Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Thi tốt nghiệp 4 môn: Trường ĐH phải tính toán lại các phương án xét tuyển

Giáo dục Việt Nam Theo dõi Saostar trên google news

Theo phương án thi TN từ năm 2025, 2/3 môn tổ hợp B00 là tự chọn, điều này khiến nhiều người lo ngại tuyển sinh khối trường Y Dược sẽ bị ảnh hưởng.

Từ năm 2025, học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 môn, gồm 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Phương án này nhận được sự ủng hộ của đông đảo học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo bởi tính gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh. Tuy nhiên, việc kỳ thi tốt nghiệp chỉ còn 4 môn thi (so với hiện nay là 6 môn) sẽ làm giảm tổ hợp xét tuyển vào đại học của các thí sinh. Đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết, với phương án thi tốt nghiệp mới, các trường sẽ phải tính toán lại phương án xét tuyển phù hợp, đặc biệt phương án có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thi tốt nghiệp 4 môn: Trường ĐH phải tính toán lại các phương án xét tuyển Ảnh 1
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) cho biết, trường chủ yếu xét tuyển dựa trên 2 phương án chính là sử dụng điểm học bạ và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Với sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, trường sẽ phải tính toán lại các tổ hợp xét tuyển, đảm bảo các tổ hợp xét tuyển đầu vào phù hợp với yêu cầu ngành học.

Về việc giảm tổ hợp xét tuyển đại học, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn cho rằng điều này không có quá nhiều ảnh hưởng, bởi các tổ hợp truyền thống về cơ bản vẫn được duy trì; và trước đây, việc tuyển sinh bằng các tổ hợp truyền thống cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ tuyển được sinh viên phù hợp.

Ngoài các phương án xét tuyển truyền thống bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục đã kết hợp tuyển sinh với nhiều phương án khác như tổ chức kỳ thi riêng, sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ,... Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á chia sẻ, số lượng thí sinh xét tuyển vào trường bằng các phương án này không nhiều, do vậy đơn vị vẫn ưu tiên các phương án xét tuyển truyền thống như trước đây.

Bắt đầu có kế hoạch nghiên cứu phương án xét tuyển đại học từ năm 2025, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh cho hay:

“Hiện nhà trường đang lên kế hoạch nghiên cứu chương trình đào tạo của bậc trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đề thi tham khảo (dự kiến) của kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để nhà trường nghiên cứu, đưa ra phương án xét tuyển đại học từ năm 2025”.

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông mấy môn không ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển vào các trường đại học, vì đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ kiểm tra lại kiến thức đã học qua các năm của học sinh. Các trường đại học sẽ có cách khác để xét tuyển vào đại học, ví dụ như các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét học bạ trung học phổ thông kết với với bài thi đánh giá năng lực...

Các trường đại học sẽ tính toán lại các tổ hợp để phù hợp hơn với phương án chỉ thi 2 môn lựa chọn này", Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nhận định.

Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh cho hay, phương án tuyển sinh năm 2024 của Trường về cơ bản giữ nguyên như năm 2023. Các phương thức xét tuyển chính gồm: xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét điểm học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng; trong đó, khoảng 50% - 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chia sẻ về phương hướng tuyển sinh từ năm 2025, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng Ban đào tạo, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại nhà trường vẫn chưa có kế hoạch mới trong tuyển sinh. Theo đó, Trường tiếp tục thực hiện chủ trương tuyển sinh kết hợp nhiều tiêu chí, gồm học lực, thành tích hoạt động cá nhân, hoạt động xã hội đóng góp cho cộng đồng, văn thể mỹ.

Về học lực, các tiêu chí gồm học lực trung học phổ thông, kết quả thi trung học phổ thông và kết quả thi đánh giá năng lực với các trọng số nghiêng về đánh giá năng lực.

“Theo dõi kết quả học tập hiện nay của sinh viên, Trường nhận thấy rằng kết quả học tập của các thí sinh có điểm đánh giá năng lực cao rất tốt, thể hiện được tính phù hợp của kỳ thi này trong tuyển sinh đại học”, Phó giáo sư Thắng đánh giá.

Năm 2023, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh với 5 phương thức chính; trong đó, Trường dành tới khoảng 90% tổng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí gồm kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học trung học phổ thông, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng).

Thi tốt nghiệp 4 môn: Trường ĐH phải tính toán lại các phương án xét tuyển Ảnh 2
Ảnh minh họa: VNU

Trước sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, nhiều ý kiến lo ngại về việc số lượng thí sinh chọn theo các tổ hợp truyền thống như A00, B00 có thể giảm. Thay vào đó, thí sinh sẽ có xu hướng lựa chọn tiếng Anh và một môn học khác nhằm tăng số lượng tổ hợp xét tuyển đại học.

Điều này đặt ra bài toán lớn trong tuyển sinh với những cơ sở giáo dục vốn tuyển sinh chủ yếu bằng các tổ hợp truyền thống, nhất là khối các trường Y Dược - hiện tuyển sinh chủ yếu bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với khối B00 (Toán, Lý, Hóa). Nhìn chung, đa số các trường vẫn dành khoảng hơn 90% chỉ tiêu cho phương án xét tuyển này.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều cơ sở đào tạo Y Dược cho biết, hiện các đơn vị này cũng chưa có phương án cho xét tuyển đại học từ năm 2025. Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị cho rằng sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến việc tuyển sinh đại học của các đơn vị.

“Các thí sinh nếu có nguyện vọng học khối các trường Y Dược thì sẽ có định hướng lựa chọn Lý, Hóa ngay từ đầu để theo học. Do vậy, sự thay đổi về phương án thi tốt nghiệp sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới việc xét tuyển đại học của các trường”, một đại đại diện cơ sở đào tạo Y Dược ở miền Bắc nhận định.

Về phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe, vị này cho biết đề xuất này cần có sự bàn bạc và đánh giá thêm, do đó đến nay vẫn chưa có kế hoạch chính thức để triển khai.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Giáo dục Việt Nam

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
Vị thế của Hoa hậu H'Hen Niê
Trải Nghiệm Không Gian Mua Sắm "Đến Từ Tương Lai" Tại Nike ACFC