Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Chàng trai Campuchia 4 năm chưa về thăm nhà và hành trình chinh phục ĐH Bách khoa Hà Nội

Vượt qua tỷ lệ chọi 1/600, giành học bổng toàn phần Đại học Bách khoa Hà Nội, chàng trai người Campuchia Vun Liem (SN 1997) truyền cảm hứng về hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ trên đất nước Việt Nam vượt qua giới hạn của bản thân vươn lên thực hiện ước mơ.

Vượt qua tỉ lệ chọi 1/600 trở thành sinh viên Bách khoa

Vun Liem sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo biên giới thuộc tỉnh Banteaymeanche (Campuchia), cách Thủ đô Phnom Penh hơn 400km. Từ nhỏ, Liem đã là niềm hy vọng của cả nhà. Vì gia đình quá khó khăn nên 3 anh, chị lớn đều phải đi làm thuê từ sớm.

Chàng trai Campuchia 4 năm chưa về thăm nhà và hành trình chinh phục ĐH Bách khoa Hà Nội Ảnh 1
Vun Liem cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội

Là em út, Vun Liem được ưu tiên học lên đến đại học. Nam sinh đỗ vào Viện Khoa học và Công nghệ Campuchia, một ngôi trường kỹ thuật tốt nhất ở Campuchia và giành được 50% học bổng. “Dù vậy, phần học phí còn lại, cùng các khoản chi tiêu sinh hoạt vẫn là một gánh nặng lớn đối với bản thân mình và gia đình. Tình cờ tôi biết qua một chút thông tin về các chương trình học bổng toàn phần ở nước ngoài. Tôi đã đăng ký hồ sơ xin học bổng sang Việt Nam và Nhật Bản. Đó có lẽ là quyết định liều lĩnh nhất trong đời mình”, Liem nói.

Ngoài những bài thi ngoại ngữ, Vun Liem phải hoàn thành các bài thi Toán, Lý, Hóa và bài luận liên quan đến chương trình của học bổng. Vun Liem đã xuất sắc vượt qua tỷ lệ chọi 1/600 giành cơ hội nhận học bổng du học toàn phần tại Việt Nam do Chính phủ Campuchia cấp (bao gồm toàn bộ học phí, phí sinh hoạt và đi lại) vào Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Sang Việt Nam từ khoảng tháng 9/2016, Liem dành một năm đầu theo học tiếng Việt ở trường Hữu Nghị 80 (Sơn Tây, Hà Nội). Đó là giai đoạn đầy khó khăn với chàng trai 9X Campuchia. Riêng khoản phân biệt được các dấu trong tiếng Việt, Liem phải mất 2 tháng trời.

Khi đã giao tiếp thông thạo ngôn ngữ phổ thông, Vun Liem lại gặp khó vì không hiểu những từ lóng hay tiếng địa phương. Thay vì ngồi ở nhà học từ vựng, Vun Liem chọn cách thường xuyên ra chợ mua đồ để học cách giao tiếp sao cho tự nhiên nhất.

Ban đầu, Liem nói nhưng không ai hiểu, thậm chí còn dùng sai rất nhiều từ. Nhưng điều đó không hề làm Liem nản chí. Dần dần, nam sinh đã biết mặc cả khi mua đồ, thậm chí có nhiều người còn không phát hiện ra cậu là người Campuchia vì Liem nói tiếng Việt khá trôi chảy và thành thạo.

Mang trong mình sự tự tin bước vào giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội, Vun Liem sốc toàn tập khi ngay buổi đầu tiên cậu chỉ hiểu được 30% bài giảng. Mặc dù, trước đó chàng trai 9x người Campuchia đã được các thầy cô đánh giá là tiếng Việt khá tốt.

“Học kỳ đầu, điểm số của mình gần như “chạm đáy”. Nhất là đối với các môn có nhiều từ chuyên ngành trừu tượng, khó hiểu như Triết học Mác-Lênin, Pháp luật đại cương”, Liem kể. Kết thúc kỳ 1, năm nhất, điểm tổng kết của Liem chỉ xếp loại trung bình 2.14/4 điểm. “Đây là lần đầu tiên kết quả học tập của mình tệ đến vậy”, Liem chia sẻ.

