Học đường

Những lần ‘bà hỏa ghé thăm’ các khu ký túc xá sinh viên để lại hậu quả thương tâm gây chấn động thế giới

Nhật Minh (Tổng hợp)
Chia sẻ

Cháy nổ luôn là nỗi lo hàng đầu không chỉ của mỗi người mà còn của cả những nhà quản lý, đặc biệt là những tòa nhà dễ xảy ra cháy nổ như ký túc xá sinh viên.

Ký túc xá luôn luôn là một nơi có thể nói là an toàn nhất cho những bạn học sinh, sinh viên đi học xa nhà. Thế nhưng những nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ trong những tòa nhà này luôn là mối quan tâm hàng đầu của ban quản lý cũng như lãnh đạo nhà trường.

Mới đây, một vụ cháy xảy ra vào khoảng 10h sáng ngày 11/7 tại tầng 4 của ký túc xá Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (số 932 - 937 đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, TP.HCM). Ngay sau khi tiếp nhận sự việc, Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM đã điều 13 xe chuyên dụng, trong đó có 7 xe nước, 2 xe thang, 1 xe chở phương tiện chữa cháy, 1 xe cứu nạn cứu hộ và 1 xe chỉ huy đến hiện trường để chữa cháy và giải cứu các nạn nhân.

Xe thang được điều đến giải cứu người mắc kẹt . Ảnh: Minh Hòa/Tuổi Trẻ

Do hiện trường vụ cháy nằm sát với bệnh viện Chấn thương chỉnh hình nên đã khiến không ít bệnh nhân cũng như người dân xung quanh hoang mang. Các chiến sĩ công an cũng gặp không ít những khó khăn trong quá trình tiếp cận hiện trường cũng như chữa cháy.

Căn phòng trong ký túc xá ở lầu 4 bất ngờ bốc cháy. Ảnh: Minh Hòa/Tuổi Trẻ

Tuy nhiên do có phương án cứu hộ kịp thời, đám cháy trên nhanh chóng được khống chế và toàn bộ 28 nạn nhân có mặt trong tòa nhà đã được cứu hộ thành công. Hiện nguyên nhân của vụ cháy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Rất may, vụ hỏa hoạn xảy ra tại Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng - TPHCM không có thiệt hại về người. Thế nhưng, trước đó, trên thế giới từng xảy ra những vụ cháy KTX sinh viên gây chấn động, bởi hậu quả để lại vô cùng thương tâm:

Cháy ký túc xá ở Thái Lan khiến 18 học sinh thiệt mạng

Vụ cháy xảy ra vào đêm 22/5/2016 khiến 18 học sinh thiệt mạng. Địa điểm bùng phát đám cháy là tại một trường học ở vùng núi phía Đông Bắc Thái Lan. Thời điểm xảy ra vụ việc có 38 người có mặt trong tòa nhà ký túc xá này.

Theo nguồn tin của BBC có mặt tại hiện trường, tòa nhà hai tầng của ký túc xá bị nhận chìm trong biển lửa và lực lượng cứu hỏa phải mất nhiều giờ liền mới có thể khống chế được ngọn lửa.

Lính cứu hỏa đang cố dập đám cháy. Hình ảnh trên Facebook của nhà trường

Được biết nguyên nhân khiến cho số người thiệt mạng trong vụ việc trên lớn đến thế là do những nạn nhân xấu số này vẫn còn đang “say sưa trong giấc ngủ”. Địa hình vùng núi hiểm trở cũng gây không ít khó khăn cho công tác cứu hộ các nạn nhân. Theo thông tin từ báo chí Thái Lan thì đây là một trường tư với hầu hết các học sinh là con em các bộ tộc sống ở vùng đồi núi trong khu vực.

Hiện trường đám cháy khiến 17 nữ sinh thiệt mạng tại Thái Lan. Ảnh: EPA

Theo các nhà chức trách Thái Lan, nguyên nhân của vụ cháy là do mảnh vỡ bị nung nóng bởi một chiếc bóng đèn chập điện đã rơi vào đống quần áo ở tầng trệt và phát hỏa. Các nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy kinh hoàng trên chủ yếu là do ngạt khói.

12 học sinh tử nạn trong vụ cháy ký túc xá ở Thổ Nhĩ Kỳ

Những ngày cuối năm 2016, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ chìm trong đau thương khi một vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại một khu ký túc xá vùng Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Thời điểm xảy ra vụ việc được xác định vào khoảng 19h25’ ngày 29/11.

Hiện trường vụ cháy lớn ở ký túc xá Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: EPA

Phần lớn các học sinh tử nạn trong vụ việc này đều dưới 14 tuổi, bao gồm 11 nữ sinh và 1 giáo viên. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện, tuy nhiên theo một số nguồn tin thì cửa thoát hiểm của ký túc đã bị khóa chặt, chính vì thế đã khiến các nạn nhân không thể chạy thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Thi thể của các nạn nhân chủ yếu cũng được tìm thấy ở gần vị trí thoát hiểm.

Một nữ sinh bị thương được đưa đến bệnh viện. Ảnh: AFP

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một trong những trung tâm đô thị lớn nhất ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đã khiến cho dư luận Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan về cơ sở vật chất, độ an toàn trong ký túc xá dành cho học sinh, sinh viên.

Cháy ký túc xá ở Nga khiến 36 sinh viên thiệt mạng

Vụ cháy xảy ra tại trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị giữa các dân tộc Patrice Lumumba ở phía tây nam thủ đô Matxcơva, vụ cháy xảy ra vào khoảng 2h50’ sáng (giờ Matxcơva) ngày 24/11/2003.

Theo điều tra, nguyên nhân vụ cháy khu ký túc xá của trường đại học này là do chập điện, các điều tra viên cũng đã cho biết ngọn lửa xuất phát từ căn phòng của 3 nữ sinh viên người Nigeria.

Các sinh viên đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân xấu số trước hiện trường vụ cháy

Vụ cháy đã khiến 36 sinh viên thiệt mạng, trong đó có một trường hợp sinh viên Việt Nam, gần 200 sinh viên khác cũng bị thương và được điều trị tại bệnh viện. CTV của báo Tuổi Trẻ có mặt tại thủ đô Matxcơva thời điểm đó cho biết, trước khi phát hiện vụ việc, rất nhiều người đã nghe những tiếng nổ lớn được cho là khí gas phát ra từ chính tòa nhà ký túc xá này.

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng này, các nhà giới chức Nga đã tiến hành rà soát, kiểm tra và đóng cửa hơn 170 ký túc xá không đủ điều kiện đảm an toàn trên toàn lãnh thổ Nga. Đồng thời các lãnh đạo của ký túc xá cũng ra chỉ đạo thu gom toàn bộ những vật dụng dễ xảy ra cháy nổ như bếp gas, lò sưởi, bình đun nước của các sinh viên lưu trú trong những tòa nhà ký túc xá để tránh xảy ra những trường hợp tương tự.

Để không xảy ra cháy nổ, đảm bảo an toàn tại các KTX, các sinh viên cần nghiêm túc thực hiện đúng nội quy tại KTX. Trong đó, sinh viên nên tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện trước khi ra khỏi phòng tuân thủ quy định về kỹ thuật an toàn sử dụng điện; Không sử dụng bếp ga, bếp cồn, bếp điện, bếp từ, các bếp hồng ngoại, nồi cơm điện trong phòng ở. Không tổ chức nấu ăn trong phòng ở; Không câu, mắc dây điện vào giường sắt, không sử dụng ổ cắm, dây dẫn điện, thiết bị điện và thiết bị sử dụng điện có chất lượng kém vì dễ chạm, chập, rò rì điện gây tai nạn hoặc cháy nổ; Đồ dùng cá nhân phải sắp xếp gọn gàng, đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thoát hiểm, cấp cứu khi có sự cố xảy ra; Sinh viên phải kiểm tra thường xuyên các thiết bị điện trong phòng ở, tránh rò rỉ gây mất an toàn và lãng phí; Rút tất cả các thiết bị sạc như sạc máy tính, sạc pin điện thoại sau khi sử dụng xong; Không tàng trữ, sử dụng vật liệu cháy nổ trong phòng ở, đồng thời tìm hiểu cách sử dụng các trang thiết bị chữa cháy.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất