Đa năng hóa vì … không muốn “bỏ trứng vào một giỏ”
Với nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z đang bước vào độ tuổi lao động ngày càng thay đổi cuộc chơi về định hướng nghề nghiệp khi mà ngày càng nhiều bạn trẻ thành công khi tuổi đời còn rất sớm, nhưng không chỉ thành công trên một lĩnh vực mà là đa lĩnh vực.
Một ngày 24 giờ, tưởng chừng như không đủ với các bạn vì bất kể lúc nào cũng thấy thế hệ này dốc sức để làm việc, hay nói cách khác đó là biện pháp “mạnh” để họ gầy dựng lên một cơ đồ sự nghiệp lớn trong tương lai không xa.

Không khó để bắt gặp các câu chuyện được giới trẻ chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội hay còn gọi với cái tên là "daily vlog" với đủ thứ công việc trong một ngày. Chẳng hạn như trên nền tảng tiktok nhiều bạn trẻ đang thể hiện tinh thần đa nghề nổi bật: vừa làm việc full time nhân viên chính thức tại một công ty, vừa đảm nhận freelancer tại một ngành nghề khác,….
Giờ giấc làm việc linh hoạt, không gian làm việc cũng thoải mái, ngành nghề làm trong một ngày cũng không mấy liên quan đến nhau nhưng tựu chung nhìn lại thì các bạn trẻ đang rất “chill” với khối lượng đồ sộ như vậy.

Nếu được hỏi tiền có phải là động lực mạnh mẽ & duy nhất thúc đẩy sự nỗ lực, kiên trì, chăm chỉ của thế hệ này cống hiến hết mình cho công việc không; thì chắc rằng, câu trả lời sẽ là "không hẳn". Bởi vì với họ, trong thời đại luôn thay đổi và ứng biến không ngừng, chỉ tập trung vào một cái sẽ là không đủ, thậm chí là ‘lỗ’ với sức trẻ mà mình bỏ ra. Chính vì vậy mà họ cần lao lực nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn, thậm chí hy sinh nhiều hơn cả về sức khỏe của mình để cùng gầy dựng một lúc nhiều thứ ngay khi mình còn trẻ.

Một lý do khác, đó là tình hình thị trường lao động hiện tại khiến các Gen Z càng muốn chủ động cho tương lai. Theo đó, chỉ trong đầu năm 2025, hàng loạt ngành nghề trong nước lẫn thế giới rơi vào cảnh thất nghiệp “nghỉ hưu non”. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tiến hành các đợt tinh giản nhân sự quy mô lớn, đẩy không ít lao động vào tình trạng thất nghiệp. Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tự động hóa vốn từng được xem là xu hướng của tương lai nay lại đang hiện hữu và tạo ra những biến chuyển sâu sắc trên thị trường lao động.
Nhiều công việc vốn được đánh giá là ổn định cũng không tránh khỏi nguy cơ bị thu hẹp hoặc thay thế. Cũng vì lẽ đó, thế hệ Gen Z dần học cách chuẩn bị nhiều phương án khác nhau để giữ vững sự ổn định cho bản thân.
Nghề tay trái - Cách nghĩ khác của Gen Z
Ở một thái cực khác, nghề tay trái không chỉ đơn thuần là công việc phụ mà đã trở thành một lối sống được giới trẻ ưa chuộng như một hệ giá trị mới.
Trước đây, nghề tay trái (side hustle) thường được hiểu là công việc làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập hoặc thử sức ở lĩnh vực khác. Nhưng vài năm gần đây, đặc biệt nhờ mạng xã hội, văn hóa “luôn bận rộn” và xu hướng làm việc linh hoạt, nghề tay trái đã vượt ra khỏi khía cạnh kinh tế, trở thành một phong cách sống toàn diện, nhất là với Gen Z.

Với nhiều bạn trẻ, làm nhiều việc cùng lúc không còn là gánh nặng mà là cách thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo và mong muốn làm chủ thời gian. Họ liên tục “tối ưu hóa” từng giờ trong ngày: ban ngày làm văn phòng, tối viết content, cuối tuần chạy sự kiện, xen kẽ livestream, làm podcast, quay TikTok... Việc bận rộn trở thành thước đo giá trị bản thân, năng suất là “chuẩn sống” mới.
Khi một công việc không đủ, người trẻ chọn làm nhiều để sống trọn với những giá trị bền vững cho tương lai. Side hustle không chỉ là công việc phụ mà còn là hệ tư tưởng về sự chủ động, linh hoạt và không ngừng tiến về phía trước. Mỗi công việc phụ phản ánh một phần bản sắc cá nhân: đam mê, kỹ năng hay khát vọng chưa được thể hiện trong công việc chính.

Tuy nhiên, khi side hustle thành lối sống, nó cũng tạo áp lực vô hình. Người trẻ dễ rơi vào trạng thái phải luôn bận rộn mới thấy có giá trị, quên đi tầm quan trọng của nghỉ ngơi. Ví dụ như tiktoker S.S với series “24h chỉ làm việc” truyền cảm hứng mạnh mẽ nhưng cũng đặt ra câu hỏi về giới hạn sức lực con người. Năng lượng tích cực ấy đôi khi khiến người xem cảm thấy “ngộp” và áp lực.
Nhiều bạn trẻ quen với nhịp sống bận rộn đến mức chỉ vài khoảnh khắc “rảnh tay” cũng gây cảm giác bứt rứt, lo âu, mất ngủ hay trống rỗng. Nghiện năng suất trở thành lệ thuộc tâm lý vào cảm giác đang tiến bộ.
Khi đó, nghề tay trái không còn là lựa chọn tự do sáng tạo mà có nguy cơ biến thành vòng lặp mệt mỏi, khiến người trẻ phải liên tục “chạy” để không bị bỏ lại phía sau, làm việc không chỉ vì tiền hay phát triển bản thân, mà để khỏa lấp nỗi sợ bị tụt lại trong thế giới luôn vận động.
Đa nhiệm không sai nhưng đừng đánh đổi quá nhiều
Nếu thế hệ trước xem “bền vững” là làm một công việc ổn định trong nhiều năm, thì với Gen Z, khái niệm ấy đang dịch chuyển. Họ không tìm kiếm sự cố định, mà hướng đến khả năng thích ứng và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi làm sao để vẫn phát triển, vẫn sống khỏe trong một thị trường biến động liên tục.
Một nghề nghiệp bền vững, trong mắt Gen Z, không nằm ở “bao lâu” mà nằm ở “bao xa”: xa về chiều sâu kỹ năng, xa về khả năng mở rộng vai trò, và xa trong việc duy trì sự ổn định tinh thần. Có người làm một nghề, nhưng đủ linh hoạt để xoay chuyển theo nhu cầu xã hội. Có người ôm nhiều công việc cùng lúc, nhưng vẫn nhắc nhở bản thân cần được nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng.

Bền vững không còn là “chọn một chỗ yên thân”, mà là khả năng tạo ra nhiều chỗ “an trú” cho bản thân cả về tài chính, cảm xúc và tinh thần. Nghề tay trái chỉ thật sự bền nếu nó không bào mòn bản thể, không khiến ta đánh mất chính mình trong guồng quay tưởng như đa năng nhưng lại dễ bị kiệt sức.
Vậy nên, không gì là tuyệt đối. Điều quan trọng không nằm ở việc chọn nghề tay trái hay tay phải, chạy nhanh hay bước chậm, mà là hiểu điều gì thực sự phù hợp với bản thân. Khi công việc không còn là gánh nặng mà trở thành phương tiện để phát triển chính mình, đó mới là lúc bạn đang đi đúng hướng.
Đừng đánh đổi quá nhiều sức lực chỉ để có cảm giác an toàn tạm thời. Sự yên tâm thực sự đến từ việc lắng nghe chính mình, biết khi nào cần cố gắng, khi nào nên dừng lại. Gen Z có đặc quyền của một thế hệ được lựa chọn nên hãy dùng nó một cách tỉnh táo, vì sẽ không ai đi thay bạn con đường sự nghiệp cả đời.