Học tập ở nơi xa, Đinh Ngọc Thảo luôn nhớ đến không khí rạng rỡ của ngày Tết cổ truyền. Năm đầu tiên đón Tết xa nhà, nữ du học sinh xinh đẹp đã mặc áo dài, ghi lại những khoảnh khắc duyên dáng ở trường đại học Trininy – nơi cô vừa kết thúc kỳ học đầu tiên ở đại học.
Mùa tuyển sinh năm 2018 vừa qua, Đinh Ngọc Thảo - cựu học sinh Chuyên ngoại ngữ Hà Nội nộp hồ sơ 4 trường và đều đỗ. Cả 4 trường này đều chào đón cô gái Việt bằng các suất học bổng giá trị.
Cuối cùng, nữ sinh Việt chọn nhập học ở trường ĐH Trininy, đây là ngôi trường em ứng tuyển ở đợt nộp đơn sớm (ED). Trường này cấp cho cô gái Việt học bổng 55% (trị giá 2,7 tỷ đồng). Ba trường còn lại Thảo trúng tuyển là Đại học Lawrence (học bổng trị giá 37.300 USD/năm), Đại học Augustana (học bổng trị giá 31.000USD/năm) và Đại học Beloit (học bổng trị giá 38.000 USD/năm).
Đinh Ngọc Thảo là cựu học sinh của THPT Chuyên Ngoại ngữ - Hà Nội. Trong suốt những năm học phổ thông, nữ sinh luôn là một gương mặt toàn diện, đa tài của trường.
Ngoài giờ học, Ngọc Thảo còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, học thêm nhiều kĩ năng mềm như vẽ tranh…
… hoặc theo đuổi đam mê cosplay.
Trái với những suy nghĩ của nhiều người về nữ sinh trường chuyên, là những cô gái “mọt sách”, Ngọc Thảo là hình ảnh đại diện của một thế hệ nữ sinh hiện đại: xinh xắn, học giỏi và luôn trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực sâu rộng.
Ngọc Thảo theo đuổi chuyên ngành Tâm lý học tại ĐH Trininy. Cô chia sẻ mình hơi ngạc nhiên về số lượng lớn các sinh viên Mỹ hứng thú với ngành học này, vì đây là một bộ môn phức tạp và đòi hỏi khả năng tự học rất lớn. Bên cạnh việc thích nghi với môi trường học tập mới, nữ sinh còn phải thích nghi với cuộc sống tự lập nói chung. Tuy vậy, may mắn Thảo không bị sốc văn hóa, có lẽ vì gặp được nhiều bạn bè giúp đỡ tận tình trong quá trình chuyển giao. Thảo cho biết trong lớp học, mọi người không ngại nói ra quan điểm vì họ biết những người khác sẽ tôn trọng ý kiến của họ. Giáo viên thường đi quanh lớp hay thậm chí ngồi lên bàn rất tự nhiên, khiến cho khoảng cách giữa sinh viên và giáo sư “teo” lại. Từ đó môi trường học tập trở thành một khuôn viên lý tưởng cho những ý tưởng được tự do trao đổi.
Ngoài giờ học, nữ sinh Việt tham gia vào sảnh ký túc “Hi Vọng” - là cộng đồng thường đi làm hoạt động thiện nguyện. Kỳ vừa qua, Ngọc Thảo làm thiện nguyện ở một trại trẻ em. Khi thấy các bé chạy ra ôm lấy và gọi tên mình mỗi khi tới, nữ sinh cho biết tìm được ý nghĩa và yêu việc mình chọn làm rất nhiều. “Mỗi cuối tuần em đổi vài giờ đồng hồ tham gia tình nguyện thay vì ngủ nướng, vừa giúp cho cộng đồng nơi mình sống, vừa tích lũy kĩ năng xã hội cho bản thân.” - Ngọc Thảo cho biết.
Đón năm mới đầu tiên xa nhà, nữ du học Việt mặc bộ áo dài truyền thống của dân tộc và nhờ những người bạn quốc tế của em lưu lại những khoảnh khắc ở khuôn viên đại học Mỹ 150 năm tuổi. “Khi em mặc chiếc áo dài, em cảm thấy như một đại sứ âm thầm tuyên truyền về văn hóa của đất nước nhỏ bé nhưng mạnh mẽ mang tên Việt Nam. Có nhiều người tới hỏi em về bộ áo dài, nói với em rằng đó là một trang phục đẹp duyên dáng. Điều đó gợi cho em khao khát muốn bạn bè quốc tế hiểu thêm về Tổ quốc của mình”, Thảo tâm sự.