Học đường

Tăng học phí mức cao nhất 60 triệu đồng/năm, Đại học KHXH&NV TP.HCM nói gì?

Theo SGGP
Chia sẻ

Đối với bậc đào tạo cử nhân hệ chuẩn, nhiều ngành của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM sẽ có học phí tăng gấp đôi.

Hội đồng Đại học Quốc gia TP.HCM vừa thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học của trường. Trên cơ sở Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung năm 2018, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện đổi mới gồm: tự chủ về bộ máy và nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính, mức học phí.

Khi thực hiện tự chủ về tài chính, nhà trường sẽ xây dựng mức học phí theo nguyên tắc tính đúng chi phí đào tạo. Trong đó, mức học phí năm học 2022-2023 sẽ tăng mạnh so với hiện tại. Cụ thể, nhóm ngành Khoa học Xã hội thu 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học; nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch thu 21-24 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, mức học phí được nhà trường cập nhật đến tháng 1/2021 bình quân chỉ 9-10 triệu đồng/năm đối với bậc đào tạo cử nhân hệ chuẩn. Như vậy, khi trường bắt đầu thực hiện đề án tự chủ thì nhiều ngành hệ đại học chính quy sẽ có học phí tăng gấp đôi.

Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) sẽ cao gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.

Học phí của các hệ đào tạo khác cũng thay đổi, trong đó văn bằng 2 chính quy, văn bằng một vừa làm vừa học... sẽ thu không vượt quá 1,5 lần. Bậc thạc sĩ không vượt quá 1,5 lần mức trần học phí chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học theo từng nhóm ngành, bậc tiến sĩ không vượt quá 2,5 lần.

Tăng học phí mức cao nhất 60 triệu đồng/năm, Đại học KHXH&NV TP.HCM nói gì? Ảnh 1
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

Nói về việc tăng học phí trong năm học tới, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, trong quá trình soạn thảo đề án tự chủ, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và lấy ý kiến đóng góp, vấn đề học phí của nhà trường được cân nhắc kỹ lưỡng nhất vì điều này ảnh hưởng đến người học.

“Bên cạnh việc tăng học phí để bù đắp phần nào chi phí thường xuyên không được nhận từ ngân sách nhà nước, nhà trường đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người học của ngành đặc thù và người học có điều kiện khó khăn nên sinh viên có thể yên tâm”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nói.

Cụ thể, nhà trường đã xây dựng mức học phí phù hợp với ngành đặc thù. Ngoài ra, trường đã có chương trình khuyến học khuyến tài do các nhà tài trợ và các đơn vị đồng hành với trường hỗ trợ cho các bạn sinh viên gặp điều kiện khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội học tập; Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia có chương trình tín dụng học tập lãi suất 0%; Chính sách học bổng dành cho các chương trình đặc thù theo lộ trình phù hợp, trường sẽ làm đề án đề nghị Nhà nước hỗ trợ đặt hàng cho các ngành đặc thù của ngành khoa học cơ bản.

Quan điểm của nhà trường là sẽ tập trung tối đa nguồn lực tài chính cho việc đào tạo và nghiên cứu (đầu tư cơ sở vật chất, các hoạt động tư vấn – hỗ trợ người học, đầu tư cho nghiên cứu khoa học…) để người học được thụ hưởng nhiều nhất trong quá trình chuyển đổi này.

“Do vậy, để cân đối thu chi, nhà trường đã chia sẻ thông điệp với tập thể sư phạm toàn trường trong những năm đầu của quá trình tự chủ, tất cả nguồn lực sẽ tập trung chủ yếu vào bù đắp sự thiếu hụt về nguồn chi thường xuyên, công tác người học nên phần chăm lo cho giảng viên, người lao động sẽ bị hạn chế và sẽ có lộ trình phù hợp sau đó.

Song song đó, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, đối tác, cựu sinh viên… trong việc đồng hành cùng với sự phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới này”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nói.

Chia sẻ

Theo

SGGP

Nguồn bài viết

Tin mới nhất