Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi

Lê Văn Phúc (SN 2002, quê Gia Lai), hiện đang là sinh viên khoa Địa lý học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Nhắc đến Văn Phúc, nhiều bạn trẻ không khỏi trầm trồ ngưỡng mộ bởi một nam sinh tài năng và nhiệt huyết với công việc thiện nguyện.

Lập nhóm thiện nguyện khi mới 16 tuổi vì đau đáu bởi câu hỏi "Người trẻ làm được gì?"

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 1
Nam sinh Lê Văn Phúc

Khi chỉ mới 16 tuổi, đang là học sinh THPT, Lê Văn Phúc đã đứng ra thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky, quy tụ các bạn học sinh, sinh viên cùng làm thiện nguyện.

"Từ bé, mình đã có cơ hội tham gia các chuyến thiện nguyện cùng gia đình tại các bệnh viện hay mái ấm tình thương. Bản thân mình lại sinh ở Gia Lai, nơi này có nhiều hoàn cảnh khó khăn. Qua quá trình làm thiện nguyện cùng gia đình, thấu hiểu sự vất vả của họ, mình càng muốn giúp đỡ những hoàn cảnh này nhiều hơn.

Thời điểm đó, mình cũng luôn đau đáu bởi câu hỏi: "Người trẻ có làm được gì không?" Bởi lẽ, nhiều người vẫn hay nghĩ các hoạt động thiện nguyện chỉ dành cho những người có điều kiện hay các bác lớn tuổi, còn với những người trẻ như mình thì nhiều người tỏ ra nghi ngờ, rằng chúng mình không làm gì đến nơi đến chốn. 

Từ sự trăn trở của bản thân, mình đã quyết định thành lập Fly To Sky - nơi gắn kết và tạo môi trường cho những bạn trẻ yêu thích hoạt động thiện nguyện", Phúc chia sẻ. 

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 2

Phúc cũng thừa nhận rằng, việc thành lập Fly To Sky ở độ tuổi 16 là rất liều lĩnh. Theo Phúc, thời điểm đó, Phúc chưa từng tham gia một đội nhóm tình nguyện nào, cũng chưa biết đến các hoạt động phong trào xung quanh mình được tổ chức và vận hành ra sao... Tuy nhiên, từ niềm đam mê làm thiện nguyện của bản thân, Phúc vẫn muốn xây dựng cho mình một hệ thống có thể làm thiện nguyện lâu dài, bền vững. 

"Những ngày đầu tiên khi bắt đầu công tác thiện nguyện, thực sự mình cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Khi đó, mình đã nhắn tin cho rất nhiều các anh chị từng làm thiện nguyện trước đó, hỏi các anh chị ấy "đường đi nước bước" để có thể thực hiện dự án cho riêng mình. May mắn mình đã nhận được rất nhiều sự tin tưởng và hỗ trợ từ các anh chị", Phúc nói. 

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 3

Theo Phúc, hiện tại, số lượng thành viên chính thức của Fly To Sky tại TP.HCM và Gia Lai là 200 người. Đối với tình nguyện viên trên khắp cả nước, Fly To Sky có khoảng 6.700 thành viên, trong số này, hầu hết các bạn đều là học sinh THPT. 

Vì các thành viên nhóm chủ yếu là học sinh, sinh viên nên để đảm bảo cân bằng giữa việc học và thời gian tham gia các hoạt động xã hội, việc sắp xếp thời gian tổ chức rất quan trọng. “Làm sao đảm bảo việc tham gia thiện nguyện thường xuyên quanh năm, trở thành thói quen của người trẻ chứ không chỉ dừng lại phong trào, nhất thời nhưng vẫn đảm bảo việc học”, Phúc chia sẻ.

27 dự án, hơn 150 chương trình, trên 20 tỉnh/thành phố, trên 12 tỷ đồng kinh phí...

Đây là những con số mà Phúc và Fly To Sky đã thực hiện được suốt những năm tháng làm thiện nguyện vừa qua. Cụ thể, tính đến hiện tại, Phúc cùng Fly To Sky đã thực hiện 27 dự án lớn nhỏ với hơn 150 chương trình trải dài trên 20 tỉnh/thành phố, tổng kinh phí lên đến gần 12 tỷ đồng.

Với Phúc, mỗi chuyến đi cùng Fly To Sky là một trải nghiệm không bao giờ quên. "Bản thân mình sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, cũng ở khu vực miền núi. Thế nhưng, khi mình có dịp ra các tỉnh miền núi phía Bắc, mình lại được trải nghiệm cuộc sống rất khác với cuộc sống ở quê nhà. Trên hành trình làm thiện nguyện ấy, mình hiểu nhiều hơn về cuộc sống, con người ở những nơi mình từng đi qua. Bên cạnh đó, mình cũng nhìn thấy được họ đang thiếu gì, cần gì, từ đó mình sẽ có kế hoạch phù hợp để giúp đỡ", Phúc chia sẻ.

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 4

Trong số các dự án thiện nguyện mà nhóm đã thực hiện, chương trình "Đổi sách lấy cây" là một hoạt động thường niên được nhóm khởi xướng và phát triển kể từ năm 2019. Theo đó, chương trình kêu gọi cộng đồng đem sách, giấy các loại đến các điểm quy đổi để đổi lấy cây sen đá, cây cảnh các loại và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Sau khi tiếp nhận quy đổi chương trình sẽ phân loại nguồn thu và tiến hành trao tặng, tái chế theo quy trình.

Qua chương trình này, Phúc và đội nhóm của mình mong muốn góp phần giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hành trang vào năm học mới. Giúp tiết kiệm nguồn chi phí mua sách, tạo động lực tiếp bước các học sinh nghèo tham gia học tập, gia tăng tỷ lệ học sinh đến trường.

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 5

Chương trình cũng góp phần lan tỏa các thông điệp bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng, tạo thói quen sử dụng ít nhựa, tiêu dùng xanh.

“Đổi sách lấy cây là một hoạt động hỗ trợ giáo dục và bảo vệ môi trường, với mình việc này không phải ngày một ngày hai là làm được mà cần một quá trình. Do vậy, nhóm đã duy trì tổ chức trong suốt những năm qua và đưa hoạt động từ ngắn hạn thành dự án dài hạn, kéo dài để tạo tác động và giá trị”, Phúc chia sẻ.

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 6

Bên cạnh đó, nhóm cũng thực hiện Dự án “Chiến sĩ lọc nước - Nước sạch vì cộng đồng”. Theo thống kê của WHO và UNICEF, mỗi ngày có khoảng 2,1 tỷ người vẫn thức dậy mỗi sáng mà không được tiếp cận với nước sạch. Hàng triệu gia đình dễ bị tổn thương trên khắp thế giới không uống, nấu ăn hoặc tắm bằng nước sạch. Chính những điều này đã thôi thúc Fly To Sky phát triển dự án từ năm 2020.

Theo Phúc, "Chiến sĩ lọc nước", tập trung vào việc mang nước sạch đến cho bà con nghèo khó thông qua việc lắp đặt hệ thống lọc nước, máy lọc nước; thực hiện các chương trình truyền thông, giáo dục về nước sạch và vệ sinh. Dự án tập trung vào trường học, trẻ em và cộng đồng nông thôn tại Việt Nam.

“Với sự giúp đỡ của cộng đồng, nhóm mình có thể mang lại hy vọng cho cộng đồng, giảm số ca bệnh tật và giúp cho trẻ em có cơ hội tập trung vào việc học. Cùng nhau, mình tin chúng ta có thể tạo ra tác động thay đổi cuộc sống”, Phúc chia sẻ.

"Những giải thưởng giúp mình tin tưởng bản thân đang đi đúng đường"

2 năm đầu thành lập nhóm thiện nguyện, thời điểm này, Phúc vẫn đang là học sinh lớp 11 và lớp 12. Vừa bận công tác thiện nguyện, vừa bận việc học ở trường nhưng Phúc vẫn liên tiếp đạt các thành tích xuất sắc như: giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia THPT môn Địa lý và là học sinh giỏi toàn diện 3 năm liên tiếp; được tuyển thẳng vào đại học.

Bên cạnh đó, năm 2021, Fly To Sky trở thành thành viên Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia, trực thuộc Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam.

Trước những hành động giá trị cho cộng đồng, tập thể Nhóm từ thiện Fly To Sky vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 2020, 2021. Bằng biểu dương của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh…

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 7

Phúc vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2019, Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020. Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT năm 2019, 2020.

Phúc là gương thanh niên điển hình tiên tiến, đại biểu trẻ tuổi tham dự nhiều Đại hội thanh thiếu niên toàn quốc.

Ngày 28/2/2024, Lê Văn Phúc được Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công nhận là một trong số 9 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.

Ngày 26/3/2024, Phúc được Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương trong khuôn khổ Chương trình Thủ tướng Chính phủ Gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024.

Ngày 07/03, website của giải thưởng "Trái tim nồng ấm" ( Do nước Nga tổ chức) cũng đã vinh Lê Văn Phúc và hàng loạt giải thưởng, vinh danh khác…

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 8

Chia sẻ về những thành tích mà bản thân đạt được, Phúc nói: "Những giải thưởng này là nguồn động lực to lớn của mình, giúp mình tin tưởng rằng bản thân đang đi đúng con đường. Với mình, những giải thưởng này không phải là thành tích gì quá lớn lao mà đây là sự mở đầu cho hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "người trẻ làm được gì?. 

Mình vẫn luôn nói với các thành viên trong đội nhóm của mình rằng, những giải thưởng kia có thể chỉ là một tờ giấy mà thôi, viết bằng mực rồi theo thời gian sẽ phai đi. Lâu dần, người ta sẽ không nhớ mình qua những giải thưởng ấy nữa, mà người ta sẽ nhớ những giá trị mà mình tạo ra. Ví dụ mình xây trường học thì 10 năm nữa, mái trường ấy vẫn ở đó, minh chứng cho một hành động giá trị. Do đó, các bạn chỉ nên xem những giải thưởng là động lực trên hành trình của mình mà thôi".

Chàng sinh viên đi tìm đáp án cho câu 'Người trẻ làm được gì' từ hành trình thiện nguyện năm 16 tuổi Ảnh 9

Nói về dự định trong tương lai, Phúc đang có kế hoạch sẽ chuyển đổi Fly To Sky thành một doanh nghiệp xã hội với 51% lợi nhuận sẽ đóng góp cho xã hội. 

"Trong tương lai, mình muốn doanh nghiệp của mình sẽ kinh doanh ngành nghề nào đó phù hợp để tự tạo ra kinh phí để làm các dự án thiện nguyện, chứ không thể nào cứ mãi đi kêu gọi hỗ trợ. Sau khi được chuyển đổi, doanh nghiệp vẫn hoạt động phi lợi nhuận nhưng mình có thể hỗ trợ cho các thành viên đang cộng tác có một mức lương nào đó, để các bạn ấy vừa nhiệt huyết trong công việc làm thiện nguyện mà vẫn có khả năng nuôi sống bản thân. 

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp xã hội này đi vào hoạt động, mình còn có thể tạo việc làm cho những bạn trẻ gặp khó khăn bước đầu, đúng với tiêu chí "không thiếu sinh kế" mà Fly To Sky đề ra", Phúc bày tỏ trăn trở. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Mỹ Tâm xin lỗi