Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Hạnh phúc của nghề giáo

Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các giáo viên trẻ đã có những chia sẻ về niềm tự hào và hạnh phúc khi được gắn bó với nghề cao quý này.

Xã hội dẫu có hàng trăm nghề khác nhau, song nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý và giữ vị thế đặc biệt quan trọng. Có ai thành công mà không có bóng dáng của người thầy? Dù chúng ta là ai, đang làm việc gì cũng từng ngồi dưới ghế nhà trường và nhận được sự dạy dỗ từ thầy cô.

Cũng bởi là nghề cao quý nên nghề giáo cũng có muôn vàn khó khăn. Mỗi thầy cô giáo muốn gắn bó với nghề đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, luôn tìm thấy niềm hạnh phúc trong khó khăn thì mới có thể giữ lửa, truyền lửa cho các thế học sinh - sinh viên. 

Tự hào là người giáo viên

Chia sẻ về niềm tự hào và hạnh phúc trong hành trình 6 năm gắn bó với công tác giáo dục, cô Nguyễn Dung (giáo viên Hóa học, trường THPT Diễn Châu 5, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bày tỏ: "Đối với tôi, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Được nhìn ngắm những khuôn mặt hồn nhiên, tinh nghịch và đáng yêu của lứa tuổi học trò; được hoà mình vào khung cảnh ngôi trường thân thuộc mỗi ngày và được trò chuyện tâm sự cùng những thầy cô yêu, say mề nghề là những điều vô cùng hạnh phúc. 

Hơn thế nữa, tôi còn nhận được tình cảm yêu mến của các thế hệ học trò. Các em dù đã ra trường nhiều năm nhưng vẫn nhớ về cô Dung và gửi đến cô những lời chúc tốt đẹp. Như người ta nói " Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" và tôi tự hào khi mình là một người giáo viên".

Hạnh phúc của nghề giáo Ảnh 1
Cô giáo Nguyễn Dung 

Nhớ lại thuở mới gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Dung chia sẻ bản thân cũng nhiều bỡ ngỡ và lo lắng. Từ cách làm thế nào để hoà nhập trong ngôi trường mới, làm sao để làm quen với các em học sinh... đều khiến cô Nguyễn Dung trăn trở. Thế rồi, khi xác định trách nhiệm của một nhà giáo trong sự nghiệp trồng người, cô Dung đã vượt qua mọi khó khăn, biến thử thách thành động lực để gắn bó với nghề.

"Mỗi học sinh có những cá tính, sở thích, năng lực riêng. Các em cũng xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau nên làm thế nào để khơi dậy điểm mạnh và hiểu được các em, giúp các em tiến bộ là điều tôi trăn trở từ những ngày đầu tiên đi dạy. 

Nhiều lúc cũng cảm thấy muốn chùn bước nhưng khi nhìn thấy sự hồn nhiên vui tươi của các em học sinh và nhất là nhìn thấy sự tiến bộ của các em qua từng ngày lại làm tôi thấy phấn chấn và yêu nghề hơn", cô Dung nói. 

Hạnh phúc của nghề giáo Ảnh 2
"Tôi tự hào khi mình là một người giáo viên"

Giống với cô Dung, cô giáo Hà Như Quỳnh cũng đã gắn bó với công việc giáo viên bậc mầm non tại Hà Nội được 6 năm. Với cô giáo Như Quỳnh, hạnh phúc của nghề giáo không chỉ đến từ thành tích hay những lời khen ngợi, mà là khi thấy ánh mắt các con sáng lên vì khám phá ra điều mới mẻ, là nụ cười hạnh phúc khi hoàn thành một việc được cô giao, là khi phụ huynh tin tưởng và yêu mến mình.

"Đối với tôi, nghề giáo không chỉ là 1 công việc mang lại thu nhập để trang trải cuộc sống, mà còn là ước mơ từ nhỏ của tôi. Tôi chọn nghề này bởi tình yêu với trẻ nhỏ và mong muốn đóng góp một phần sức lực vào hành trình khôn lớn của các con. Cảm giác tự hào khi thấy học trò trưởng thành hơn mỗi ngày là điều không gì có thể tả được", cô Quỳnh chia sẻ. 

Hạnh phúc của nghề giáo Ảnh 3
Cô giáo mầm non Hà Như Quỳnh

Còn đối với giảng viên Lê Anh Tuấn (hiện đang công tác tại Swinburne Việt Nam), trong 4 năm gắn bó với các bạn sinh viên, hạnh phúc của nghề giáo đối với thầy chính là việc có thể truyền đạt nhiều kinh nghiệm, kiến thức để sinh viên phát triển ngày càng tốt hơn, tạo ra những thế hệ trẻ "có đức, có tâm, có tầm".

"Tôi luôn nỗ lực để học trò tốt lên mỗi ngày. Và nếu trò giỏi hơn thầy, điều đó càng khiến tôi thấy hạnh phúc hơn", giảng viên Lê Anh Tuấn chia sẻ. 

Ngoài ra, niềm hạnh phúc của giảng viên Tuấn còn đến từ chính các bạn sinh viên, bởi sức trẻ của các bạn đã tạo nguồn năng lượng mới cho nam giảng viên mỗi khi đứng lớp. 

Sự yêu thương của học sinh và phụ huynh là món quà lớn nhất dịp 20/11

Nhắc về nghề giáo trong dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, giảng viên Lê Anh Tuấn ánh lên niềm tự hào và cho rằng đây nghề đóng góp và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Bên cạnh đó, nghề giáo khiến nam giảng viên được trau dồi bản thân liên tục, từ đó giúp thầy tự tin hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên. 

Hạnh phúc của nghề giáo Ảnh 4
Giảng viên Lê Anh Tuấn

Trong dịp 20/11 này, món quà lớn nhất mà giảng viên Lê Anh Tuấn nhận được không đến từ giá trị vật chất mà là những món quà tinh thần đến từ tình cảm mà các sinh viên dành cho thầy. Đây là nguồn động lực to lớn giúp thầy cố gắng hơn trong sự nghiệp "trồng người".

Còn với cô giáo Như Quỳnh, món quà lớn nhất đối với cô là sự yêu thương từ học trò và phụ huynh. "Một bức tranh do các con tự vẽ, những lời cảm ơn chân thành từ phụ huynh hay thậm chí chỉ là cái ôm từ học sinh đều làm tôi cảm thấy ấm áp và được trân trọng", cô Quỳnh tâm sự. 

Hạnh phúc của nghề giáo Ảnh 5
Những tình cảm yêu thương của phụ huynh và học sinh là món quà lớn nhất đối với cô giáo Như Quỳnh trong dịp 20/11 này

Nhân dịp 20/11, cô Quỳnh gửi lời chúc đến chính mình, các đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường thật nhiều sức khỏe, niềm vui và sự gắn kết. "Mong rằng tất cả chúng ta luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết để tiếp tục đồng hành cùng các thế hệ học trò trong hành trình trưởng thành của các em", cô Quỳnh gửi gắm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất
ADOR đệ đơn kiện NewJeans