Học đường

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi

Yến Nguyễn
Chia sẻ

"Tôi luôn suy nghĩ, giữa lúc tình hình cam go thế này, nếu ai cũng lo sợ, ai cũng chùn chân thì ai sẽ hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu, đến bao giờ dịch bệnh mới được đẩy lùi?. Điều này càng khiến tôi nung nấu hơn nữa việc tham gia công tác tình nguyện", cô giáo Phương Linh chia sẻ.

TP.HCM những ngày qua đã và đang bước vào giai đoạn cam go khi số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn liên tục tăng. Trước tình hình này, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu dường như lại càng vất vả hơn, họ làm việc không quản thời gian, chấp nhận những nguy hiểm, rủi ro sẽ gặp phải để mang lại cuộc sống yên bình cho người dân.

Thấu hiểu những sự hy sinh, vất vả ấy; đồng thời mong muốn góp chút công sức để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hàng trăm tình nguyện viên là giáo viên, sinh viên, đoàn viên thanh niên… đã tình nguyện xông pha vào cuộc chiến phòng chống dịch, sẵn sàng lên đường, không ngại khó khăn, nguy hiểm.  

 

"Nếu ai cũng chùn chân, vậy ai sẽ hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu"

Khi biết tin nhà trường tuyển tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, cô giáo Phương Linh (giáo viên phụ trách môn Văn, trường THCS Võ Văn Tần, Quận Tân Bình, TP.HCM) cùng nhiều đồng nghiệp khác đã không chút chần chừ mà đăng ký ngay. 

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 1
Cô giáo Phương Linh (giáo viên phụ trách môn Văn, trường THCS Võ Văn Tần, Quận Tân Bình, TP.HCM)

"Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát (27/4), các giáo viên và học sinh đều phải nghỉ ở nhà nên cảm giác buồn chán là điều không thể tránh khỏi. Thời gian này, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM lại đang diễn biến căng thẳng, bản thân tôi rất muốn làm gì đó để chung tay giúp Sài Gòn chiến thắng dịch bệnh. 

Do vậy, khi thấy nhà trường phát thông báo tìm tình nguyện viên, tôi ngay lập tức đăng ký. Các đồng nghiệp của tôi, nhiều người có con nhỏ nhưng họ cũng không nề hà điều gì, rất nhiệt tình tham gia hỗ trợ ", chị Linh kể. 

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 2
Cô giáo Phương Linh tham gia hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu từ đầu tháng 8 đến nay

Theo chị Linh, khi quyết định sẽ "xông pha" đi hỗ trợ các y bác sĩ trong công tác tiêm phòng vắc-xin, điều này đồng nghĩa với việc, chị sẽ phải tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm là điều không thể nói trước. 

Thời điểm gia đình biết chị sẽ đi hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch, chị đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt. Nhiều cuộc điện thoại ở quê liên tục gọi vào để khuyên can, nhắc nhở, thế nhưng, chị Linh vẫn không lung lay trước quyết định của mình.

"Lúc đầu, bố mẹ mới nghe thông báo thì tỏ ra khá lo lắng và ra sức ngăn cản. Không chỉ bố mẹ đẻ mà bố mẹ chồng tôi cũng hoảng hốt không kém khi biết tin. Thậm chí, bố mẹ chồng vì thương vì lo lắng cho con dâu mà vừa gọi điện hỏi thăm vừa bật khóc khiến tôi xúc động vô cùng. 

Sự lo lắng ấy là điều dễ hiểu, hằng ngày bố mẹ xem tin tức thấy tình hình ở Sài Gòn khá căng thẳng, chỉ một chút sơ suất thì nguy cơ nhiễm bệnh khá cao.

Bản thân tôi thể trạng không được tốt, lại không có kiến thức chuyên môn về y tế nên việc bố mẹ phản đối là điều tôi đã dự đoán được. Tuy nhiên, sau nhiều lần giải thích, động viên và chứng minh cho bố mẹ thấy tôi vẫn rất khỏe mạnh dù đã "xông pha" nhiều ngày qua thì đến hiện tại, bố mẹ hoàn toàn ủng hộ quyết định của tôi", chị Linh kể.

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 3
Cô giáo Phương Linh và đồng nghiệp trong những ngày tháng cùng nhau hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu

Về phần chồng mình, chị Linh cho biết, bản thân anh luôn ủng hộ mọi quyết định của vợ, dù trong lòng cũng nhiều lo toan. Chị nói: "Chồng tôi công tác trong môi trường quân đội, 3 tháng qua anh phải ở lại đơn vị để tiếp tục nhiệm vụ nên vợ chồng chỉ có thể hỏi thăm tình hình của nhau qua điện thoại. Biết tôi tham gia đội tình nguyện chống dịch, bản thân anh rất nhiều lo lắng nhưng vì hiểu tính tôi, lại luôn tôn trọng quyết định của vợ nên anh luôn động viên tôi cố gắng.

Tôi luôn suy nghĩ, giữa lúc tình hình cam go thế này, nếu ai cũng lo sợ, ai cũng chùn chân thì ai sẽ hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu, đến bao giờ dịch bệnh mới được đẩy lùi?. Điều này càng khiến tôi nung nấu quyết tâm tham gia công tác tình nguyện". 

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 4
Từ nơi làm việc, cô giáo Phương Linh gửi gắm tình cảm tới người chồng đang làm nhiệm vụ ở đơn vị
Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 5
Phương Linh cho biết, chị may mắn luôn nhận được sự tôn trọng, ủng hộ mọi quyết định từ chồng 

Chị Linh kể, chị bắt đầu tham gia vào công tác hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch từ hồi đầu tháng 8 đến nay. Hằng ngày, chị và các đồng nghiệp sẽ đảm nhận nhiệm vụ điều phối người dân tại điểm tiêm vắc-xin, hướng dẫn người dân quy trình tiêm; đồng thời nhập số liệu và báo cáo tình sau mỗi ngày tiêm. 

Công việc không có gì gây trở ngại, tuy nhiên, đôi lúc chị Linh và các thành viên đội tình nguyện cũng gặp những trường hợp người dân không phối hợp thực hiện quy định phòng chống dịch. Lúc này, chị Linh cũng như các thành viên khác vẫn luôn ân cần, niềm nở và tận tâm giải thích cho người dân hiểu. 

Theo chị Linh, công việc của đội tình nguyện sẽ bắt đầu lúc 7h sáng và kết thúc lúc 6h tối. Thi thoảng, các chị sẽ kết thúc muộn hơn, bởi ngoài nhiệm vụ điều phối người dân đi tiêm còn phải nhập liệu, cập nhật tình hình sức khỏe của những trường hợp đã tiêm.

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 6
Phút giây nghỉ ngơi ít ỏi của các tình nguyện viên sau nhiều giờ làm việc

Điều khiến chị Linh cảm nhận rõ rệt nhất sự vất vả của các y bác sĩ trong nhiều ngày qua chính là khi mặc lên người bộ đồ bảo hộ suốt một ngày dài làm việc. 

"Công việc của chúng tôi ở ngoài trời nên khi mặc bộ đồ bảo hộ vào sẽ rất là nóng, mồ hôi tiết ra cảm giác như có nước chảy ướt đẫm quần áo. Thời tiết Sài Gòn những ngày này đã bớt khắc nghiệt nên cũng phần nào đỡ khó chịu. Như vậy, với thời tiết nắng nóng như ở miền Bắc, các y bác sĩ sẽ vất vả đến nhường nào?

Chưa kể, mặc đồ bảo hộ chúng tôi cũng gặp nhiều bất cập trong việc ăn uống, đi vệ sinh. Bởi lẽ, mỗi lần cởi bỏ đồ bảo hộ khá mất thời gian, quy trình nghiêm ngặt; khi muốn tiếp tục công việc thì phải mặc một bộ đồ mới. Do đó, mỗi tình nguyện viên đều ý thức việc cá nhân để tránh làm mất thời gian, cũng như sử dụng hợp lý trang thiết bị y tế", cô giáo trẻ chia sẻ. 

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 7
Dù làm việc mệt mỏi, chịu cảnh nóng bức khi phải mặc đồ bảo hộ liên tục, tuy nhiên, cô giáo Phương Linh vẫn luôn giữ được sự nhiệt huyết, năng động

Với chị Linh, công việc tình nguyện những ngày qua thực sự rất ý nghĩa, bởi bên cạnh sự vất vả, đối mặt với nguy cơ lây bệnh thì giữa chị, đồng nghiệp và các y tá, bác sĩ thi thoảng lại có những phút giây "xõa" cực vui nhộn sau những giờ làm việc mệt mỏi. 

Chị Linh kể, có nhiều hôm, tranh thủ lúc người dân chưa đến tiêm vắc-xin, đội ngũ tình nguyện viên và các bác sĩ ngẫu hứng hát hò với nhau. Nhiều giờ ngủ trưa, mọi người lại tranh thủ hỏi thăm, động viên nhau, tình cảm cứ mỗi ngày càng thêm gắn bó, thắm thiết hơn. 

(Clip: Phút giây ngẫu hứng của các y bác sĩ, tình nguyện viên sau giờ làm việc)

 

Nhớ nhịp sống sôi động thường ngày, mong sớm gặp lại học trò

Gắn bó với công việc nhà giáo được 3 năm, tuy nhiên, 2 năm gần đây dịch bệnh hoành hành khiến việc dạy học của chị Linh phần nào bị gián đoạn. 

Nhất là đợt dịch này, thời gian cô trò xa nhau đã là một khoảng khá dài, do đó, cũng như bao giáo viên khác, chị Linh cũng luôn hy vọng sớm được trở lại trường học cùng những bài giảng hay, được trông thấy những gương mặt học trò siêu quậy mà đáng yêu biết bao. 

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 8
Cô giáo Phương Linh cùng các học trò mà cô chủ nhiệm

"Có lẽ, không chỉ riêng tôi mà bất kỳ giáo viên hay một người dân nào cũng đều hy vọng đại dịch sẽ qua mau, để nhịp sống sôi động thường ngày được trở lại. 

Thời gian trước, có rất nhiều lần muốn "nổi điên" với những học trò quậy phá, ồn ào.... thế nhưng đến bây giờ, lại thèm cảm giác ấy đến nhường nào", chị Phương Linh chia sẻ. 

Cũng theo chị Linh, dịch bệnh ngày một phức tạp, nhiều luồng thông tin đôi khi khiến người ta bị "ngợp thở", thế nên, bản thân chị luôn chọn một lối sống tích cực, lạc quan.

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 9
Tranh thủ thời gian giãn cách, cô giáo sẽ đầu tư hơn cho chuyện bếp núc...
Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 10
... dành thời gian để gọi điện hỏi thăm những người thân yêu

Những ngày ở nhà nghỉ ngơi sau thời gian hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu, chị Linh từ chối đọc các tin tức tiêu cực trên mạng xã hội. Thay vào đó, chị chọn cách đọc sách, trồng cây, tập yoga, gọi điện hỏi thăm gia đình, bạn bè... để giải tỏa tinh thần.

Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 11
Chăm sóc sắc đẹp, đọc sách...
Nữ giáo viên nơi tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM: Nếu ai cũng chùn chân, dịch bệnh bao giờ mới được đẩy lùi Ảnh 12
... hay trồng cây để luôn hướng đến những điều tích cực

Với chị Phương Linh - cô giáo nhỏ nhắn nhưng đầy nhiệt huyết ấy luôn tin vào điều tốt đẹp, luôn hy vọng rằng, bằng sự nỗ lực, sức mạnh cũng như sự đồng lòng của người dân cả nước cùng đội ngũ tuyến đầu, dịch bệnh rồi sẽ sớm được đẩy lùi, cuộc sống thường nhật sẽ sớm trở lại sôi động như điều vốn có. 

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất