Mới đây, câu chuyện một cô gái trẻ ở Hà Nội đã tự thiết kế PowerPoint tố cáo bạn học hành hạ suốt nhiều năm khiến tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề khiến dư luận không khỏi xôn xao bàn tán.
T.D - cô gái bị bạn bè bắt nạt cho hay, trong số các bạn học tham gia bắt nạt cô khi ấy, người khiến cô bạn này tổn thương nặng nề là bạn chung lớp cấp 2 tại trường THCS Lý Thường Kiệt tên là D.T.T. Cả hai lại chung trường cho đến những năm học cấp 3 tại THPT Đống Đa.
Từ lớp 6, nhiều bạn trong lớp lan truyền rằng mọi chuyện xảy ra trong lớp đều bị D. mách lẻo với cô chủ nhiệm. Nguyên nhân của mọi tin đồn chỉ là do mẹ D. thân thiết với giáo viên.
"Đầu tiên, bọn bắt nạt gọi mình là hót gơn và mọi người trong lớp cũng hùa theo rất nhanh, trong đó có T... Giáo viên gọi tên, đứng lên phát biểu, gọi lên bảng trả bài,...mình đều nghe thấy "hót gơn thể hiện đấy". Đợt đó nổi lên chị Dương So Ciu, chúng nó cũng nhanh chóng gọi mình như vậy", D. chia sẻ.
Ngoài ra, trong suốt khoảng thời gian học cấp 2, T. cũng các bạn thường xuyên body shaming hay trêu chọc D. bằng lời lẽ khó nghe, lấy hộp bút của D., xô ngã D. xuống cầu thang,...
"Mình làm bất kì chuyện gì cũng bị lôi ra bàn tán, từ mái tóc đen, cặp kính cận, bộ ngực lớn, cốc mì mình ăn, thần tượng mình thích... hay thậm chí cả chuyện mình có hành kinh cũng bị trêu chọc. "Hót gơn có áo mới kìa", "hót gơn ăn sáng cũng **chúng mày ơi’ "hót gơn thích gây sự chú ý nhưng không thành công kìa"...và hàng tỉ câu tương tự như vậy, mình nghe mỗi ngày."
Phải chịu đựng những lời châm chọc, mỉa mai trong khoảng thời gian dài, T.D. dần mất đi sự tự tin, thậm chí, bản thân còn căm ghét chính khuôn mặt và thân hình của mình, hoài nghi tất cả những việc bản thân làm và hoảng sợ trước những chuyện nhỏ bé như gặp người lạ hay đứng thuyết trình.
Dù đã nhiều lần cầu xin các bạn ngưng lại hành động hành hạ về mặt tinh thần nhưng không một ai lắng nghe. Trái lại, nhóm bạn này còn bày ra nhiều chiêu trò khác để làm tổn thương D.
Bất lực và suy nghĩ tiêu cực trước hành động của các bạn, D. từng tự làm tổn thương cơ thể mình. Những hành động dại dột đó khiến cơ thể D. chằng chịt những vết sẹo. Tuy nhiên chẳng những không thông cảm mà nhóm bạn còn hả hê, tỏ ra vui mừng và cho rằng cô gái đang cố tình làm như vậy để gây sự chú ý, mong được nổi tiếng.
Chưa dừng lại, nhóm bạn T. này tiếp tục bày ra trò đùa tình cảm nhằm khiến D. "mắc bẫy". Theo đó, nhóm bạn của T. bày mưu tự lập ra một nick ảo của một bạn trai chủ động thích D. khiến cô tin sái cổ. Tuy nhiên cuối cùng cô cũng nhận ra rằng đây thực ra chỉ là trò đùa của đám bạn khiến D. ê chề, khóc lóc nhiều ngày.
Đáng nói, sau nhiều năm xảy ra sự việc, D. có nhắn tin với T. về những gì đã xảy ra với cô bạn. Tuy nhiên, khi nhắc lại chuyện cũ, T. được cho là vẫn có thái độ thách thức và muốn "tẩy trắng" sự việc.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với Pháp luật & Bạn đọc, Hiệu trưởng trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, nhà trường rất đồng cảm với hoàn cảnh của cô gái T.D, song vì nữ sinh này đã tốt nghiệp khỏi trường được 5 năm nên cũng chưa thể xác định được danh tính cũng như hoàn cảnh học tập lúc bấy giờ. Do đó cũng chưa thể biết chắc đây có phải cựu học sinh trong trường hay không.
"Lời đầu tiên khi nghe đến câu chuyện học sinh bị bắt nạt đến mức trầm cảm và tự tử hụt, tôi cảm thấy rất đồng cảm và thương xót cho em. Vấn đề tâm lý học đường luôn được nhà trường quan tâm, song vì bạn học sinh này đã ra trường quá lâu nên không thể biết được điều kiện cũng như môi trường học của bạn thế nào.
Nếu câu chuyện diễn ra ở hiện tại, chúng tôi nhất định sẽ tìm hiểu ngay, phối hợp với cả gia đình và giáo viên để giải quyết khúc mắc giữa 2 bạn".
Bên cạnh đó, vị Hiệu trưởng khẳng định, nếu T.D liên hệ cũng như có nhu cầu giải quyết khúc mắc năm xưa với bạn cùng lớp, phía nhà trường sẵn sàng hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn.