Trên thực tế, câu chuyện trường chuyên lớp chọn luôn là chủ đề "nóng" mỗi dịp đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và luôn tồn tại song song 2 quan điểm trái chiều từ trước đến nay. Theo đó, một số phụ huynh cho rằng, đối với học sinh trường chuyên, cả việc học và luyện thi đều quá áp lực. Bên cạnh đó, học sinh trường chuyên sẽ học lệch và tạo ra "gà chọi" để đi thi. Thậm chí, từng có giai đoạn, nhiều ý kiến yêu cầu xóa bỏ trường chuyên để tạo tính công bằng và môi trường học tập thoải mái cho học sinh.
Trái ngược với luồng ý kiến vừa nêu trên, luồng ý kiến khác nhận định, học sinh từ trường chuyên đạt tỉ lệ thành công cao hơn học sinh trường khác như vào trường đại học top đầu, giành học bổng du học... Hai bên đều có lý lẽ của riêng mình, "không ai chịu ai".
Mới đây, một chuyên gia giáo dục độc lập tại Hà Nội vừa chia sẻ câu chuyện "Vì sao tôi không cho con học trường Ams" (viết tắt của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) nhanh chóng thổi bùng lên tranh luận dữ dội.
Theo lời chia sẻ của nữ chuyên gia, con gái của chuyên gia này thi vào trường Ams nhưng trượt ở môn chuyên, sau đó em chọn học ở một trường cấp 3 không chuyên khác. Đáng nói, điều này không những không khiến nữ chuyên gia buồn bã, trái lại, chị rất phấn khích và thừa nhận "chính tớ đã tìm cách phá công cuộc vào Ams của con tớ".
Theo lời nữ chuyên gia, 8 năm trước, con gái chị ra sức ôn luyện để thi vào trường Ams. Chị cũng nhận xét con gái chị khá chăm, học hành ổn, tuy nhiên, bản thân chị không muốn con gái thi vào trường chuyên này, vì những lý do sau:
1. Trường Ams học theo chuyên từng môn. Nghĩa là môn chuyên sẽ học nhiều hơn môn khác, đặc biệt là các môn được coi là rất phụ như Sử - Địa. Chị lại nghĩ, dốt mới cần học. Dốt môn gì, học môn đó. Nếu học môn giỏi, bỏ môn dốt thì dốt vẫn hoàn dốt.
2. Học trong môi trường quá cạnh tranh sẽ khiến các con sống mệt mỏi. Bất kể lúc nào cũng phải học và học, áp lực thi cử quá nhiều thì sẽ không tốt cho tâm lý các bạn. Đành rằng còn tùy từng gia đình nhưng học ở nơi có quá nhiều bạn giỏi, chắc chắn áp lực đó sẽ cao hơn nơi bình thường.
3. Khi sống trong môi trường cạnh tranh, các con dễ so bì nhau. Điều kiện đó sẽ nảy sinh tính cách hẹp hòi, hay chê bai, dìm hàng bạn bè, thiếu bao dung. (Dễ nảy sinh thôi, có tính đó hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố).
4. Nếu học Ams mà gặp thất bại, con sẽ vất vả để vượt qua nỗi thất vọng bản thân hơn hẳn học nơi khác. Sợ bạn khinh thường, cảm thấy mình kém cỏi... sẽ là các cảm giác con phải đối mặt. Đành rằng nơi khác cũng vậy nhưng áp lực chắc sẽ ko bằng. Nếu bạn nào yếu đuối quá, có thể tâm lý sẽ bị ảnh hưởng. (Bạn của con chị học trường này và bị chảy máu dạ dày vì áp lực).
Cuối bài chia sẻ, nữ chuyên gia giáo dục cho biết, thời điểm đó, bản thân chị khá cương quyết việc không cho con thi vào trường chuyên. Do đó, chị cũng không cho con gái đi học thêm ở bất kỳ đâu và chuyện gì đến cũng đến, con gái chị trượt vào trường Ams, đúng như ý muốn của chị.
Dư luận bùng lên cuộc tranh cãi dữ dội
Ngay sau khi bài chia sẻ của nữ chuyên gia giáo dục xuất hiện trên mạng xã hội lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Như bao vấn đề khác, bài chia sẻ này đã dấy lên cuộc tranh cãi cực kỳ dữ dội với nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Theo đó, một bộ phận dân mạng tỏ ra khá thích thú với tư duy của người mẹ trong câu chuyện này và cảm thấy lời chia sẻ này bổ ích. Tuy nhiên, một bộ phận lớn dân mạng khác lại cảm thấy người mẹ này "có vấn đề" khi có cái nhìn phiến diện về trường Ams, chưa kể, chị còn tự hào khoe rằng "tự tìm cách phá công cuộc vào trường Ams của con" thì thật khó để chấp nhận.
Ý kiến đồng tình: Một số phụ huynh đồng tình với những áp lực "bằng bạn bằng bè" tại trường chuyên
Phụ huynh H.V.N cho hay: :Chị nói rất chuẩn đấy ạ, tôi - 1 Amser cho hay. Hồi xưa đi học cứ phải cố, cố để ko kém bạn kém bè. Xưa mỗi lần họp phụ huynh là nơm nớp lo mẹ mắng, vì lúc nào cũng xếp thứ ngoài 20".
Tương tự, phụ huynh T.B.S đưa ra ý kiến: "Đúng là như vậy đó chị. Ams có rất nhiều điều tích cực mà các phụ huynh đã biết, nhưng những áp lực ngầm thì đa phần phụ huynh đều không biết cặn kẽ, chỉ có con cái chúng ta biết, giống như bạn Lê Hoàng kia viết. Là phụ huynh đã có con học ở cả hai trường Ams và học CNN, em đồng tình với ý kiến này. Những áp lực phải giỏi bằng bạn bằng bè sẽ còn theo đuổi con cả khi con đi làm nữa chứ nó không chấm dứt ở tại thời điểm con ra trường đâu ạ. Cuộc đua vào đại học Ivy, đi thực tập ở đâu, đi làm ở đâu… các con cứ phải gánh một áp lực vô hình rất dài vì bạn bè toàn các bạn xuất sắc"
Rất nhiều ý kiến phản đối....
"Không hiểu vì sao người mẹ này lại tự hào khi tự tay phá hỏng đi giấc mơ của con"
Đó là nội dung bình luận mà rất nhiều phụ huynh cũng như học sinh đã để lại bên dưới bài chia sẻ của nữ chuyên gia giáo dục.
Một phụ huynh bình luận: "Không học Ams” là ý muốn của mẹ chứ đâu phải của con gái bạn. Vậy là cuối cùng con vẫn phải học theo ý muốn của mẹ như bao nhiêu bà mẹ Ams khác thôi, có điều lựa chọn của mẹ khác nhau và cũng không quan tâm đến mong muốn cũng như nguyện vọng của con.
Cá nhân mình thấy con có khả năng học tập, có nguyện vọng và mục tiêu thì bố mẹ nên tôn trọng - đừng tìm cách phá ước mơ của con. Mình không thể biết khả năng của con sẽ bay xa như thế nào nếu không để con thử. Cứ đồng hành và ủng hộ cho dù lựa chọn của con thấp hơn kỳ vọng nhưng như bạn nói đời con là của con hãy tôn trọng lựa chọn của con!"
Tiếp đó, một học sinh để lại bình luận: "Giờ mới thấy “Thà con thất bại trong ước mơ của con còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ” là câu nói đúng. Cho dù có trượt hay thất bại thì ít nhất bạn ấy đã làm hết mình để không phải nuối tiếc, đằng này con có ý chí muốn học nhưng lại chặn không mở đường cho con và tự thấy thế là đúng. Dám chắc con gái cô kể trên ngoài mặt vẫn vui vẻ hài lòng với mẹ nhưng trong nội tâm đã tiếc và mong chờ cái ghế Ams lắm. Cảm ơn trời vì con đã là con gái của bố mẹ, những người luôn ủng hộ con đường của con".
Một phụ huynh để lại ý kiến: "Ép con học để vào được trường chuyên theo ý bố mẹ với phá con để con không vào được trường chuyên như ý bố mẹ thì đều toxic như nhau thôi chị ạ. Cuối cùng là chị vẫn muốn con theo ý chị nhân danh cái việc "bố mẹ nghĩ thế là tốt cho con" thôi.
"Con trượt trường Ams mà cứ làm như con đỗ nhưng không học"
Ngoài những ý kiến chỉ trích người mẹ ích kỷ, áp đặt cho con cái theo ý muốn của mình, một số dân mạng cũng tỏ ra ngán ngẩm khi biết con gái của nữ chuyên gia giáo dục bị rớt trường chuyên Ams, tuy nhiên, nữ chuyên gia lại đăng bài như kiểu "con đỗ nhưng không muốn học".
Một thành viên để lại bình luận: "Bài viết này nếu đỗ mà không học mới là câu chuyện, còn bạn này tất nhiên là trượt nên nói chính xác chưa được học Ams nên cái đánh giá mang tính cá nhân....Môi trường nào cũng có tốt và chưa tốt. Con người tốt thì sẽ muốn môi trường tốt nhất mà thôi"
Một thành viên khác viết: "Tôi cảm thấy lãng phí thời gian khi đọc 4, 5 luận điểm chê Ams xong ở dưới chốt lại là con thi trượt Ams. Chị phải nói ngay từ đầu chứ, hóa ra toàn là những đánh giá, nhận xét do chị tưởng tượng ra và chưa từng có cơ hội được trải nghiệm".
"Không đỗ được chuyên mà vẫn phán xét như đỗ mà không học. Nói gì thì nói, môi trường chuyên đặc biệt là Ams tôi luyện cho học sinh nhiều kĩ năng khác nhau mà người không học ở trong trường thì không bao giờ hiểu được, đừng đổ tại phụ huynh Việt Nam bệnh thành tích. Tóm lại đừng so sánh các trường công và trường chuyên, trường chuyên hơn nhiều lắm, những phụ huynh có con không đỗ Ams nói riêng và các trường chuyên nói chung mà không hiểu được những giá trị mà chúng mang lại thì đừng phán xét, không phải tự nhiên Ams là cái nôi cho rất nhiều thành công sau này và là trường top đầu cả nước".
"Con mình học trường Ams và mình thấy quan điểm của bạn sai hoàn toàn so với những gì con mình được trải nghiệm ở Ams"
Một phụ huynh có con đang học ở Ams chia sẻ: "Con mình học Ams 3 và con mới ra trường, mình thấy những quan điểm của bạn sai hoàn toàn nếu so với những gì con mình được trải nghiệm ở Ams. Cho đến giờ, con rất yêu lớp, yêu quí các bạn, thân thiết nhau và chả có gì cạnh tranh, áp lực quá cả, con đi học rất vui vẻ, hạnh phúc và năng động tham gia các hoạt động của trường lớp. Con không tham gia đội tuyển nên việc học khá nhẹ nhàng (con bảo nhẹ hơn học công lập). Mình vui vì con từ 1 đứa trẻ khá nhút nhát, sau mấy năm học ở Ams thì con đã năng động hơn, có nhiều mối quan hệ bạn bè tốt, thân thiết nhau. Con nhà mình vẫn động viên em nó là: Em cố gắng thi vào Ams 3 mà học, em sẽ không phải hối hận đâu"
Không những phụ huynh, chính các học sinh đang theo học Ams cũng đưa ra những quan điểm, lập luận hết sức sắc bén để phản biện lại quan điểm của nữ chuyên gia giáo dục.
Một học sinh bình luận như sau: "Mấy luận điểm của bác cháu có ý kiến như này:
1. Học giỏi, đam mê môn nào đầu tư chuyên sâu môn đó là hợp lý rồi. Hay bác thích bắt Einstein đi học sử, học địa cho nó đều. Hơn nữa, môn chuyên là được nâng cao thôi, không ai cấm con bác học đều cả. Ai cũng có lựa chọn không học đội tuyển.
2. Bác sợ con bác cạnh tranh mệt mỏi thì bác định ôm khư khư bạn ấy cả đời à. Ra trường đi làm bao nhiêu áp lực. Mở công ty hay cửa hàng nhỏ cũng rất nhiều cạnh tranh. Cấp 3 là lúc cho bạn ấy được cạnh tranh lành mạnh vì lúc ấy bạn ấy đã đủ nhận thức nhưng thất bại cũng không sao. Còn nhiều cơ hội làm lại.
3. Suy nghĩ trường chuyên sinh ra tính so bì, hẹp hòi là sai hoàn toàn. Khi lên cấp 3, con người đã 15-16 tuổi tức là đã có 15-16 năm để tạo thành tính cách. Từ nhỏ khi thấy bạn bè có đồ chơi hay khi lớn hơn khi thấy bạn bè được bố mẹ mua điện thoại, cho đi du lịch, các bạn hẹp hòi đều hẹp hòi rồi, bạn nào rộng lượng cũng đã rộng lượng rồi. Hơn nữa, ai bảo trường thường là không ganh đua, đố kị. Học sinh trường thường có thể sẽ đố kị chuyện thiếu lành mạnh như ăn chơi, mua sắm. Để con mình đố kị với các bạn về chuyện học tập, ai nói tiếng anh hay hơn,... không phải tốt hơn sao?
4. Thế bác không biết là con bác đã thấy mình thật kém cỏi khi trượt Ams à? Sao bác không có lòng tin và hỗ trợ con mình sẽ thành công trong môi trường Ams? Nếu Steve Jobs cũng sợ thất bại thì bây giờ mọi người đang viết thư tay à? Con bác nếu thất bại khi học Ams sẽ thấy ồ đây là trường top đầu Việt Nam, mình thất bại ở đây vẫn là quá tốt rồi. Còn con bác thất bại ở trường thường thì sao, chẳng phải tuyệt vọng hơn nhiều à? Hơn nữa, vào trường nào cũng thế, thầy cô sẽ giúp các bạn học sinh, không muốn để ai thất bại cả. Thầy cô Ams là những thầy cô hàng đàu Việt Nam không phải sẽ giúp con bác rất tốt sao?
Đó là phản biện mấy ý của bác. Còn đây là vài điểm tốt khi học Ams nói riêng và trường chuyên nói chung:
- Môi trường học tốt, thầy cô hàng đầu, trang thiết bị được đầu tư. Môi trường như thế quá tốt để thành công.
- Bạn bè toàn những người giỏi. Những mối quan hệ đó là vô giá và rất có ích cho sau này. Ví dụ bạn của con bác sẽ là những bác sĩ hàng đầu Việt Nam. Thế thì lo gì bệnh tật nữa chẳng hạn.
Con bác nếu đỗ Ams, biết đâu giờ bạn ấy chuẩn bị tốt nghiệp Stanford. Được Google mời làm với lương $200k hay đã mở một startup?
Con đam mê học mà mẹ không cho. Đấy là bác đang áp đặt sở thích/suy nghĩ của mình lên con mình đấy. Hãy cho trẻ em được thoải mái thử thách trong khuân khổ lành mạnh.
Đừng đổ lỗi cho trường chuyên. Trường chuyên đã giúp thay đổi số phận của nhiều người".