Học đường

Hết lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc, Trung tâm môi giới việc làm 'dởm' còn lật lọng, hành hung sinh viên

Yến Nguyễn (Tổng hợp)
Chia sẻ

Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo các Trung tâm gia sư "dởm", các công ty đa cấp ngày càng hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn. Nếu không cẩn thận, các bạn sinh viên sẽ vô tình trở thành "miếng mồi béo bở" cho các đối tượng này.

Đã không có việc, còn bị hành hung

Mới đây, dư luận vô cùng phẫn nộ và bức xúc bởi vụ việc nữ sinh H.G (SN 1998, sinh viên năm 2 một trường ĐH tại Hà Nội) bị giám đốc trung tâm gia sư có địa chỉ tại ngõ 155, đường Cầu Giấy “ăn chặn” tiền và hành hung, đánh đập.

Theo đó, cách đây 1 tháng, H.G đến đăng ký và nộp khoản phí 480.000 đồng cho trung tâm gia sư nói trên. Theo cam kết, nếu hơn 1 tháng trung tâm không tìm được lớp ưng ý cho nữ sinh thì sẽ phải hoàn lại tiền phí. Tuy nhiên, quá thời hạn mà vẫn chưa được sắp xếp công việc, nữ sinh G. đến đòi lại tiền thì bị giám đốc trung tâm gia sư hành hung và dọa giết.

Nữ sinh G. bị hành hung. Ảnh: Công an TP.HCM

Trao đổi với báo Công an, nữ sinh G. cho biết: “Em ký hợp đồng, sau đó khoảng 1 tuần, họ giao cho em số điện thoại của một phụ huynh tên Thúy, nhưng không cung cấp bất cứ địa chỉ nào. Khi em gọi điện cho chị Thúy thì đây là địa chỉ ảo. Thậm chí chị này còn mắng em là gia đình không có nhu cầu tìm gia sư”.

Tiếp tục, ngày 12/4, trung tâm gia sư này nhắn tin cho nữ sinh G. ngày hôm sau đến làm việc. Nếu không đến coi như mất tiền lớp này và thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, khoảng 12 giờ ngày 13/4, G. đến nhận việc thì trung tâm trả lời lớp đó đã giao cho bạn khác. Sau khi chờ 15 phút, người đàn ông tên Thái về. Người này đóng cửa lại và yêu cầu bạn đi cùng với chị G. ra bên ngoài để hai bên làm việc.

“Người này đuổi bạn em ra vì bạn em không ký hợp đồng nên không liên quan. Nhưng bạn em biết trung tâm này có vấn đề nên vẫn ở lại, thì bị anh ta đấm chảy máu miệng. Sau đó bạn em chạy ra ngoài để gọi mọi người, còn em ở lại tiếp tục bị tát nhiều cái vào mặt em, bạn em chạy vào lôi em ra”, G. thuật lại.

Người bạn của G. bị chủ Trung tâm gia sư hành hung. Ảnh: VOV

Chưa dừng lại, người đàn ông chủ trung tâm đã bảo vợ cầm dao ra để dọa giết nữ sinh. “Chúng mày vào đây tao giết chết, sau đó vợ anh ta cầm con dao ra, anh ấy phi thẳng về phía bọn em nhưng chỉ phi lên mặt bàn thôi. Bọn em sợ quá chạy ra ngoài, hàng xóm giúp bọn em gọi công an”, nữ sinh hoảng loạn kể lại.

Không những vậy, sau đó, một số thanh niên xăm trổ ngông nghênh đe dọa hai nữ sinh. Các thanh niên này dọa rằng đã biết địa chỉ gia đình nên sẽ cho người đến giải quyết. Hành vi đánh đập dọa giết của trung tâm gia sư đã khiến cô hoảng loạn trong thời gian dài. Hiện vụ việc đã được nữ sinh trình báo Công an P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy.

Chiêu thức lừa đảo tinh vi

Trên thực tế, đây không phải là vụ việc đầu tiên các sinh viên bị các Trung tâm gia sư lừa đảo và hành hung. Trước đó, đầu tháng 4/2016, phóng viên Tuổi Trẻ vừa lật tẩy những thủ đoạn lừa đảo của các Trung tâm gia sư khác tại Hà Nội như: Trung tâm Sư phạm giỏi (tòa nhà số 335 Cầu Giấy, P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy); Trung tâm gia sư Sư phạm Hà Nội (ngõ 79 Dương Quảng Hàm, P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy); Trung tâm gia sư ở ngõ 161 Hoa Bằng (Q.Cầu Giấy).

Chiêu thức lừa đảo của các Trung tâm này hầu như đều giống nhau, với những lời tư vấn hấp dẫn với sinh viên như: “lương cao, đi làm ngay, không đòi hỏi kinh nghiệm, được đào tạo tại chỗ…, các bạn sinh viên sẽ bị “lóa mắt” mà nhanh chóng ký vào hợp đồng. Song mỗi sinh viên muốn đăng ký nhận việc đều phải đóng từ 200.000 - 500.000 đồng tiền thủ tục hoặc “thế chân”.

Tuy nhiên sau khi đóng tiền “thế chân”, các bạn sinh viên sẽ được nhân viên đưa cho 1 địa chỉ “ma”, khi tìm đến nơi, gọi theo số điện thoại thì không ai bắt máy. Khi trở lại Trung tâm để đòi lại tiền cọc sẽ bị chủ trung tâm dở trò, chửi bới, hành hung.

Thậm chí, nếu các bạn sinh viên được gọi đi làm, chỉ trong 1,2 ngày sẽ bị cho nghỉ ngang vì lý do rất trời ơi đất hỡi hoặc tệ hơn nữa là các bạn ấy bị chèn ép, bị lợi dụng hoặc sàm sỡ ngay nơi làm việc để phải tự rút lui.

Rất nhiều cảnh báo nhưng các bạn sinh viên vẫn mắc bẫy

Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook có rất nhiều trang, nhóm cảnh báo “danh sách đen” các công ty lừa đảo việc làm cho sinh viên: Những trò lừa đảo sinh viên cần biết, Hội anti công ty X, Vạch mặt các công ty lừa đảo, Tẩy chay đa cấp lừa đảo…

Trên fb có hẳn 1 trang dành riêng chỉ rõ các địa chỉ Trung tâm gia sư lừa đảo tại Hà Nội

Kiểu đăng tin tuyển dụng này cũng là 1 chiêu thức lừa đảo nhằm đánh vào tâm lý của các bạn sinh viên “nhẹ dạ cả tin”.

Thông tin tuyển dụng giả mạo.

Thậm chí, sinh viên bán hàng rong cũng là một trong những chiêu thức lừa đảo sinh viên của các công ty đa cấp.

Theo đó, khi tham gia vào chương trình học giải pháp việc làm của công ty Dfree, những sinh viên năm nhất, năm 2 của các trường đại học tại Hà Nội bắt buộc phải kiếm được số tiền như đã thỏa thuận trong hợp đồng bằng cách… bán hàng rong. Với những lời hứa hẹn như sở hữu 49% lợi nhuận sau 5 năm cống hiến không công, nhiều bạn trẻ đã phải làm việc cật lực và kiếm được hàng trăm triệu đồng cho công ty.

Giám đốc của Công ty Dfree là Vũ Đức Dũng, vị giám đốc tự xưng này bắt các bạn sinh viên kí các loại hợp đồng từ 5 triệu đến hàng chục triệu đồng để vừa học vừa đi bán hàng rong trả học phí với lời hứa sau 5 năm đi làm không lương, các bạn sinh viên sẽ được hưởng 49% lợi nhuận. Trái lại, nếu tiết lộ thông tin cho người có thẩm quyền hoặc vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt 100 triệu đồng - một con số khổng lồ với các bạn sinh viên.

Vũ Đức Dũng người tự nhận mình là CEO của Dfree.

Thế nhưng kết quả nhận được chỉ là tình trạng học tập sa sút, nhiều trường hợp đã phải bỏ học giữa chừng để đi làm, chỉ vì “trót” kí hợp đồng 5 năm, trong đó có điều khoản chịu phạt 100 triệu đồng nếu phá vỡ hợp đồng khiến bất kì bạn sinh viên nào cũng ngao ngán và lo sợ.

Một bạn sinh viên nữ hiện đang bán hàng rong sau khi “trót dại” ký hợp đồng với Công ty Dfree cho biết: “Nếu em không đạt được số tiền đặt mục tiêu trước đó, thầy Dũng sẽ sai một bạn sinh viên khác ra đánh em, thầy ấy nói rằng một người thầy giáo đánh một đứa sinh viên thì sẽ có vấn đề nhưng một đứa sinh viên đánh một đứa sinh viên thì sẽ không có vấn đề gì hết”.

Làm thế nào để không sập bẫy các công ty đa cấp lừa đảo?

Có thể thấy, chiêu thức hoạt động của các Trung tâm gia sư “dởm”, các công ty đa cấp hòng lừa đảo các bạn sinh viên ngày càng tinh vi, nhiều hình thức. Chính vì thế, khi các bạn nhận được những lời mời hấp dẫn thì hãy tìm hiểu thật kỹ. Ai cũng có lòng tham nhất định nhưng sự khác biệt là mình có để lòng tham lấn át ý trí hay không.

Ngoài ra, cũng nên thường xuyên tìm đọc các văn bản pháp luật Việt Nam, trong đó có quy định cụ thể về những hình thức lừa đảo. Tham khảo ý kiến của những người đi trước và nắm vững một vài đặc điểm dễ nhận biết của công ty đa cấp lừa đảo: Bắt phải đóng phí khi tham gia, hoặc buộc mua hàng mới được ký hợp đồng; Chỉ cần mua một lần sẽ được nhận tiền mãi mãi (điều này hoàn toàn ngược lại quy luật kinh doanh nên chỉ có thể là lừa đảo); Sản phẩm không có hoặc không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ; Luôn luôn chỉ nói về tiền, lợi nhuận, làm giàu; Tiền bạn có được không phải của người tiêu dùng thực sự mà từ việc lôi kéo được bao nhiêu người vào; Dễ làm mà giàu nhanh, thậm chí không làm vẫn giàu.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất