Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Học sinh, nhà trường lo lắng về xét tuyển sớm, Bộ GD&ĐT làm rõ

Sức khỏe & Đời sống Theo dõi Saostar trên google news

Thông tin xét tuyển sớm của Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học đang gây ra các cách hiểu khác nhau khiến cả cơ sở đào tạo và người học đều lo lắng.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Tại Dự thảo, Bộ GD&ĐT quy định, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Cũng theo dự thảo, cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo.

Học sinh, nhà trường lo lắng về xét tuyển sớm, Bộ GD&ĐT làm rõ Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).

Thông tin xét tuyển sớm của dự thảo quy chế đang khiến cả cơ sở đào tạo và người học đều lo lắng. Đa số ý kiến cho rằng, "xét tuyển sớm" là các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét chứng chỉ quốc tế hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên, xét tuyển sinh đặc thù,... Có đại diện cơ sở đào tạo lo ngại rằng với quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% chỉ tiêu ngành, nhóm ngành thì 80% chỉ tiêu còn lại phải xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Học sinh cũng bày tỏ băn khoăn về việc không có nhiều cơ hội trong các phương thức xét tuyển khác.

Trả lời về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, "xét tuyển sớm" và "phương thức xét tuyển" là khác nhau.

"Xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Chỉ có điều về mặt thời gian của xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà thôi".

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, các trường và người học đang bị nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh. Không có phương thức nào được gọi là "phương thức xét tuyển sớm" vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển.

Do hiểu nhầm rằng chỉ có kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển "riêng" (mà không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên các trường lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu. Cũng vì hiểu chưa đúng, thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…

"Thí sinh không cần lo lắng bởi dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, các em vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.

Học sinh, nhà trường lo lắng về xét tuyển sớm, Bộ GD&ĐT làm rõ Ảnh 2
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024.
 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, từ 2 năm nay, Bộ GD&ĐT đã cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng, đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Do đó, Dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường.

Ngoài ra, quy định "điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở đợt xét tuyển chung" trong Dự thảo nhằm hướng đến đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào của tuyển sinh và chất lượng đào tạo ở bậc đại học.

"Do vậy, thí sinh có thể yên tâm và tự tin, tiếp tục nỗ lực hết sức, học tập và ôn tập thật tốt, dù đang định hướng theo phương thức xét tuyển nào để có kết quả cao nhất trong năng lực của mình. Các em sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng để vào được trường và ngành mà mình yêu thích", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Sức khỏe & Đời sống

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
ADOR đệ đơn kiện NewJeans