Học đường

Chật vật khi con không được học bán trú

Theo Lao Động
Chia sẻ

Hơn một tháng qua, kể từ khi học sinh cả nước bước vào năm học mới 2022 - 2023, nhiều phụ huynh là công nhân tại TPHCM phải chật vật xoay xở đủ đường để đưa đón con đi học vì nhiều bé không được học bán trú.

“...buộc phải nghỉ làm công ty để ở nhà đưa đón, trông con”

Chị Nguyễn Thị Cúc, công nhân tại một công ty trên địa bàn TP. Thủ Đức, từ Hà Tĩnh vào TPHCM từ năm 2006 để mưu sinh. Hơn 10 năm qua, chị đi làm công nhân để lo chuyện cơm áo, kể từ khi chị lấy chồng, sinh con, nỗi lo của chị càng tăng lên gấp bội. Ngoài việc lo cho sức khỏe, tã sữa của hai đứa con nhỏ, chị Cúc còn phải lo việc học cho con, đặc biệt là việc đưa đón con đi học.

“Bé lớn của tôi năm nay học lớp 5, nhưng từ năm lớp 1 tới giờ con không được học bán trú. Giờ ăn cơm trưa tôi phải xin công ty ra ngoài để đi đón bé, đưa bé về nhà cho bé chơi một mình rồi quay lại công ty. Nếu thuê người đưa đón bé thì thu nhập của vợ chồng tôi sẽ bị âm” - chị Cúc chia sẻ.

Cũng như chị Cúc, con anh Nguyễn Văn Sự, công nhân Công ty Pouyen Việt Nam (quận Bình Tân), cũng không được học bán trú, việc đưa đón con phải trông chờ vào cô giáo mầm non anh thuê ở bên ngoài.

“Mỗi buổi sáng đi làm tôi sẽ cho con ăn uống rồi đưa đến lớp học. 11h30 phút, cô giáo mầm non bên ngoài sẽ đến rước con tôi về nhóm trẻ cho ăn uống, đến tối tôi đi làm về sẽ đón con về nhà. Không ai muốn gửi con bên ngoài nhưng nếu không gửi thì không có cách nào đưa đón” - anh Sự tâm sự.

Con không được học bán trú, công nhân phải xoay xở đủ đường, có người phải nhờ ông bà từ quê vào ở để đưa đón cháu, có trường hợp không nhờ được ai, một trong hai vợ chồng buộc phải nghỉ làm để ở nhà đưa đón con.

“Trường con tôi cho học sinh bán trú xoay vòng từng khối mỗi năm, năm nay cho bán trú lớp 2 nhưng con tôi vào lớp 1 thì không được bán trú, sang năm cho bán trú lớp 3 thì con tôi học lớp 2 cũng không được. Cứ như vậy cho đến hết tiểu học con tôi sẽ không được học bán trú. Do vậy, vợ tôi buộc phải nghỉ làm công ty để ở nhà đưa đón và trông cháu” - anh Võ Hồng Mến, công nhân Công ty TNHH sản xuất cân Nhơn Hòa - TP.Thủ Đức, bộc bạch.

Chật vật khi con không được học bán trú Ảnh 1
Số lớp bán trú tại các trường học trên địa bàn TPHCM không đủ đáp ứng cho số học sinh tăng lên mỗi năm. Ảnh: Chân Phúc

Số lớp học bán trú không đủ cho số học sinh tăng cơ học mỗi năm

Anh Sự cho hay, việc con anh không được học bán trú là do con anh rơi vào những lớp phía sau (theo số thứ tự). “Ban đầu tôi nghe nói có lớp bán trú nhưng khi con tôi vào học thì không được, chỉ cho 5 lớp đầu tiên được học bán trú. Không có lớp bán trú cho con, chúng tôi phải tốn thêm tiền để thuê người đưa đón và giữ cháu bên ngoài, chi phí trung bình một tháng tiền đưa đón và gửi bên ngoài khoảng 1,8 triệu đồng, chưa kể tiền học thêm” - anh Sự nói.

Không chỉ riêng con của chị Cúc, anh Sự hay anh Mến không được học bán trú mà con của nhiều công nhân lao động khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Chị Nguyễn Thu Hiền là một trong nhiều lao động đang tạm trú trên địa bàn quận Bình Tân, bức xúc vì con chị và hàng chục người lao động cùng công ty không được học bán trú với lý do “ưu tiên cho trẻ thường trú”.

“Vì sao người lao động tạm trú, một vợ, một chồng lên TPHCM để lập nghiệp, con cái không có ai để chăm lo thì không được ưu tiên, mà chỉ ưu tiên cho người thường trú” - chị Hiền, nhân viên tại một công ty bảo vệ, bức xúc nói.

Liên quan đến việc con của nhiều công nhân lao động trên địa bàn quận Bình Tân không được học bán trú, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho hay, năm 2022, học sinh trên địa bàn quận Bình Tân tăng thêm khoảng 4.300 học sinh, số lớp bán trú chỉ đáp ứng được 45% cho khối tiểu học, 25% cấp trung học cơ sở. Số phòng học xây dựng thêm không đủ đáp ứng cho số học sinh tăng thêm cơ học, đó là lý do nhiều trẻ không được học bán trú.

Việc ưu tiên cho trẻ thường trú được học bán trú, theo ông Tuyên đó là tiêu chí các trường đặt ra, không phải do Phòng quy định, cơ bản sẽ giải quyết trước cho con cán bộ, công nhân viên quân đội, công an để họ làm công tác.
 

Chia sẻ

Theo

Lao Động

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất