Học đường

'Nét chữ nết người' và câu chuyện gây tranh cãi

Phương Linh
Chia sẻ

Câu chuyện "Nét chữ liệu có làm nên nết người?" như bài viết đã đăng tải trước đó hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận của quý phụ huynh.

bài viết này, Nhà báo Trương Anh Ngọc đã đăng tải câu chuyện lối giáo dục trẻ ở châu Âu thông qua chữ viết. Nếu ở Việt Nam, người ta khư khư quan điểm "nét chữ nết người" thì phương Tây lại tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ. Do đó, chữ các con dù xấu dù đẹp thì điều mà các giáo viên phải làm là giúp trẻ duy trì những cái riêng ấy, chứ không ép các con vào một khuôn, một chuẩn theo kiểu chữ phải đẹp hay sách vở phải sạch sẽ thơm tho đúng theo một quy định nào đó. 

'Nét chữ nết người' và câu chuyện gây tranh cãi Ảnh 1
Nhà báo Trương Anh Ngọc

Tất nhiên, không một ai khuyến khích các con thói cẩu thả, câu chuyện mà vị nhà báo chia sẻ nhằm đến mục đích truyền tải ý nghĩa coi trọng thông điệp, sự sáng tạo trong bài viết của các con, thay vì "nhan sắc" của chữ viết. 

Xem thêm: Nét chữ làm nên nết người, liệu còn đúng?

Cũng theo Nhà báo Trương Anh Ngọc, mỗi người sẽ có giá trị theo cách của riêng mình, thể hiện ở công việc mà chúng ta làm và những gì ta đóng góp cho xã hội, chứ không phải là vì ta mặc gì và viết như thế nào.

Chính vì vậy, để thấu đáo hơn về một người nào đó, hãy mở rộng tư duy và tầm mắt, nhìn nhận giá trị thực sự của họ. Nếu chúng ta chỉ khăng khăng đánh giá người khác qua chuẩn mực hình thức, chúng ta có thể sẽ bị đánh lừa.

'Nét chữ nết người' và câu chuyện gây tranh cãi Ảnh 2
Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được tôn trọng sự khác biệt của bản thân, trong đó bao gồm cả chữ viết. Ảnh minh họa

Câu chuyện đang gây tranh cãi trái chiều được Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ như sau:

"Bạn ở Châu Âu kể rằng, một hôm kiểm tra vở của con, thấy chữ con xấu quá, tức khí, cô dắt con đến gặp cô giáo và hỏi rằng, tại sao chữ con xấu thế mà cô giáo và trường học chẳng có ý kiến gì.

Cô giáo kiên nhẫn nghe bà mẹ Việt phàn nàn xong thì mỉm cười, không nói gì, mở cặp tài liệu của mình ra và cho cô xem bài viết của khoảng chục học sinh khác trong lớp. Bà mẹ thấy chữ đứa nào cũng không đẹp, thậm chí có đứa còn vẽ cả ra trang giấy nữa. Thế rồi cô giáo nói rằng, chữ viết của mỗi người là cá tính, là cái riêng, là bản sắc của người đó. 

Trong môi trường giáo dục này, điều mà cô cũng như các giáo viên khác làm là giúp trẻ duy trì những cái riêng ấy, chứ không ép các con vào một khuôn, một chuẩn theo kiểu chữ phải đẹp hay sách vở phải sạch sẽ thơm tho đúng theo một quy định nào đó (vốn không tồn tại ở đây). "Mỗi một đứa trẻ là một con người khác biệt. Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt ấy, và chúng tôi dậy bọn trẻ cũng làm điều tương tự với những người khác", cô kết luận.

Có một sự xung đột văn hoá ở câu chuyện này. Bà mẹ Việt lớn lên trong cái gọi là chuẩn về quan niệm thẩm mỹ theo kiểu "vở sạch chữ đẹp", "nét chữ nết người", ai viết xấu sẽ bị điểm xấu, ai viết tay trái thì bị cô đánh thước kẻ đau điếng. Người ta muốn gò học sinh vào một khuôn mẫu, coi đó là cái chuẩn phải theo và không quan tâm đến cá tính cũng như đếm xỉa đến thái độ, tâm trạng của trẻ. Những đứa trẻ ở thế hệ của bà mẹ đã lớn lên như thế, và sau này, khi thành những ông bố bà mẹ cũng muốn con như thế, và rồi khi họ ra nước ngoài, vẫn không thay đổi, cho đến khi họ gặp gỡ trực tiếp với người làm giáo dục và lắng nghe họ nói về sự tôn trọng những khác biệt mang tính cá nhân.

Bạn bảo, hoá ra ở đây họ nhìn nhận vấn đề thật khác, theo hướng không hình thức mà thực chất. Mà nếu xét theo chuẩn của Việt Nam mình, chữ của người nước ngoài thật là xấu, chẳng hề lãng mạn bay bướm hay thẳng hàng thẳng lối như các cuốn tập viết hồi lớp 1,2 ở nhà. Nhưng cá tính riêng được tôn trọng, quan điểm riêng được lắng nghe, và trẻ được khuyến khích tự lập và phát triển theo năng lực cá nhân từ khi còn nhỏ chứ không ép buộc. "Họ quan trọng việc anh là ai, anh làm được gì, khả năng của anh ra sao, chứ không phải anh trông thế nào, anh viết lách ra sao", bạn kết luận.

