Học đường

'Đất' Sài Gòn sinh viên khó sống tới cỡ nào: Cứ đọc hết những nội quy lạ lùng này rồi bạn sẽ hiểu

Hà Anh
Chia sẻ

Những nỗi niềm "biết tỏ cùng ai" về giờ giấc học tróe ngoe cùng những quy định khắt khe về thành tích, điểm số mà nếu không phải là sinh viên trong Nam, bạn không bao giờ có thể hiểu được.

Bước vào môi trường Đại học, hẳn bạn sinh viên nào cũng háo hức với bao dự định và ước mơ cho việc học tập. Giảng đường chắc chắn sẽ khác với những năm học trung học, phổ thông vì tính năng động và sự thoải mái khi các bạn đã ở độ tuổi trưởng thành. Ấy thế mà, cuộc đời không như là mơ, rất nhiều bạn còn chưa kịp chuẩn bị tinh thần thì đã “vỡ mộng” ngay tức khắc vì đủ thứ quy định tróe ngoe hành hạ khiến nhiều bạn nản chí, coi 4 năm đến trường là 4 năm “địa ngục”. Điều này đặc biệt diễn ra với các bạn sinh viên trong Nam với những sự việc liên tiếp được phản ánh trong thời gian gần đây.

Áp lực học tập của các bạn sinh viên TP HCM

ĐH Bách khoa TP.HCM gây tranh cãi với thông báo yêu cầu sinh viên vào học từ 6h sáng

Theo thông báo của trường, tiết một sẽ bắt đầu vào 6h sáng, tiết cuối cùng kéo dài đến 22h10. Các tiết học được sắp xếp liên tục cách nhau 10 phút, không có thời gian nghỉ giữa buổi.

Giấy thông báo thay đổi khung giờ học của các bạn sinh viên ĐH Bách Khoa TP HCM

Sau khi có thông báo, rất nhiều sinh viên đã bày tỏ lên nhà trường nỗi bức xúc của mình về cách sắp xếp khung giờ dạy học. Đa số ý kiến cho rằng trường xếp lịch không khoa học, thời gian bắt đầu tiết một quá sớm, sinh viên không sẵn sàng học tập, trong khi đó giờ nghỉ trưa chỉ có 10 phút (tiết 6 kết thúc lúc 11h50, tiết 7 bắt đầu lúc 12h).

Được biết, trước đây tiết một của nhà trường bắt đầu lúc 6h30 đã là rất sớm so với các trường khác, bây giờ lại đổi thành 6h. Thời gian sớm hơn sẽ gây khó khăn cho những bạn sinh viên ở xa hoặc ở cơ sở hai (Thủ Đức) lên cơ sở một (quận 10) học. Chưa kể, giờ giấc như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến cả việc giảng dạy của giáo viên lẫn việc tiếp thu kiến thức của sinh viên. “Làm sao có thể học nổi khi đến trường mà khuôn mặt vẫn gật gù, mắt thì lờ đờ vì…thiếu ngủ”, một bạn bày tỏ.

Dù nhà trường đã thông báo đây là các tiết học đặc biệt, phục vụ chủ yếu đối tượng vừa đi học, vừa đi làm nhưng nhiều người vẫn cảm thấy hết sức hoang mang, lo lắng.

Hàng trăm sinh viên ĐH Luật TP.HCM có nguy cơ bị đuổi học vì không đáp ứng tiêu chuẩn thành tích

Ngày 17/10, ĐH Luật TP.HCM công bố danh sách 169 sinh viên chính quy và văn bằng 2 chính quy bị cảnh báo học vụ sau học kỳ 2 năm học 2017-2018.

Theo đó, 79 sinh viên có thể bị cảnh báo học vụ lần một vì điểm trung bình tích lũy không đạt điều kiện tối thiểu, đa số là sinh viên năm nhất. 90 sinh viên trong diện có thể bị buộc thôi học vì kết quả ngày càng yếu kém, không đáp ứng mức tiêu chuẩn thành tích nhà trường đưa ra.

ĐH Luật TP HCM buộc thôi học 90 sinh viên vì thành tích yếu kém

Cụ thể, theo quy định của trường Đại học Luật TP HCM, sinh viên bị cảnh báo học vụ nếu rơi vào các trường hợp điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,2 đối với sinh viên năm thứ nhất; dưới 1,4 đối với sinh viên năm thứ hai; dưới 1,6 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,8 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khóa; điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1 đối với các học kỳ tiếp theo; tổng số tín chỉ của các học phần bị điểm F còn tồn đọng tính từ đầu khóa học đến thời điểm xét vượt quá 24 tín chỉ.

Đối với sinh viên văn bằng 2 chính quy, nhà trường sẽ đình chỉ học tập một năm nếu có điểm trung bình năm học dưới 5 hoặc khối lượng học phần bị điểm dưới 5 tính từ đầu khóa học quá 25 đơn vị học tập. Sinh viên có điểm trung bình năm học dưới 3,5 hoặc điểm trung bình tích lũy toàn khóa học sau hai năm dưới 4 sẽ bị buộc thôi học.

Rất nhiều người khi đọc được quy định trên cũng đều phải choáng váng vì độ khắt khe của nhà trường. Nhiều bạn trong Nam chắc chắn sẽ phải suy nghĩ kỹ liệu mình có chịu đựng được những điều khoản trên để tốt nghiệp và trở thành một luật sư hay không trước khi quyết định đặt bút chọn trường đại học.

Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đuổi 400 sinh viên vì không nộp bằng THPT

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa buộc thôi học 438 sinh viên, trong đó số thuộc hệ đào tạo chất lượng cao chiếm nhiều nhất với 228 người. Lý do trường đưa ra là những sinh viên này không nộp bản gốc bằng tốt nghiệp THPT để kiểm tra và đối chiếu hồ sơ.

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, sinh viên nhập học phải trình giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời. Sau một năm, các em phải nộp bản gốc bằng tốt nghiệp để đối chiếu, kiểm tra.

Ông Đỗ Văn Dũng- hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thông báo về quyết định buộc thôi học sinh viên

Hiện tại có thêm 10 sinh viên không nộp bằng vì chưa tốt nghiệp hoặc nhiều lý do khác. Trường đã thông báo nhiều lần nhưng nếu sinh viên không chấp hành, trường buộc phải kỷ luật nghiêm khắc để tránh sai phạm.

ĐH Giao thông vận tải “đuổi thẳng cánh” 300 sinh viên vì chưa nộp bằng tốt nghiệp THPT sau 1 năm nhập học

Được biết, 349 sinh viên khóa tuyển sinh năm 2017 có khả năng bị buộc thôi học do không nộp bằng tốt nghiệp THPT và bổ sung hồ sơ trúng tuyển nhập học (giấy khai sinh, học bạ).

ĐH Giao thông Vận tải đã đưa ra cảnh báo nhắc nhở nhưng sinh viên vẫn ngoan cố không thực hiện. Nhà trường đã tạm khóa tài khoản cá nhân sinh viên và cho biết sẽ xem xét đưa ra quyết định kỷ luật cao nhất: xóa tên sinh viên.

Quả thật, với những quy định nghiêm khắc như thế này, các bạn sinh viên trong Nam thực sự phải đối diện với nhiều áp lực mỗi khi đặt chân đến trường đại học. Vậy nên, các bạn tân sinh viên mới vào hãy chuẩn bị thật kỹ tinh thần, nếu không rất có thể sáng hôm sau tỉnh dậy, bạn sẽ ngay lập tức nhận được giấy thông báo cảnh cáo học tập vì tội…mơ mộng quá nhiều.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Anh

Tin mới nhất