Học đường

Chuyện về thầy giáo 30 tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn 17kg mở lớp dạy tin học miễn phí cho sinh viên khuyết tật

Tiểu Anh (tổng hợp)
Chia sẻ

Người ta hay gọi anh Hùng là "thầy giáo tí hon" vì ngoại hình thấp nhỏ, cao 1m14 và nặng 17kg. Lớp học do anh giảng dạy rất đông học sinh. Họ thuộc nhiều lứa tuổi, có người thậm chí đã tốt nghiệp ĐH, Cao đẳng nhưng đang lâm cảnh thất nghiệp hoặc vì tự ty mà chưa tìm được việc làm phù hợp...

Khi cất tiếng khóc chào đời, anh Nguyễn Văn Hùng (Nam Đàn, Nghệ An) bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, số phận dường như “trêu đùa” anh khi căn bệnh thiếu hooc môn sinh trưởng khiến anh chẳng thể nào như người bình thường mà mãi mãi trong hình hài của một cậu bé.

Gần 30 tuổi nhưng anh Hùng chỉ cao 1m14 và nặng 17kg. Những tưởng, anh sẽ đầu hàng trước số phận nhưng hiện tại anh Hùng là một chuyên viên tin học cho một công ty ở Đan Mạch. Bên cạnh đó, anh còn là một giáo viên tin học chuyên giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn.

Nguồn clip: VTC.

Có mặt tại trung tâm nghị lực sống (bán đảo Linh Đàm, Hà Nội), nếu không được các bạn học sinh giới thiệu chắc không ai có thể nhận ra được người thầy giáo đặc biệt này. Anh Hùng tuy bé nhưng lại nhanh nhẹn, chạy hết bàn này đến bàn kia hướng dẫn các bạn học viên trong lớp với giọng nói nhỏ nhẹ.

Chia sẻ về người thầy của trung tâm Nghị lực sống, bạn Nguyễn Thị Thanh nói rằng: “Thầy Hùng là một người rất nhiệt tình và rất hòa đồng với mọi người ở trung tâm này. Thầy luôn tận tâm chỉ dạy mọi thứ khi chúng em gặp nhiều khó khăn”.

Chân dung người thầy tí hon của lớp học đặc biệt của người khuyết tật.

Đồng quan điểm như trên, bạn Tạ Thanh Tú (thành viên của Trung tâm Nghị lực sống) nói rằng: “Thầy Hùng là một người rất vui tính và vô cùng chu đáo”.

Điều phối viên của Trung tâm, cô Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Những người khuyết tật rất thích những thầy giáo cùng cảnh ngộ như các bạn. Vì tất cả đều nhận thấy, cùng hoàn cảnh với mình cũng như có phương pháp giảng dạy dễ hơn khiến các học viên tiếp thu dễ dàng hơn”.

Kể về lớp học đặc biệt ở trung tâm, thầy Hùng cho biết, các bạn đến với lớp học đều là người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Học viên được học nghề, được học kĩ năng sống, một số bạn sau khóa học đã có công việc ổn định.

Từ khi đến trung tâm Nghị lực sống, anh Hùng mạnh dạn hơn rất nhiều. “Khi ngồi trên ghế nhà trường, Hùng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một người giáo viên đứng trên bục giảng. Vì lúc đấy, với thân hình của mình, Hùng chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ với tay lên bảng để viết được”.

Mong ước nhỏ nhoi của Hùng là có một gia đình nhỏ. Ảnh cắt từ clip.

Cũng nhờ công nghệ thông tin mà việc dùng phấn viết bảng đã được hạn chế rất nhiều. Một thời gian, anh Hùng tham gia gia sư rồi qua thông tin trên internet, anh đã liên hệ được với một số anh chị ở Trung tâm và được các anh chị đưa ra trung tâm và tạo cơ hội cho học cũng như làm giáo viên.

Theo anh Hùng chia sẻ, dạy các bạn khiếm khuyết, điều khó khăn nhất đó là trình độ học vấn của các bạn. Một số bạn đã học đại học, cao đẳng rồi nhưng vẫn không xin được việc hoặc các bạn đang tự ti… nên trong lúc dạy, những chênh lệch về tiếp thu của các bạn cũng khác nhau. Chính vì thế, anh Hùng phải dành nhiều thời gian hơn cho các bạn có học vấn thấp.

Được biết, tại trung tâm của anh Hùng, các học viên đều không phải đóng học phí. Họ sống chung như một gia đình, sau buổi học mỗi người một việc từ nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp… Chi phí sinh hoạt, thuê phòng đều được mọi người tự nguyện san sẻ với nhau”.

Sau nhiều nỗ lực, chàng trai tí hon đã tự sống bằng trí tuệ và sức lao động của mình. Ước mơ của anh Hùng vô cùng nhỏ nhoi rằng sau này có một gia đình nhỏ, trở về quê Nghệ An sinh sống để mở một trung tâm với mô hình tương tự thế này chì vì ở quê nghèo có rất nhiều người khuyết tật mà không có cơ hội đi học như tại đây.

Theo phóng sự của: VTC

Chia sẻ

Bài viết

Tiểu Anh (tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất