Học đường

Chán nản với công việc đang làm, 2 nữ sinh quyết định rẽ hướng làm trái ngành, kết quả thu lại khiến ai cũng ngỡ ngàng

Nhật Minh
Chia sẻ

Nhiều người cho rằng mục đích của việc học đại học chính là công tác, phục vụ cho chính ngành học của mình sau này. Tuy nhiên, hai cô gái xuất thân từ ĐH Luật và Sư phạm dưới đây lại chọn một hướng đi khác, một công việc mà ít ai có thể nghĩ đến, và chúng lại mang đến những thành công không tưởng.

Một vấn đề được nhiều sinh viên quan tâm sau khi tốt nghiệp tại trường đại học chính là việc làm. Có thể thấy, tình trạng thất nghiệp và những khó khăn trong vấn đề tìm kiếm việc làm đã quá đỗi quen thuộc trong một xã hội đang phát triển như hiện nay. Hàng ngàn sinh viên đã được thầy cô của mình “dẫn đường” trong việc hoàn thành CV xin việc hay làm sao để có thể tìm kiếm được những công việc tốt nhất. Tuy nhiên, chúng chỉ xuất hiện trên giấy tờ, bài học,… Trên thực tế, vấn đề tìm kiếm một công việc phù hợp với năng lực hay chuyên ngành đã học là một điều rất khó khăn.

Chính vì lẽ đó, đa số những sinh viên vừa ra trường họ phải tự thân đi phục vụ cho một số việc làm trái ngành và đây là một việc làm khá phổ biến. Câu chuyện của hai cô gái “xuất thân” từ ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Luật Hà Nội sau đây là một ví dụ điển hình. Theo chia sẻ trong bài đăng của hai cô nàng, sau khi ra trường họ đã phải đối đầu với rất nhiều thử thách trong vấn đề tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, kết quả chỉ tồn tại ở con số không. Do đó, họ quyết định rẽ hướng sang việc kinh doanh một quán ốc tại quê nhà.

Việc làm là một trong những nỗi trăn trở không hề nhỏ đối với các sinh viên sau khi ra trường. Ảnh minh họa

Ban đầu, phụ huynh của cả hai bên đều phản đối rất kịch liệt, bởi hai cô bạn trẻ này đều tốt nghiệp ở những trường đại học có danh tiếng, giờ phải đem tấm bằng đại học cất vào tủ và đi kinh doanh một công việc khá mạo hiểm và không biết có thành công hay không. Nhưng chỉ sau một khoảng thời gian kinh doanh ngắn ngủi, cả hai người đã mang lại khá nhiều thành công, mức doanh thu có dấu hiệu chạm mốc 40 triệu. Mặt khác, họ còn dự tính mở thêm 1 đến 2 chi nhánh nữa để phục vụ thêm cho nhiều khách hàng hơn. Việc làm này phần nào đã thay đổi được cách nhìn của phụ huynh đối với vấn đề làm việc trái ngành của con em thất nghiệp sau khi rời khỏi trường đại học.

Nguyên văn câu chuyện của hai cô bạn sinh viên đang “dậy sóng” trên mạng xã hội ít ngày gần đây như sau:

“Mấy ngày vừa qua, mình có đọc được bài một anh học Kinh tế xong về bán bún riêu, mình lại muốn tâm sự chuyện của mình với con bạn. Mình dân HNUE (Đại học Sư Phạm Hà Nội), con bạn thân thì dân HLU (Đại học Luật Hà Nội). Lúc đầu thì cũng chẳng có ý tưởng gì đâu, chỉ là hai đứa là hai con nghiện ốc. Từ cấp 3 đến lúc lên đại học cứ rảnh rỗi là vác nhau đi ăn ốc, ăn đủ các quán, từ rẻ đến đắt, đôi khi trong đầu nhen nhóm ý tưởng sau này sẽ về bán ốc với nhau nhưng rồi lại quay ra cười với nhau bảo “Con điên, bao nhiêu việc không làm về bán ốc”.

Vậy mà buồn cười ở chỗ, mình sau khi ra trường thì về quê xin đi làm hợp đồng để chờ xem có vị trí nào nhà nước thi vào (làm hợp đồng mà cũng phải mất tiền cơ), còn con bạn ở lại Hà Nội để làm về tư vấn luật, cả hai đều thấy chán. Mình thì lương lẹt đẹt, rồi vị trí tốt không thi được, con bạn thì cũng cù bất cù bơ, mỗi chỗ làm một thời gian xong cũng chẳng đâu vào đâu.

Đến Tết năm ngoái, hai đứa gặp nhau, hỏi về công việc, cuộc sống, cả hai con đều thấy nản, môi trường công việc không hợp, tương lai cũng mù mịt nên cuối cùng quyết định liều mình thử kinh doanh và ý tưởng nảy ra ngay trong đầu khi đó là mở một quán bán ốc như kiểu ở Hải Phòng, có đủ các loại ốc cơ bản thêm cả ốc biển, trứng cút, nem (quán ốc nhưng vẫn có thêm chút đồ ăn vặt khác) với lại nhà con bạn người ta đang thuê buôn bán thì trả lại mặt bằng nên 2 đứa cũng tính kinh doanh luôn.

Hai đứa mất gần 2 tháng để đi tìm hiểu gồm tìm nguồn hàng, tìm quy trình, học cách pha nước chấm, chi phí để mở quán ốc… đại loại tất cả những gì cần cho việc kinh doanh một quán ốc. Cùng thời gian đó, hai đứa về thuyết phục gia đình cho kinh doanh, lúc đầu bố mẹ chửi là “Chúng mày bị điên, rủ nhau làm mấy cái linh tinh, công ăn việc làm ổn định không thích, thích về bán ốc”. Sau thuyết phục được, bố mẹ cho 2 năm, nếu 2 năm không kinh doanh được thì tiếp tục đi làm theo lời của bố mẹ vì con gái thì nên cần một công việc ổn định sớm.

Cuối cùng, sau 2 tháng chúng mình đã setup thành công một quán ốc, mặt bằng là ngay nhà đứa bạn, nhà nó mặt đường chính, đông người qua lại, trả tiền thuê đàng hoàng cho bố mẹ nó. Và điều chúng mình không thể ngờ tới là ngay tháng đầu tiên đã có lãi, không như lời mọi người hay nói là có thể mấy tháng đầu sẽ lỗ. Lãi hẳn 12 triệu chia 2 đứa.

Công việc kinh doanh đã mang đến cho hai cô nàng những kết quả bất ngờ. Ảnh minh họa

Đến những ngày sau đó 2 đứa chạy thêm marketing bằng cách nhờ người quen giới thệu, chạy ads Facebook (phần lớn) thì lượng khách đông lên, phải thuê thêm 1 nhân viên nữa, mỗi ngày bắt đầu đút túi được 500k, 600k rồi 800k, 1 triệu, hơn 1 triệu 1 ngày. Nhất là mấy ngày mùa đông năm vừa rồi, mùa đông nhiều người đi ăn ốc kinh khủng, phải thuê thêm 2 nhân viên, thu nhập 1 tháng có khi lên tới gần 40 triệu, tháng cao nhất được 39,2 triệu chia 2 mỗi đứa 1 nửa, đợt dịch này không tính vì ai cũng phải đóng cửa, mình mới mở lại.

Đến lúc ấy thì bố mẹ không còn bắt ép hai đứa làm công việc theo ý bố mẹ nữa, bố mẹ để cho 2 đứa mình thích làm gì thì làm, còn nói là “Thôi hai đứa làm cái gì mà hai đứa thích, hai đứa đam mê cũng được, nhưng đừng có làm gì phạm pháp với trái đạo đức” ý là không được làm đồ bẩn, đồ hỏng, tất nhiên, chúng mình không có chuyện đó.

Giờ trung bình quán được 33 - 35 triệu/1 tháng, chia ra mỗi đứa hơn 15, ở Hà Nội thì số tiền đó là không nhiều nhưng ở tỉnh thì lại là một con số đáng mong đợi, và hơn hẳn so với lương của một đứa đi làm hợp đồng nhà nước, một đứa cù bất cù bơ đi tư vấn luật nhiều. Hơn hết, chúng mình thấy vẫn còn mở rộng thêm được cơ sở, nhiều người từ xa đến ăn còn nói cho góp vốn nhưng không, chúng mình sẽ tự mở thêm, mà tính là mở thêm chắc 1, 2 cơ sở nữa rồi cũng tính nhượng quyền nếu có thương hiệu.

Nghĩ lại thì 2 đứa mình không chuẩn bị sẵn từ trước, mà lại do tự bản thân cảm thấy không thích hợp, không đam mê với công việc đang làm nên liều mạng một phen. Chắc cũng do cái duyên bán hàng nên mới được như vậy chứ đâu phải ai cũng thành công.

Chỉ muốn nói đơn giản là nếu còn trẻ, có đam mê kinh doanh, chấp nhận thất bại thì cứ thử vì đến khi lập gia đình rồi có con, sẽ khó mà có thời gian, sức khoẻ như lúc còn trẻ lắm, vì lúc đó là phải hướng về gia đình rồi!”.

Những chia sẻ của cô nàng sinh viên bán bún ốc đã phần nào tạo thêm động lực cho rất nhiều bạn trẻ chuẩn bị ra trường. Từ những trải lòng trên cũng giúp chúng ta rút ra được bài học rằng, đại học chưa chắc là một môi trường mang lại công việc cũng như những kết quả mà ai cũng hằng mong ước. Thay vào đó, một điều không thể phủ nhận được chính là môi trường này sẽ là một trong những yếu tố giúp chúng ta có thể rèn luyện cũng như trau dồi và đổi mới về mặt tư duy, óc sáng tạo để sau đó có thể dễ dàng tìm kiếm được thành công sớm hơn dự tính.

Đừng quá kỳ vọng vào đại học nhưng cũng đừng quá dễ dãi bỏ qua chúng vì khi chúng ta biết cân bằng mọi suy nghĩ, mọi hoạt động trong quá trình học sẽ dễ dàng giúp chúng ta thành công hơn, dù đó không phải là con đường theo đúng kế hoạch ban đầu mà ta đã đề ra.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất