Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Sinh viên ngành Y bức xúc phản ánh nhà trường phụ thu 'kinh phí đào tạo' lớn hơn cả học phí quy định

Sinh viên ĐH Y Dược Hải Phòng phản ánh nhà trường phụ thu “kinh phí đào tạo” lớn hơn cả học phí quy định. Như vậy, sau khi được giảm học phí từ 24,5 xuống 14,3 triệu đồng, sinh viên trường ĐH này phải nộp thêm 21 triệu đồng "kinh phí đào tạo".

Sinh viên bức xúc phản ánh nhà trường phụ thu “kinh phí” lớn hơn cả học phí quy định

Phản ánh tới báo Tiền Phong, em Lê Quân (tên đã thay đổi) - sinh viên năm nhất Khoa Bác sỹ đa khoa tại Đại học Y Dược Hải Phòng, hệ chính quy 4 năm cho biết, khi nhập học, đại diện nhà trường phát biểu trước toàn thể tân sinh viên chỉ thu học phí 2,45 triệu đồng/tháng (24,5 triệu đồng/năm) và không có bất cứ khoản nào khác. Một số ngành đào tạo khác có mức học phí từ 1,85-2,775 triệu đồng/tháng. Học phí này được nhà trường ban hành Quyết định số 1089 ngày 7/7/2022.

Ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 về học phí đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập năm học 2022-2023 để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, gia đình có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Sinh viên ngành Y bức xúc phản ánh nhà trường phụ thu 'kinh phí đào tạo' lớn hơn cả học phí quy định Ảnh 1
Ảnh: Tiền Phong

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức học phí năm 2022-2023 bằng mức thu học phí năm 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm 2021-2022 đã quy định tại Nghị định này.

Đến đầu tháng 2/2023, ông Nguyễn Văn Khải - Hiệu trưởng Đại học Y Dược Hải Phòng ký quyết định điều chỉnh, giảm học phí từ 2,45 triệu đồng/tháng xuống còn 1,43 triệu đồng/tháng (tương đương 14,3 triệu đồng/sinh viên/năm học), theo Nghị quyết 165 của Chính phủ ban hành. 

Tuy nhiên, nhà trường lại thu thêm “kinh phí đào tạo” 2,1 triệu đồng/tháng (21 triệu đồng/năm) đối với hệ đào tạo chính quy, chính quy tập trung ngành y, điều dưỡng và 2,3 triệu đồng/tháng (23 triệu đồng/năm) đối với ngành dược.

Sinh viên Lê Quân cho biết, chính sách giảm học phí là để hỗ trợ sinh viên, gia đình có con em theo học thời điểm lạm phát, kinh tế khó khăn nhưng nhà trường lại phụ thu “kinh phí” lớn hơn cả học phí quy định. Tổng học phí và “kinh phí đào tạo” lên tới 35,3 triệu đồng/sinh viên/năm (tăng 146% học phí theo quy định tại Nghị định 165).

Phía Đại học Y dược Hải Phòng nói gì?

Ngày 8/2, trao đổi với VnExpress, GS.TS Phạm Minh Khuê, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Hải Phòng, cho biết khoản kinh phí đào tạo đã có từ nhiều năm nay, áp dụng với sinh viên liên thông ngành Y, Dược và sau đại học với mức thu lần lượt là 21, 23 và 25 triệu đồng một năm. Riêng năm học 2022-2023, theo kế hoạch ban đầu với mức học phí 24,5 triệu đồng, trường Đại học Y Dược Hải Phòng không thu thêm kinh phí đào tạo, do mức học phí mới đã đáp ứng nhu cầu thu, chi của trường.

Khi Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, trường Đại học Y Dược Hải Phòng quay lại thực hiện tất cả các quy định về khoản phí của năm 2021, trong đó có kinh phí đào tạo. Khoản thu này áp dụng với hơn 100 sinh viên liên thông năm thứ nhất, 1.100 em khác vẫn được giảm học phí.

"Trường cũng không có lựa chọn nào. Đã quay về thực hiện chính sách năm 2021 thì phải áp dụng hết. Nếu tiếp tục miễn khoản kinh phí đào tạo cho hơn 100 sinh viên, trường không có kinh phí để bù", ông Khuê nói và cho biết sang năm học tới, khi trường được thu mức học phí 24,5 triệu đồng, sinh viên hệ liên thông sẽ không phải đóng khoản kinh phí đào tạo nữa.

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết các khoản thu căn cứ theo Nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.

Trả lời VnExpress hồi đầu tháng 1, ông Khuê nhận định việc không tăng học phí năm 2023 trong khi lương giáo viên, vật tư y tế đều tăng là thách thức lớn với trường. Theo tính toán, đến tháng 7/2023, chênh lệch giữa tổng chi dự kiến và số tiền thực tế của trường là 24 tỷ đồng.

"Kể cả thu khoản kinh phí đào tạo của nhóm sinh viên liên thông năm 2022, chúng tôi vẫn thiếu 20 tỷ đồng", ông Khuê nói hôm nay.

Mỗi năm, trường Đại học Y Dược Hải Phòng tuyển khoảng 1.900 sinh viên. Trong đó, hơn 1.100 sinh viên theo học hệ chính quy, khoảng 150 sinh viên liên thông chính quy, 520 liên thông vừa học vừa làm, còn lại là học viên sau đại học.

Từ đầu năm học 2022-2023, nhiều trường đào tạo Y, Dược đã thông báo tăng học phí 30-70% theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và mức trần học phí đại học. Khi phải giữ mức thu cũ, nhiều trường nói khó cân đối thu chi, đảm bảo chất lượng do chi phí đào tạo cao, nhưng nguồn thu không tăng.

Ngoài Y Dược Hải Phòng, năm 2021, Phân hiệu trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa cũng thu kinh phí đào tạo với sinh viên liên thông, mức thu là hơn 30 triệu đồng một năm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Được quan tâm

Tin mới nhất