Học đường

Động thái mới nhất của Bộ GD-ĐT về việc phê duyệt tổ chức thi IELTS, TOEFL

Theo Báo Giao Thông
Chia sẻ

Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ ưu tiên phê duyệt các cơ sở tổ chức thi IELTS, TOEFL trong vài ngày tới.

Ưu tiên phê duyệt các đơn vị tổ chức thi IELTS, TOEFL

Chiều 12/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có thông báo về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại nghị định số 86/2018/NĐ-CP và thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.

Động thái mới nhất của Bộ GD-ĐT về việc phê duyệt tổ chức thi IELTS, TOEFL Ảnh 1
Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên phê duyệt các cơ sở tổ chức thi IELTS, TOEFL trong vài ngày tới

Trong văn bản, Bộ GD-ĐT cho biết, đã hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cơ sở liên kết tổ chức thi (gọi chung là các cơ sở) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt, đồng thời bộ cũng tập trung để rút ngắn tối đa thời gian xử lý các hồ sơ này (trong vòng 20 ngày).

Tuy nhiên, do hồ sơ đề nghị phê duyệt của nhiều cơ sở chưa đầy đủ nên tiến trình xử lý kéo dài khiến một số đơn vị, tổ chức chưa thể tổ chức thi, ảnh hưởng tới kế hoạch thi cử của những người có nhu cầu thi.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở khẩn trương hoàn thành hồ sơ theo quy định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên tập trung xử lý, nhanh chóng phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ (đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL) trong một vài ngày tới.

Trước đó, ngày 11/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt cho việc liên kết tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh Aptis và sẽ tiếp tục ưu tiên tập trung xử lý và phê duyệt đối với các chứng chỉ khác.

Quy trình phê duyệt phải công tâm, khách quan, công bằng

Trong những ngày qua, thông tin việc tạm hoãn các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng như các kỳ thi năng lực tiếng nước ngoài khác đang là tâm điểm chú ý của những người quan tâm đến giáo dục.

Động thái mới nhất của Bộ GD-ĐT về việc phê duyệt tổ chức thi IELTS, TOEFL Ảnh 2

Việc tạm hoãn các kỳ thi năng lực ngoại ngữ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học. Nhất là trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo đã sử dụng chứng chỉ này làm căn cứ để xét tuyển đầu vào, cũng như đầu ra.

Hơn nữa, đây cũng là thời điểm quan trọng khi hàng nghìn học sinh, người lao động đang gấp rút thi lấy chứng chỉ để kịp nộp hồ sơ du học, làm việc tại nước ngoài.

Theo GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, hàng năm có tới 35% sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn, trong đó đa phần do chưa đảm bảo chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Trong trường hợp, việc tạm hoãn kéo dài con số này có thể gia tăng khó lường.

"Tất cả đều băn khoăn câu hỏi là đến bao giờ mới được tổ chức thi. Điều này phụ thuộc vào 2 bên: các tổ chức nước ngoài, các tổ chức liên kết ở Việt Nam có đáp ứng yêu cầu của Bộ hay không, nhưng cái thứ hai là phụ thuộc rất lớn vào quy trình xem xét, phê duyệt của Bộ, tránh kiểu xin cho mà thực sự công tâm, khách quan, công bằng", GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức cho hay.

Chia sẻ

Theo

Báo Giao Thông

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất