Học đường

Một cô giáo tự nhận là người buộc học sinh viết cam kết không thi lớp 10

Theo Thanh Hùng/VietNamNet
Chia sẻ

Chị Nguyễn Cao Phương Thảo – giáo viên Tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - tự nhận mình là người buộc học sinh viết cam kết không thi lớp 10.

Theo lời cô Thảo, 23 năm công tác trong nghề, hiện đang dạy lớp 9 ở Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, cô Thảo rất quan tâm đến thông báo của Bộ GD-ĐT về vấn đề đang nóng rẫy những ngày qua: “Nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên. Nếu có thông tin và minh chứng về nội dung này, đề nghị các vị phụ huynh và người dân gửi về Bộ GD-ĐT”. 

Cô Thảo cho biết: “Tôi cũng rất muốn các cơ quan báo chí đến trường tôi để làm việc. Vấn đề ở đây không chỉ là bệnh thành tích của nhà trường, của địa phương, của Bộ GD-ĐT, mà còn là của chính các bậc phụ huynh”. 

Cô Thảo trình bày: theo Quyết  định số 11/2006/QĐ-BGD&ĐT, học sinh yếu không được công nhận tốt nghiệp THCS trừ một số trường hợp thuộc diện chính sách, khuyến khích; vì thế, học sinh yếu không thể thi lớp 10. 

“Mỗi năm đến mùa xét tốt nghiệp, tư vấn tuyển sinh lớp 10, giáo viên vô cùng vất vả với những học sinh có học lực yếu. Các em này cũng thường có hoàn cảnh khó khăn. Giáo viên không nỡ để các em rớt tốt nghiệp, nhưng cho gỡ điểm để được công nhận tốt nghiệp càng bất cập bởi các em yếu cùng lúc nhiều môn, không đủ lực học lên bậc THPT. Trong khi đó, phụ huynh các em thường xuyên đeo bám giáo viên để xin cho con em được tốt nghiệp với lời hứa sẽ cho con em đi học nghề hoặc thi vào bán công. Họ khóc lóc, họ năn nỉ, họ cam kết; tuy nhiên; ngay sau khi con em được cho gỡ điểm, được công nhận tốt nghiệp, phụ huynh lại quay ra mua hồ sơ, nộp đơn cho con em thi lớp 10. Nếu giáo viên chủ nhiệm nào gợi lại lời cam kết trước đó, phụ huynh thường phản ứng tiêu cực, trách móc nặng nhẹ với giáo viên, dọa kiện cáo, đưa tin cho báo chí viết bài phê phán. Do không có bất kỳ quy định nào được từ chối nhận đơn thi tuyển lớp 10 của đối tượng đã được công nhận tốt nghiệp THCS, giáo viên chủ nhiệm đành im lặng nhận đơn bổ sung danh sách”. 

Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở đó. “Sau đợt tuyển sinh, Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT đưa số liệu thống kê tỷ lệ học sinh đỗ vào trường công lập và lấy đó làm một cơ sở  đánh giá thi đua các trường. Nếu thứ hạng tụt xuống, Hiệu trưởng bị cấp trên phê bình, đến lượt mình, Hiệu trưởng lại họp hội đồng sư phạm, trách móc giáo viên không làm tốt công tác hướng nghiệp”.

Một cô giáo tự nhận là người buộc học sinh viết cam kết không thi lớp 10 Ảnh 1
Ảnh minh họa

Không chấp nhận tình trạng phụ huynh “phũ phàng quay xe”, cũng như không muốn chung sống mãi với bệnh thành tích, cô Thảo cho hay, bản thân đã quyết tâm ứng xử “cứng rắn” từ năm học 2020 – 2021. Với trường hợp học sinh yếu, có nguy cơ không được công nhận tốt nghiệp; cô Thảo rà soát điểm số cả 3 môn Văn, Toán, Anh (3 môn thi tuyển sinh lớp 10). Nếu học sinh chỉ bị yếu ở môn Tiếng Anh của mình, cô Thảo sẵn sàng phụ đạo, tạo điều kiện cho học sinh gỡ điểm. Nếu học sinh yếu cả 3 môn, cô tham gia làm công tác tư tưởng sớm cho học sinh, giúp các em hướng nghiệp theo sở thích, năng lực và điều kiện của mình; hoặc hướng dẫn các em đăng ký vào các trường bán công, tư thục – nơi lấy điểm đầu vào thấp hơn các trường công lập, đồng thời luôn lưu ý mức học phí trường tư để phụ huynh cân nhắc, ưu tiên chọn lựa trường nghề. Trường hợp này cô Thảo sẽ buộc phụ huynh cam kết không để con em thi lớp 10 công lập trước khi cho gỡ điểm. 

“Mỗi một học sinh thi đậu vào lớp 10 công lập đều là niềm tự hào của giáo viên, chúng tôi coi như là thành công của chính mình, vì vậy, không thể có chuyện giáo viên ép uổng học sinh có năng lực thi trường bán công vì “hoa hồng tuyển sinh” được. Chỉ có học sinh yếu, rớt tốt nghiệp mới phải cam kết khi muốn gỡ điểm”, cô Thảo phản ánh. 

Cũng theo cô Thảo; trong tư vấn tuyển sinh, giáo viên luôn hướng dẫn cho học sinh lựa chọn nguyện vọng một cách cẩn thận. 

“Giáo viên là người dạy, hơn ai hết, họ có thể đánh giá chính xác năng lực học sinh. Phải chăng sự nhiệt tình tư vấn, trách nhiệm hướng nghiệp của giáo viên đang bị phụ huynh hiểu lầm thành ép uổng học sinh?” 

Nói đến hướng nghiệp, cô Thảo cũng cho biết, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” nêu rõ: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. 

“Khi giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là đối với học sinh yếu có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên chúng tôi xem các em như con của mình để nói lên tấm lòng người mẹ, luôn mong muốn điều tốt đẹp cho các con. Giải pháp học nghề rõ ràng có ích trước hết cho chính các em, cho gia đình các em. Chúng tôi hướng dẫn các em một con đường vào đời ngắn hơn, nhanh hơn, ít tốn kém hơn, đỡ mất thời gian hơn và phù hợp với năng lực các em hơn thì có gì sai?” 

Theo nữ giáo viên này, lâu nay phụ huynh vẫn thường kêu ca bệnh thành tích của Bộ GD-ĐT, nhưng chính họ cũng đang “nhiễm bệnh” này một cách trầm trọng. 

“Phụ huynh luôn lên án những con số đẹp trong các báo cáo của ngành giáo dục trong khi bản thân họ không chịu chấp nhận những khuyết thiếu của con em mình, không sẵn sàng chọn lựa những phương án thay thế lớp 10 công lập bất chấp phương án thay thế ấy hoàn toàn đúng đắn, tốt đẹp”, cô Thảo nói. 

“Từ đầu học kỳ II năm học này, tôi đã công khai với học sinh điều kiện phải cam kết không thi lớp 10 nếu muốn gỡ điểm yếu để được công nhận tốt nghiệp. Tôi muốn đấu tranh tận cùng về vấn đề này. Phụ huynh không thể đòi hỏi chúng tôi làm quá nhiều thứ cho riêng cá nhân họ, vừa muốn giáo viên nâng đỡ con em mình tốt nghiệp, vừa “ép” giáo viên phải nhận đơn thi lớp 10 của một học sinh yếu kém. Chính sự ảo tưởng, sĩ diện của phụ huynh đã gây ra áp lực học tập nặng nề cho con em mình cùng những câu chuyện trầm cảm, tự tử đau lòng. Tôi thường xuyên nhận được những tâm thư buồn của học sinh về việc này. Tôi muốn nói với các bậc phụ huynh rằng, xin vui lòng chấm dứt thói ảo và sĩ, thay vào đó, hãy trung thực hợp tác với nhà trường để tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất cho con em mình”; cô Thảo thẳng thắn.  

'Nhà trường không chỉ đạo'

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Anh Đồng, Hiệu trường Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho hay, hiện nay, lớp 9 trên toàn TP Đà Nẵng chưa dự thi vào lớp 10 năm nay. Theo ông Đồng, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đã quán triệt các trường thực hiện theo các văn bản hướng dẫn. Nhà trường chỉ khuyến cáo tư vấn cho các học sinh, để các em lựa chọn vào đúng các trường phù hợp năng lực. 

“Nhà trường không có chỉ đạo việc này. Chắc giáo viên đưa ra giải pháp như thế để ràng buộc học sinh tập trung, tự giác học tập, chứ không ai chỉ đạo việc vào học nghề. Nhà trường chỉ tư vấn, hướng nghiệp cho các em. Em nào thấy không đủ khả năng thi lớp 10 thì có thể học nghề, hoặc tư vấn cho các em chọn trường cho đúng năng lực”, ông Đồng khẳng định.

Chia sẻ

Theo

Thanh Hùng/VietNamNet

Tin mới nhất