Chàng trai Campuchia 4 năm chưa về thăm nhà và hành trình chinh phục ĐH Bách khoa Hà Nội Ảnh 2
Vun Liem (ngoài cùng, bên phải)

Vực lại tinh thần, Liem chủ động tham gia các hội, nhóm sinh viên của trường. Với quyết tâm phải cải thiện điểm số, Vun Liem đã đưa ra cho mình một lộ trình chiến lược học tập thích hợp. Ngoài việc tập trung học, Liem cũng luyện cho mình khả năng tự lập thông qua các kỹ năng như quản lý thời gian, làm việc nhóm, kỹ năng xử lý vấn đề, biết tự chăm sóc cho bản thân từ những việc đơn giản nhất như nấu ăn, ốm đau…

“Trái ngọt” sau những cố gắng không ngừng

Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, từ học kỳ 2 kết quả học tập của Liem được cải thiện và thuộc top cao của lớp. Đến năm 4, Vun Liem đạt điểm GPA 3.83/4 và điểm rèn luyện là 84, trở thành du học sinh đầu tiên giành học bổng khuyến khích học tập của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bên cạnh đó, cậu còn giành được học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia. Thời gian này, chàng trai 9x vẫn tiếp tục trên con đường hoàn thành bậc học thạc sĩ của mình tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chàng trai Campuchia 4 năm chưa về thăm nhà và hành trình chinh phục ĐH Bách khoa Hà Nội Ảnh 3
Vun Liem trong chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam-Lào-Campuchia

Sau khi tự ứng tuyển vào công ty Viettel Campuchia, Vun Liem đang công tác tại công ty Metfone (Viettel Campuchia) thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) với vị trí kỹ sư phát triển phần mềm.

Tuy đây không phải là công việc đúng chuyên ngành mà Liem đã theo học, nhưng với mong muốn được thử sức mình ở nhiều lĩnh vực, Vun Liem định hướng bản thân chuyển hướng từ kỹ sư cơ điện tử sang công nghệ thông tin, cụ thể là về mảng data hoặc kỹ thuật phần mềm.

Chàng trai Campuchia 4 năm chưa về thăm nhà và hành trình chinh phục ĐH Bách khoa Hà Nội Ảnh 4
Lần hiếm hoi Vun Liem được về quê nhà thăm gia đình

Chia sẻ về cuộc sống bản thân, Vun Liem không khỏi xúc động khi nhắc về gia đình của mình: “Lần gần nhất tôi về thăm nhà là khoảng tháng 2/2019. Kể từ đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, rồi lịch trình học tập dày đặc, các dịp lễ Tết hầu hết đều trùng với lịch thi, tôi chưa có cơ hội về thăm gia đình. Mỗi lần nhớ nhà, tôi chỉ có thể nhìn mọi người qua điện thoại hay là đem những bức hình chụp chung của gia đình ra ngắm”.

Nhiều biến cố xảy ra trong thời gian chàng trai 9x Campuchia xa nhà, ông nội Vun Liem đã mất trong khoảng thời gian đó, mẹ Liem ốm phải nằm viện điều trị, bản thân Vun Liem đôi khi cũng thấy bất lực và tự trách mình. Nhưng rồi nam sinh lại lấy đó làm động lực cho bản thân, vì Liem biết, cả nhà vẫn luôn đặt niềm tin và hy vọng lớn ở mình.

Chia sẻ về dự định tương lai, Vun Liem đặt ra kế hoạch công tác ở Việt Nam ít nhất 2 năm nữa, sau đó sẽ trở về quê hương để hỗ trợ gia đình và sớm ổn định công việc cùng mong muốn góp phần xây dựng quê hương của mình ngày càng phát triển hơn.


 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tiền Phong

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
Mỹ Tâm xin lỗi