Học đường

Hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học: Điểm chuẩn năm nay thế nào?

Theo Infonet
Chia sẻ

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ngày 20/8, có 325.716 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống, chiếm 34,6% trên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Đến 17h ngày 20/8, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, tổng hợp dữ liệu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là 941.759.

Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.522. Tổng số lượng nguyện vọng: 3.098.730. Số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh: 5.03.

Theo thống kê này, đã có 325.716 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống, chiếm 34,6% trên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Theo quy định, từ ngày 21/8 đến 17 giờ ngày 28/8/2022, thí sinh thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Đây là năm đầu tiên tổ chức thu lệ phí theo hình thức này, để tránh các rủi ro về kỹ thuật (nếu có), thí sinh không để đến sát thời gian hết hạn mới thực hiện nộp lệ phí. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào đại học (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia với 15 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước).

Để đảm bảo việc nộp lệ phí đăng ký xét tuyển vào đại học của thí sinh diễn ra an toàn, thông suốt, tránh lượng lớn truy cập đồng thời gây quá tải hệ thống, Bộ GD&ĐT phân chia lịch mở hệ thống thanh toán theo các tỉnh/thành (dựa trên phiếu đăng ký của thí sinh). Trước 17 giờ ngày 30/9/2022, tất cả thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống.

Hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học: Điểm chuẩn năm nay thế nào? Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Vì sao sát hạn cuối đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vẫn có tới 1/3 số thí sinh chưa nhập nguyện vọng?

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, việc còn tới hơn 1/3 số thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển không phải do các em chờ "nước đến chân mới nhảy", mà đây là tình trạng ảo trong tuyển sinh đại học.

"Có thể nói, con số hiện nay mới là ảo "tập 1". Có nghĩa là các thí sinh đăng ký tài khoản cá nhân để đăng ký xét tuyển, nhưng bỏ cuộc sớm bằng việc không khai báo nguyện vọng. Nhưng số thí sinh "ảo tập 1" lên đến 35% thì hơi "khủng".  Còn tiếp tục "ảo tập 2" là có đăng ký nguyện vọng trên hệ thống nhưng sẽ không đóng phí xét tuyển trong 10 ngày tới", TS Tùng nói.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì cho rằng, cần chờ số liệu thống kê cuối cùng của Bộ GD&ĐT để đưa ra đánh giá. Thực tế, Bộ GD&ĐT đã liên tục nhắc nhở, thậm chí cảnh báo tới tận các trường THPT để yêu cầu nhắc nhở thí sinh về hạn cuối đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng là 17h ngày 20/8.

Tuy nhiên, theo ông Điền, nếu số liệu thống kê còn nhiều thí sinh chưa nhập nguyện vọng là đúng thì có thể rất nhiều thí sinh không đăng ký trên Hệ thống vì các em đã tìm được một hướng học tập khác.

"Ví dụ, nhiều em đã lựa chọn theo học các trường đào tạo nghề nghiệp, hệ thống trường cao đẳng nghề", PGS Nguyễn Phong Điền nói.

Nói về dự đoán điểm chuẩn năm nay, TS Lê Đình Nam - Phó trưởng Phòng Tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự đoán, điểm chuẩn năm nay và năm ngoái thay đổi không nhiều, nhìn chung có một số ngành có thể tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ, nhưng không có nhiều đột biến.

PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho hay: "Dự kiến điểm chuẩn các trường năm nay sẽ biến động chủ yếu của các khối ngành ''hot'' như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Kỹ thuật điều khiển tự động, với mức điểm có thể tăng nhẹ 0,5 - 1 điểm. Các khối ngành khác không biến động nhiều hoặc có thể bằng năm trước".

Chia sẻ

Theo

Infonet

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất