Học đường

Điểm lại 3 quan điểm sống gây tranh cãi nhất trong giới sinh viên năm 2018

Linh Chi (tổng hợp)
Chia sẻ

Năm 2018 với nhiều sự kiện và nhiều quan điểm cá nhân chia sẻ xoay quanh cuộc sống của sinh viên trở thành đề tài bàn tán, tranh cãi gay gắt trên các mạng xã hội. Cùng điểm lại những quan điểm gây bão năm vừa qua.

Năm 2018 xuất hiện rất nhiều quan điểm được đưa ra xoay quanh lối sống của sinh viên gây chú ý và làm nổ ra tranh cãi với nhiều luồng ý kiến từ cộng đồng mạng.

Cùng nhìn lại những quan điểm về sinh viên gây bão trong năm 2018 vừa qua:

Tranh cãi chuyện sinh viên tình nguyện “việc nhà thì nhác mà việc chú bác thì siêng”

Quan điểm xoay quanh chuyện sinh viên tình nguyện không thích làm việc nhà giúp bố mẹ mà chỉ thích đi giúp đỡ người khác xuất hiện vào đầu tháng 6 đã trở thành chủ đề bàn tán, nảy ra tranh cãi gay gắt trên các trang mạng xã hội.

Sinh viên luôn được nhìn nhận là những người trẻ tràn đầy nhiệt huyết trong công việc tình nguyện.

Nhiều người cho rằng hầu hết sinh viên tham gia tình nguyện là rỗi hơi, lo chuyện cuốc đất trồng cây giúp người khác, lo chuyện thiên hạ, rủ nhau đi từ thiện cốt chỉ để đăng ảnh Facebook sống ảo trong khi ở nhà thì chẳng làm việc gì giúp bố mẹ.

Tranh cãi nổ ra khi nhiều bạn sinh viên phản đối cho rằng việc tình nguyện vô cùng đáng quý khi không chỉ biết nghĩ cho bản thân mà còn có tấm lòng bao dung, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Trong khi đó, nhóm người phê phán tiếp tục cho rằng, các bạn sinh viên chia sẻ bố mẹ làm việc vất vả, khi có thời gian nghỉ thì nên về nhà giúp đỡ việc nhà. Đối với nhiều gia đình, các bậc phụ huynh thậm chí chỉ cần thấy con về sau cả năm đi học là đã vui rồi.

Một số người nhìn nhận câu chuyện tổng quan hơn thì cho rằng các bạn sinh viên giàu nhiệt huyết, tham gia tình nguyện sẽ nhận được nhiều bài học, là quãng thời gian đẹp đẽ thời thanh xuân, nhưng cũng nên biết cân bằng giữa việc nhà và tình nguyện.

“Là sinh viên thì đừng nên đặt nặng giày real (hàng thật) hay giày fake (hàng nhái)”

Vào tháng 9, trên trang NEU Confessions xuất hiện một bài đăng chia sẻ một ý kiến cá nhân về chuyện “Là sinh viên thì đừng nên đặt nặng giày real (hàng thật) hay giày fake (hàng nhái)” thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

“Sinh viên đừng nên đặt nặng dùng giày real hay giày fake” - chia sẻ gây bão mạng năm qua

Cụ thể, bài đăng chỉ ra sự phung phí của các bạn sinh viên khi nhịn ăn nhịn mặc để mua không chỉ một mà nhiều đôi giày vài triệu trong khi ở nhà bố mẹ làm ăn cực khổ. Theo bài đăng, người này còn bày tỏ suy nghĩ đây là một đam mê kì cục khi một đôi giày cuối cùng cũng chỉ để đi vào chân, fake hay real chỉ khác nhau mỗi giá cả. Ngoài ra, chủ nhân bài viết còn chia sẻ “Còn là sinh viên đừng quan trọng fake real làm gì, hãy biết quý trọng mồ hôi công sức của ba mẹ”

Ngay khi vừa đăng tải, bài viết đã xuất hiện nhiều lượt chia sẻ, lời bình luận chia làm hai phe của các bạn sinh viên. Bên ủng hộ, các bạn sinh viên cho rằng việc dùng đồ thật là điều hết sức bình thường nhưng đặt trong hoàn cảnh sinh viên gia cảnh trung bình hoặc khó khăn thì đó là điều xa xỉ, không nên cổ suý. Còn các ý kiến phản đối cho rằng có thể đó không phải tiền của bố mẹ mà là tiền các sinh viên tự kiếm để thoả mãn niềm đam mê của mình. Hơn nữa, sử dụng hàng real sẽ bền lâu hơn và cũng là cách để trân trọng những người làm ăn chân chính.

“Sinh viên giờ đua nhau bán hàng, chạy xe ôm kiếm vài triệu 1 tháng chứ không chịu làm việc cho các start up”

“Hỏi 10 cái Start Up thì 9 cái thiếu nhân sự, 1 cái thì thiếu trầm trọng, Leader hoặc CEO phải cân cả team… Cuối cùng công ty nào cũng đành ngậm đắng mà thở dài: “Giờ Start Up không cạnh tranh nhân sự được với mấy quán trà sữa với cà phê” - đó là lời chia sẻ gây bão đợt cuối năm nay.

Quan điểm gây tranh cãi: “Sinh viên giờ đua nhau bán hàng, chạy xe ôm kiếm vài triệu 1 tháng chứ không chịu làm việc cho các Start Up”

Bài viết chia sẻ quan điểm: Sinh viên bây giờ đua nhau làm ở những quán cafe, trà sữa trong môi trường mướt mồ hôi với mức lương không quá 15.000 đồng/giờ chứ không đi làm ở một công ty Start up cung cấp môi trường làm việc có điều hoà, máy tính, rộng rãi thoải mái với mức lương tối thiểu 20.000 đồng/giờ.

Bài đăn ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Phần đông các bạn sinh viên đều phản đối quan điểm này bởi nó mang tính chủ quan, phiến diện. Nhiều sinh viên cho rằng, môi trường tại các công ty start up không chuyên nghiệp, tương lai không rõ ràng và việc thoả sức sáng tạo, thể hiện khả năng của bản thân sẽ phần nào bị giới hạn từ những áp lực, sức ép từ sếp. Hơn nữa, vì vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên khó có thể đáp ứng được môi trường làm việc hành chính ở công ty, họ ưu tiên sự tiện lợi và thoải mái về thời gian hơn.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dù start up hay công việc làm thêm, sinh viên vẫn có thể tự kiếm được kinh nghiệm cần thiết cho bản thân và giúp ích cho cuộc sống của mình.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi (tổng hợp)

Tin mới nhất