ảnh hưởng chất lượng dạy học?

Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án thi Tốt nghiệp từ năm 2025 với 4 môn thi gồm bắt buộc và lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bỏ môn Ngoại ngữ khỏi môn thi bắt buộc.

Sau một thời gian dài lấy ý kiến, cân nhắc về các phương án thi Tốt nghiệp từ năm 2025, tháng 10/2023, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị, đề xuất phương án thi gồm 4 môn thi. Cụ thể, mỗi thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số 9 môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. 

Lý do Bộ GD&ĐT lựa chọn phương án thi ít môn là nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình, xã hội. Phương án thi cuối cùng sẽ do Chính phủ phê duyệt và Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố cho học sinh, phụ huynh, các nhà trường.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Bỏ thi ngoại ngữ có ảnh hưởng chất lượng dạy học? Ảnh 1
Phương án thi mới dự kiến sẽ được công bố trong năm 2023

Thầy Đinh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS -THPT FPT Bắc Giang nói rằng, sau nhiều năm thi tốt nghiệp Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp 3 môn thì phương án 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn phù hợp với chương trình GDPT mới. 

Trong chương trình mới, từ lớp 1-9 là giai đoạn trang bị kiến thức cơ bản, nền tảng còn lớp 10-12 là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Do đó, ngoài 2 môn bắt buộc, học sinh được tự do lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, nhu cầu thực tế của bản thân.

Cũng theo thầy Hiền, hàng chục năm qua, chất lượng dạy học tiếng Anh chưa đạt hiệu quả. Học sinh chủ yếu học ngữ pháp nhằm mục đích thi cử, không chú trọng thực hành. Tuy nhiên hiện học sinh được đầu tư tốt nên năng lực ngoại ngữ được cải thiện rất nhiều. “Do đó, việc đưa môn Ngoại ngữ vào thi bắt buộc hay không sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng môn học. Nếu đặt vấn đề phải thi mới thúc đẩy học sinh học thì lại câu chuyện cũ, thi gì học nấy”, thầy Hiền nói.

Băn khoăn, lo lắng

Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn khi đưa Ngoại ngữ ra khỏi môn bắt buộc sẽ dẫn đến sụt giảm chất lượng.

Cô N.T.T, giáo viên một trường THPT tại Thanh Hóa lo lắng, nếu học mà không thi học sinh sẽ “buông” ngay từ lớp 10. Kể cả giáo viên thúc ép cũng rất khó bởi khi đó, các em chỉ học môn cần thiết cho định hướng nghề nghiệp. Trong khi Ngoại ngữ là môn điều kiện quan trọng.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng, số đông sẽ ủng hộ phương án thi ít môn vì mong muốn được giảm tải, giảm áp lực thi cử. Đối với cá nhân, bà mong muốn thi 3 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ vì “chúng ta đã mất thời gian rất dài để có thể đưa môn Ngoại ngữ vào chương trình ngoại ngữ quốc gia. Sau một thời gian, nếu không đưa Ngoại ngữ vào môn thi sẽ rất khó để vực lại phong trào học ngoại ngữ, nâng cao trình độ ngoại ngữ của người học. Dù biết, thi Ngoại ngữ các trường ở vùng khó khăn sẽ không được thuận lợi như ở thành phố, các tỉnh đồng bằng".

Mặt khác, bà Quỳnh phân tích, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở bậc THPT, từ lớp 10 học sinh học 4 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Nếu chỉ học bắt buộc mà không thi bắt buộc sẽ rất khó cho giáo viên dạy học. 

Trên thực tế, không ít học sinh có năng lực nhưng không có động lực sẽ không học tập nghiêm túc để đạt kết quả tốt hơn. Ở trường Việt Đức, từ khi thực hiện chương trình mới ngay từ đầu vào lớp 10, nhiều em “né” chọn các môn thuộc nhóm khoa học cơ bản như Vật lý, Hóa học. Thế nhưng, nhà trường đã tổ chức tư vấn, định hướng để chọn tổ hợp với điều kiện sau một năm học nếu thấy khó quá, không phù hợp sẽ chọn lại. Và nhiều em đến nay không có nhu cầu thay đổi. 

Việc học sinh kết hợp các môn Khoa học cơ bản với Ngoại ngữ cũng có những khối thi rất hay như: chọn Vật lý có khối A1, D; chọn Hóa học sẽ có khối D7 (Toán, Hóa, Ngoại ngữ)…

Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức khẳng định, dù không thi ngoại ngữ nhưng các trường ĐH sử dụng môn Ngoại ngữ để tuyển sinh nhiều ngành. Và dù chọn khối ngành nào, học sinh muốn tiếp cận kiến thức nền tảng của các nước tiên tiến trên thế giới vẫn phải sử dụng ngoại ngữ như công cụ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tiền Phong

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất