Học đường

Câu chuyện chàng sinh viên mất cả đôi chân và hành động đẹp của tài xế Grab khiến nhiều người thấm thía: 'Cho đi rồi sẽ nhận lại'

Sơn Ca (TH)
Chia sẻ

Tài xế Grab nhận cuốc xe chở cậu sinh viên năm 2 bị mất 2 chân đến điểm trường Đại học. Thế nhưng, kết thúc chuyến xe, tài xế Grab không nhận tiền cuốc xe ấy mà còn tốt bụng cõng cậu sinh viên vào trường rồi mới chào tạm biệt. 

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta luôn phải tất bật trong vòng xoay “cơm - áo - gạo - tiền” mà dường như quên đi những giây phút lắng đọng trong cuộc sống này. Thế nhưng giữa dòng đời hối hả ngoài kia, vẫn có rất nhiều những con người sẵn sàng bỏ thời gian để quan sát, để sống chậm hơn, yêu thương và cảm thông với những mảnh đời kém may mắn.

Mới đây, mạng xã hội vừa xuất hiện câu chuyện hết sức ý nghĩa của một tài xế Grab. Theo đó, tài xế Grab nhận cuốc xe chở cậu sinh viên năm 2 đến điểm trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Quận 7, TP.HCM), đáng chú ý, cậu sinh viên này bị mất cả 2 chân (bị cắt tới đùi) do một tai nạn khi còn nhỏ. Suốt đoạn đường ấy, tài xế Grab đã trò chuyện và hiểu thêm về tình cảnh của cậu sinh viên, càng hiểu tài xế Grab càng thêm phần khâm phục anh bạn trẻ.

Kết thúc chuyến xe, tài xế Grab không nhận tiền cuốc xe ấy mà xem như giúp đỡ cậu sinh viên ấy. Không những vậy, tài xế Grab còn cõng cậu sinh viên vào trường rồi mới chào tạm biệt.

Câu chuyện xúc động của tài xế Grab về chàng sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành bị cụt cả 2 chân. 

Nguyên văn câu chuyện được chia sẻ như sau:

“Hôm qua mình có chở cậu này học năm thứ 2, trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Chuyến xe xuất phát từ đường Đỗ Xuân Hợp, Quận 9 đi trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cơ sở đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, đường kẹt xe, phải đi hết tầm gần 17km với tổng số tiền là 62.000 trong một giờ đồng hồ.

Điều đặc biệt ở đây là cậu này mất cả 2 chân (bị cắt tới đùi) do lúc nhỏ không may gặp tai nạn. Cả đoạn đường đi nói chuyện với nhau mình mới biết cậu ấy nghị lực phi thường thế nào.

Bình thường buổi sáng cậu ruột sẽ chở cậu đi học. Hôm nay ông bận gì đó nên mới đặt xe. Tới trường, sẽ có bạn cùng lớp cõng vào. Cậu nói học ngành dược để sau này cố gắng mở tiệm thuốc Tây vì chân bị như vậy nên khó học những ngành khác.

Không biết ước mơ của cậu có thành hiện thực không nhưng mình hết sức khâm phục nghị lực của cậu này. Bị từ 5 tuổi mà học lên được tới đại học.

Đấy, người ta bị tật cả 2 chân mà có nghị lực và sống lạc quan, còn chúng ta có sức khoẻ, bình thường thì hãy cố gắng sống thật tốt và bớt than phiền về cuộc sống này.

Kết thúc chuyến xe, cậu hỏi tôi bao nhiêu tiền vậy anh. Tôi nói: “Thôi, anh không lấy tiền đâu!” Nhìn vẻ mặt cậu có vẻ rất vui làm tôi cũng thấy nhẹ lòng. Nói xong tôi cõng cậu vào chỗ bảo vệ ngồi để đợi bạn rồi chào tạm biệt.

Và hình như tôi cho đi thì cũng sẽ được nhận lại. Tôi không lấy tiền cậu nhưng ngày hôm qua tôi được bo hơn 50.000 đồng”.

Chàng sinh viên bị mất đôi chân hiện đang theo học ngành Dược, ĐH Nguyễn Tất Thành. 

Qua tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ, cậu sinh viên nói trên có tên Ngô Nhật Tân (20 tuổi, quê ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.) sinh viên năm 2 ngành dược, ĐH Nguyễn Tất Thành.

Lúc 5 tuổi, Tân chẳng may trượt chân, ngã vào máy bơm nước đang chạy trong ao nuôi tôm của gia đình. Sau đó, một chân của Tân bị cưa đến nửa đùi, chân còn lại bó bột, không thể cử động được.

Theo Tân chia sẻ, thời tiểu học, cha cõng Tân đến lớp. Lên cấp 2, gia đình mua cho Tân chiếc xe lăn để có thể tự đi học. Tuy nhiên, khi vào lớp, Tân phải nhờ các bạn và thầy cô cõng vào bàn học. Thời THPT, Tân phải lên thị trấn ở nhờ nhà cô. Hằng ngày, các bạn trong lớp đến chở Tân tới trường, cõng Tân vào lớp.

Đến khi học Đại học, Tân chuyển đến ở trọ cùng cậu ruột tại Q.9, TP.HCM. Hằng ngày, cậu chở Tân đi học, chiều đón về. Những ngày đầu học ĐH, cậu chở đến trường rồi cõng lên tận lớp học. Các bạn trong lớp lúc đầu có vẻ ngạc nhiên, nhưng hiện tại, rất nhiều bạn bè đã chủ động đề nghị Tân thay cậu cõng lên lớp.

Được biết, suốt 2 năm học đại học, Tân luôn chăm chỉ và đạt thành tích tốt. Điều đó chính là niềm hào của cậu sinh viên trẻ tàn nhưng… không phế.

Câu chuyện ngay sau khi đăng tải ngay lập tức thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng mạng. Rất nhiều ý kiến tỏ ra cảm động trước hành động đẹp của tài xế Grab. Bên cạnh đó, nhiều người cũng hết sức ngưỡng mộ sự nổ lực, cố gắng của chàng sinh viên nói trên.

Và có lẽ, đúng như tài xế Grab vừa nói “Cho đi thì sẽ được nhận lại”, ai ai cũng mong câu chuyện ý nghĩa này sẽ lan tỏa đến nhiều người, để từ đó, chúng ta sống yêu thương, vị tha và luôn cho đi những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

Chia sẻ

Bài viết

Sơn Ca (TH)

Tin mới nhất