Hôm qua mình post cái ảnh tài liệu viết tay tốc kí của mình cũng là để test phản ứng của mọi người, dù mình đã thòng một câu, "đây là mình viết cho riêng mình đọc", nhưng chẳng thấy ai để ý. 100% bảo chữ ấy xấu, thậm chí còn trêu là tại sao không làm bác sĩ. Đấy là một định kiến rất không hay ho về nghề nghiệp và giá trị của những con người thông qua hình thức. Đừng bao giờ đánh giá người khác theo một chuẩn, một định kiến bị đóng khung liên quan đến hình thức. Hình thức có thể đánh lừa bạn và khiến bạn duy trì những định kiến ấy nếu bạn không cởi mở.

Hãy nhìn rộng ra về những giá trị thực sự của họ, bên ngoài cái vỏ hình thức kia. Mình là mình, vì chỉ có mình viết như vậy. Bạn là bạn, vì chỉ có bạn viết như vậy. Chúng ta khác nhau và có giá trị theo cách của riêng mình, thể hiện ở công việc mà chúng ta làm và những gì ta đóng góp cho xã hội, chứ không phải là vì ta mặc gì và viết như thế nào, phải vậy không?".

Qua ghi nhận, câu chuyện "chữ viết" tưởng đơn thuần không có gì phải bàn cãi nhưng lại nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, nhất là những bậc phụ huynh đang con nhỏ đã và đang bước vào bậc tiểu học. 

Những ý kiến trái chiều được đưa ra bàn luận, "mổ xẻ". Có người đồng tình với quan điểm với Nhà báo Trương Anh Ngọc, có người phản đối, có người nhìn ra những khía cạnh khác trong câu chuyện này. 

Tác giả bài viết đang "đánh tráo khái niệm giữa cái sai cái xấu và cái cá tính, cái riêng biệt"

Nêu quan điểm về bài viết trên, Giáo sư Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng - người từng ghi dấu ấn lớn với khán giả xem truyền hình nhiều năm về trước ở chuyên mục "Hỏi xoáy đáp xoay" trong chương trình Thư Giãn Cuối Tuần của VTV3, sau này là chương trình Hỏi Xiên Đáp Xẹo thẳng thắn: "Anh lại đánh tráo khái niệm giữa cái sai cái xấu và cái cá tính, cái riêng biệt rồi. 

Anh vào xem các trường nghệ thuật của Tây mà xem, nơi đó là nơi đòi hỏi cái cá tính và riêng biệt nhất đấy, xem họ uốn bọn trẻ con vào khuôn phép và kỷ luật như nào, còn gấp cả chục cả trăm lần các cô giáo Việt Nam uốn viết chữ. 

Chẳng qua với Tây thì nét chữ không phải cái để coi là nghệ thuật nên họ không coi trọng, nhưng các nước châu Á và Việt Nam thì có coi trọng việc đó. Đơn giản thế thôi.

Muốn làm ra "cái trên đúng" thì đầu tiên anh phải thành thạo "cái đúng" đã. Đừng đánh đồng "cái sai" với "cái trên đúng", đấy là cái kiểu AQ dễ dãi câu like".

Tương tự, Nhà báo Hoàng Minh Trí cũng cho biết, bản thân anh rất có thiện cảm với những người viết chữ đẹp, bên cạnh đó, để viết chữ đẹp thì con người ta phải rèn luyện chứ không tự nhiên mà có được. Do đó, anh ủng hộ việc con trẻ nên được dạy tập viết ngay từ sớm.

"Không rõ ở Châu Âu họ dạy con trẻ viết như thế nào, nhưng nghệ thuật viết tay Western Calligraphy thực sự rất đẹp. Kiểu như thư pháp của người Hoa. Các tài liệu viết tay từ hàng nghìn năm trước đều được viết vô cùng đẹp. Dù sao thì khi em nhìn thấy ai viết chữ đẹp đều vô cùng thiện cảm, và viết đẹp đều phải học không tự nhiên có", anh Minh Trí viết. 

Một giáo viên có tên Nguyên Kan cũng nói rõ điểm cá nhân về việc ưa thích con chữ đẹp. Bản thân chị là giáo viên nên luôn cảm thấy việc học trò viết chữ đẹp là một ưu điểm cực lớn, bởi: "Nhiều khi chấm bài cả trăm sinh viên mà chữ xấu đều, khổ tâm cho người chấm lắm ạ. Thực sự khổ tâm. Bài lúc còn cấp 1, 2 đơn giản không nói làm gì. Lên tới cấp 3, đại học, bài viết dài mà chữ không đọc nổi thì thiệt thòi lắm. Cho nên ai luyện được chữ đẹp cứ luyện, em ủng hộ".

