Học đường

Loạt bài dưới điểm 1 thổi bùng nghi vấn việc can thiệp gian lận điểm đã được chuẩn bị từ trước

Linh Chi (tổng hợp)
Chia sẻ

Với trường hợp thí sinh có 3 môn thi dưới điểm liệt, nhiều ý kiến cho rằng thí sinh đã chủ động để trống đáp án để dễ dàng cho việc can thiệp nâng điểm.

Liên quan vụ gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 gây chấn động, các bậc phụ huynh nói không hề biết hay có tác động gì đến việc nâng điểm. Trước lý do này, một số cho rằng những thí sinh được nâng điểm cũng chỉ là nạn nhân của người lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này là vô lý và việc gian lận được chuẩn bị tinh vi trước khi học sinh đi thi.

Trong các thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình được nâng điểm, nhiều em có điểm chấm thẩm định từ 1 trở xuống (điểm liệt), thậm chí có em cả 3 bài thi đều bị điểm liệt.

Trước thực tế trên, trao đổi với VnExpress, thầy giáo Trần Phương - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng, cho rằng, việc bị điểm liệt ở bài thi trắc nghiệm với 40 câu như đề thi THPT Quốc gia có thể xảy ra, dù xác suất thấp.

Nhiều nghi vấn đặt ra rằng, thí sinh chủ động không, hoặc tô rất ít vào phiếu trắc nghiệm để dễ dàng trong việc can thiệp. Với bốn phương án trả lời trong bài trắc nghiệm, việc đạt điểm dưới 1 không dễ.

Danh sách thí sinh được sửa điểm ở Sơn La. Ảnh: Dân Trí

Theo đó, có 2 khả năng dẫn đến bị điểm liệt trong bài thi trắc nhiệm.

Trường hợp thứ nhất: thí sinh có học lực yếu, tô đáp án lung tung theo kiểu may rủi và chỉ đúng 4 câu trở xuống.

Thầy Phương cho rằng việc thí sinh chỉ cần chọn ngẫu nhiên 1 trong 4 đáp án của 40 câu trắc nghiệm chắc chắn trung bình được 2,5 điểm là “hoang đường”. Bởi nếu thí sinh tô lung tung, không chọn cố định một đáp án thì nhiều khả năng bị dưới 2,5.

Thông thường, tỷ lệ phân bố câu trả lời ở mỗi phương án là 25% và thực tiễn có thể dao động từ 20% - 30%. Như vậy, nếu không biết gì mà chọn trung thành một phương án, thí sinh sẽ được từ 2 đến 3 điểm.

Tuy nhiên, cách làm chiến thuật để chống điểm liệt này không phù hợp với thí sinh thi xét tuyển đại học bởi mục đích thi tuyển sinh trắc nghiệm nhằm tuyển chọn học sinh khá, giỏi.

Phụ huynh thí sinh là quan chức liên quan vụ việc gian lận điểm thi THPT. Ảnh: Tuổi Trẻ

Trường hợp thứ 2: thí sinh chủ động không điền đáp án để dễ dàng cho việc can thiệp điểm số. Trước nghi vấn này, thầy Phương cho rằng, suy đoán này khá hợp logic, tuy nhiên, không có căn cứ để khẳng định điều này khi cơ quan điều tra chưa xác minh cụ thể.

TS Nguyễn Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách công và Quản lý, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc phụ huynh không biết con được nâng điểm là vô lý bởi việc này có thể đã được chuẩn bị trước khi học sinh đi thi.

Theo TS. Cường, muốn được dưới 1 điểm, chỉ được phép đúng đối đa 3 câu. Cụ thể, xác suất để đúng tối đa 3 câu là 0.0047, xác suất để bị điểm 0 khoảng 0,00001006.

Một số thí sinh được điểm cả 3 bài thi dưới 1 điểm, xác suất xảy ra chuyện này khoảng 1 phần 10 triệu. Có thí sinh được 2 điểm 0, mà xác suất để xảy ra là 1 phần 10 tỷ. Có nghĩa là bắt cả thế giới này đi thi trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên thì cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm 0.

Còn ở mấy tỉnh với vài chục nghìn học sinh lại xuất hiện thí sinh có 2 điểm 0. Từ đó cho thấy, có thể học sinh đã chủ động không tô đáp án để việc gian lận sau khi thi dễ dàng hơn.

Cũng theo chuyên gia này, những học sinh chủ động để trống đáp án biết họ sẽ được nâng điểm. Thí sinh biết được điều này thì không thể có chuyện cha mẹ không biết.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi (tổng hợp)

Tin mới nhất