Đây là năm đầu tiên thi theo chương trình GDPT mới, vậy nên đề thi sẽ có sự khác biệt so với những năm trước.
Theo đó, đề thi môn Ngữ văn sẽ được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết. Ngữ liệu hoàn toàn nằm ngoài sách giáo khoa. Nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu.
Dưới đây là đề thi chính thức tuyển sinh vào 10 tại TP.HCM năm 2025:


Với chủ đề "Trên hành trình trưởng thành...", đề Văn thi vào lớp 10 được đánh giá là nhân văn, cân đối và hiện đại, phù hợp với học sinh.
Phần đọc hiểu và viết đoạn văn nghị luận văn học cho ngữ liệu là bài thơ "Con nằm" của tác giả Tế Hanh. Học sinh phải trả lời các câu hỏi về từ ngữ, nội dung câu thơ và trình bày cảm nhận về "vai trò của tình yêu thương trên hành trình trưởng thành của mỗi người".
Phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn luận về chủ đề "biết đọc" - biết nhận ra các giá trị tốt đẹp đang bị che lấp - là một biểu hiện của sự trưởng thành.
Đề thi được nhiều giáo viên đánh giá hay, có giá trị giáo dục cao, khơi gợi cảm xúc và phù hợp để học sinh thể hiện ý kiến, quan điểm.
Theo báo Phụ nữ Việt Nam, thầy Võ Kim Bảo, Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) nhận xét: Phần nghị luận xã hội mang tính phân hóa khá cao trong đề thi. Vấn đề được đặt ra không quá xa lạ với học sinh. Thầy cho rằng đa số các em sẽ hiểu được đề và nắm rõ yêu cầu vì đề được trình bày rõ ràng, tường minh, "biết đọc" - tức là biết nhận ra những giá trị tốt đẹp đang bị che khuất – như một biểu hiện của sự trưởng thành.
"Trong quá trình làm bài, chắc chắn các em sẽ liên hệ được với nhiều trải nghiệm đời sống cá nhân để đưa vào bài viết. Vừa làm bài, các em vừa có cơ hội nhìn lại chính mình, tự soi chiếu hành vi và suy nghĩ của bản thân. Tôi rất mong chờ được đọc những bài viết có chiều sâu, thể hiện tư duy chân thành của những học sinh đang bước những bước đầu tiên trên hành trình trưởng thành. Vì thế, theo tôi, câu hỏi này chính là một điểm sáng đáng chú ý trong đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của TP. HCM", thầy Bảo cho hay.
Chung nhận định, thầy Võ Minh Nghĩa - giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 10 trả lời VnExpress rằng, câu 2 ở phần I và câu 2 phần II thể hiện tính phân hóa cao khi đưa ra các yêu cầu kép. Cụ thể, câu 2 phần I yêu cầu viết một đoạn văn nhưng đòi hỏi phân tích cả chủ đề và đặc sắc nghệ thuật. Thí sinh vừa phải đảm bảo nội dung, song vẫn phải ngắn gọn.
Ở câu nghị luận xã hội, thí sinh phải hiểu và lĩnh hội được từ "biết đọc", đồng thời tư duy được vấn đề nghị luận được nêu: "nhận ra những giá trị tốt đẹp".
"Câu nghị luận xã hội hơi lắt léo ở chỗ 'biết đọc', có thể sẽ khiến một số học sinh khó xác định vấn đề, dễ lạc đề. Câu này đòi hỏi chiều sâu và tư duy phản biện. Nếu học sinh chỉ ôn kiểu thuộc dàn ý mẫu sẽ dễ bị điểm thấp", thầy Đức Anh nhận định.
Thầy Nghĩa dự đoán phổ điểm môn Văn năm nay tập trung ở khoảng 6,5-7,5 với các học sinh có năng lực từ trung bình đến khá. Mức trên 7,5 sẽ khá khó đạt được nếu học sinh không tư duy tốt, chưa có sự rèn luyện cẩn thận trong đọc hiểu thể loại.
Còn thầy Võ Kim Bảo cho rằng học sinh dễ lấy điểm 7 nếu biết tư duy, lập luận rõ ràng, có kỹ năng viết.