Một phụ huynh khác cũng lên tiếng ủng hộ việc con trẻ nên được rèn giũa chữ viết từ sớm, có thể con viết không đẹp nhưng chắc chắn là không xấu, lại còn sạch sẽ và dễ đọc. "Giống như con người vậy, sinh ra xấu đẹp do tạo hóa do gen, nhưng sạch sẽ gọn gàng lịch sự thì chắc chắn là do bản thân mình rồi", Hoa Mai bình luận. 

Những ý kiến đồng tình...

Anh Nguyễn Đức Hùng - phụ huynh có con gái đang học trường Quốc tế ở Việt Nam cho biết, trường học này cũng không chú trọng việc rèn chữ, vở cũng không có dòng kẻ hay chia ô để viết cho đều, đặc biệt con thích viết bút màu gì cũng được. Sau một thời gian quan sát, anh Hùng nhận thấy con gái mình đã tự sắp xếp đâu vào đấy và chữ viết theo anh đánh giá là khá đẹp, cá tính. 

Phụ huynh Camna Ngo đưa ra dòng bình luận: "Viết được chữ đẹp là tốt không ai phê phán nhưng nếu nếu lấy chữ đẹp và phải viết tay phải là một thước đo thành tích học và dạy để đến mức giờ nghỉ trưa cô giáo và học trò đều không ngủ mà còn cố ép nhau ngồi luyện thì em không đồng ý".

Một tài khoản Facebooker có tên Nàng Mây chia sẻ, bản thân chị không đặt nặng chữ xấu hay đẹp, miễn sao là người đọc họ đọc được. 

"Bên EU quả thật có những người mình không đọc nổi họ viết cái gì. Một lần em giúp ba chồng phân loại tài liệu của khách hàng mà mình không hiểu họ viết gì. Còn tốc ký viết cho bản thân đọc thì sao cũng được. Tóm lại, hình thức không quan trọng, nhưng nói hay viết thì người nghe đọc hiểu là được", thành viên này chia sẻ. 

"Mình cũng đồng ý kiến, con rèn mà không được thì thôi, không bắt nhưng không thể để kiểu buông thả, viết cho xong chuyện. Căn bản không phải cái chữ, mà là thái độ khi viết chữ (có cẩn thận, có tập trung và nghiêm túc làm việc đó không)", Van Yengra chia sẻ. 

Không một nền giáo dục nào khuyến khích các con cẩu thả...

Trước 2 luồng tranh cãi trái chiều nhau, thậm chí có nhiều ý kiến gay gắt phản bác bài viết của nhà báo Trương Anh Ngọc, một bộ phận dư luận khác lại nhìn nhận bài viết ở góc độ khách quan hơn.

Theo chị Quỳnh Lê Boissez: "Phần lớn mọi người vẫn nhầm lẫn khái niệm nên mình cũng muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm bên này. Không ai khuyến khích các con thói cẩu thả cả, chỉ là không cần thiết bắt trẻ mất thời gian trong việc luyện chữ. Thời gian đó để làm những việc sáng tạo hơn, cắt, dán, vẽ, đọc sách, âm nhạc, thể thao, hay đơn giản để thời gian cho các con vui chơi. 

Trước đây, Việt Nam dùng chữ Hán, chữ tượng hình thì phải luyện vì sai một phẩy, một gạch là không đọc nổi, lại liên quan tới thư pháp. Còn chữ phổ cập hiện nay thì chỉ cần viết rõ ràng, sạch sẽ là được rồi. Nên coi trọng thông điệp, sự sáng tạo trong bài viết của các con, thay vì "nhan sắc" của chữ".

Đỗ Nam: "Ưu điểm của châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu chính là giáo dục. Có thể nói, sai lầm trong giáo dục Việt Nam là giáo dục áp đặt thì Bắc Âu trở thành tiêu chuẩn để ngay cả Mỹ hay Úc học tập. Các quốc gia áp dụng giáo dục không bài tập về nhà, chơi nhiều bằng thời gian học khi ở trường, không mắng hay áp đặt lại đứng Top 10 quốc gia có lao động có chuyên môn nhất, và đương hiên, thu nhập cũng ở mức tương tự.

Câu chuyện chữ đẹp hay viết tay phải chỉ là những mẩu ghép nhỏ trong hành trình hình thành nhân cách trẻ. Có thể hiểu quan điểm "vở sạch chữ đẹp" lại nhận được nhiều sự đồng thuận. Tuy nhiên, có 1 điều mà họ luôn phải khắc phục ở con em mình, chính là sự tự tin".

Toàn Dương: "Tôi nghĩ bài này chỉ phân tích ở một hiện tượng trong dạy trẻ, chẳng nhẽ họ không dạy trẻ thế nào là đẹp, chữ thế nào là đẹp và cần phải đẹp? Giáo dục trẻ cần quá trình và phương pháp phù hợp mà cốt lõi là tôn trọng bản thể và khêu gợi phát triển khả năng tốt nhất. Nền giáo dục của họ đang làm!"

Chia sẻ

Bài viết

Phương Linh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất